Kbang: Xây dựng thương hiệu nông-lâm sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tại Ngày hội Du lịch Kbang năm 2018, huyện đã tổ chức Hội chợ nông-lâm sản với trên 70 gian hàng trưng bày hơn 60 sản phẩm nông-lâm-thủy sản đặc trưng của địa phương nhằm quảng bá và thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại. Doanh số tiêu thụ các sản phẩm này tại hội chợ đạt hơn 1 tỷ đồng. Đây là tín hiệu cho thấy tiềm năng và giá trị của ngành Nông nghiệp huyện Kbang.
Huyện Kbang có nhiều tiềm năng về sản xuất nông nghiệp với những mặt hàng nông-lâm sản phong phú, chất lượng. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã rất chú trọng đến việc tổ chức sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông-lâm sản của địa phương. 
Xây dựng thương hiệu nông-lâm sản
Các loại trái cây đặc sản được trưng bày tại Hội chợ nông-lâm sản do huyện Kbang tổ chức năm 2018. Ảnh: Đ.T
Các loại trái cây đặc sản được trưng bày tại Hội chợ nông-lâm sản do huyện Kbang tổ chức năm 2018. Ảnh: Đ.T
Bốn năm trước, chị Nguyễn Thị Lệ Giang (tổ dân phố 11, thị trấn Kbang) lần đầu tiên được nếm hương vị của hạt mắc ca. Ấn tượng bởi vị thơm ngon, béo, bùi của loại hạt này, chị để tâm tìm hiểu. Biết hạt mắc ca rất giàu protein và chất xơ, đặc biệt tốt cho sức khỏe tim mạch, não bộ và hệ xương, từ đó, chị bắt đầu kinh doanh sản phẩm này. “Tôi bắt đầu bằng việc bán hàng online. Qua đó, nhiều người biết đến sản phẩm mắc ca và đặt hàng. Thấy kinh doanh sản phẩm này đem lại nguồn thu ổn định, tôi đã đầu tư máy móc để chế biến. Trung bình mỗi năm, tôi tiêu thụ khoảng 1,5 tấn sản phẩm mắc ca sấy, mắc ca tươi và cả sữa mắc ca. Hiện nay, tôi có 20 khách mua sỉ ở khắp mọi nơi, chủ yếu là ở TP. Hồ Chí Minh”-chị Giang cho biết.
Trên địa bàn huyện Kbang hiện có gần 220 ha mắc ca, tập trung ở các xã: Đak Rong, Sơ Pai, Sơn Lang, Krong… Ông Võ Tấn Hưng-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang-cho biết: Với quy mô, chất lượng hiện có, hạt mắc ca hứa hẹn là một sản phẩm triển vọng để huyện đẩy mạnh đầu tư sản xuất, hướng tới xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, điều này có thành công hay không còn trông chờ rất nhiều vào nỗ lực của các hộ dân, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Trước hết, họ phải sản xuất theo quy trình chuẩn VietGAP, phải được các cơ quan kiểm nghiệm đánh giá, công nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.  
Ngoài mắc ca, trên địa bàn huyện Kbang còn có khá nhiều loại nông-lâm sản có chất lượng cao, như: sa nhân tím, gạo lứt, mật ong rừng, lan kim tuyến…Vừa qua, tại Ngày hội Du lịch Kbang năm 2018, huyện đã tổ chức Hội chợ nông-lâm sản với trên 70 gian hàng trưng bày hơn 60 sản phẩm nông-lâm-thủy sản đặc trưng của địa phương nhằm quảng bá và thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại. Doanh số tiêu thụ các sản phẩm này tại hội chợ đạt hơn 1 tỷ đồng. Đây là tín hiệu cho thấy tiềm năng và giá trị của ngành Nông nghiệp huyện Kbang. Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Qua triển khai thực tế, các hộ dân đã ý thức được trách nhiệm của mình về an toàn thực phẩm; xây dựng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua kiểm tra tại hội chợ, các ngành của huyện đánh giá các sản phẩm đều cơ bản đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng. Cũng theo ông Tình, hiện nay, huyện đã có 1 sản phẩm đăng ký thương hiệu là mật ong rừng thiên nhiên Kbang. Đây là sản phẩm được khai thác tự nhiên và phân phối bởi Công ty cổ phần Việt Nga Gia Lai.
Liên kết để phát triển bền vững
Nông dân huyện Kbang chăm sóc vườn mắc ca của gia đình. Ảnh: LÊ NAM
Nông dân huyện Kbang chăm sóc vườn mắc ca của gia đình. Ảnh: Lê Nam
Xác định nông nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, huyện Kbang đã đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, trong đó có việc xây dựng mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới hứa hẹn đem lại nhiều thành công.
Hợp tác xã Nông nghiệp-Xây dựng và Thương mại Sơ Pai được thành lập tháng 10-2017, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp với các dịch vụ cung ứng giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân. Vừa qua, Hợp tác xã đã đứng ra ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh để phát triển trồng đương quy với diện tích 15 ha trong giai đoạn 1. “Theo hợp đồng, Công ty cam kết thu mua sản phẩm cho bà con trong khoảng 10 năm. Nếu việc trồng đương quy phát triển, có đầu ra tốt thì sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người dân địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động”-ông Phạm Văn Hậu-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp-Xây dựng và Thương mại Sơ Pai-cho biết. 
Cũng tại xã Sơ Pai, người dân ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất lúa gạo. Hiện nay, trên địa bàn xã có 3 điểm thu mua, xay xát, mỗi ngày xuất ra thị trường hàng tấn gạo. Ông Lương Thế Trà (thôn 3, xã Sơ Pai) nói: “Chúng tôi mong muốn các sản phẩm của mình làm ra có mặt ở thị trường rộng lớn hơn, thay vì chủ yếu tiêu thụ ở Kbang hay thị xã An Khê như trước đây”.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, thị trấn Kbang là nơi sản xuất và cung cấp một sản lượng lớn các loại rau quả của huyện. Hiện nay, người dân đang đặt nhiều kỳ vọng vào một nền kinh tế nông nghiệp có sự liên kết, hợp tác để phát triển. Ông Đoàn Huy Thanh-Tổ trưởng tổ dân phố 2 (thị trấn Kbang) cho biết: Bà con tổ dân phố 2 hiện có điều kiện thuận lợi để chuyên canh rau và các loại cây ăn quả như: ổi, nhãn, mít, chuối. Bà con rất muốn thành lập tổ hợp tác xã để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty, từ đó yên tâm hơn trong sản xuất.
Hà Duyệt

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.