(GLO)- Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyển (thôn 6, xã Đông, huyện Kbang) có 2 sào đất chuyên trồng rau xanh. Bà Tuyển cho biết: Gần cả tháng nay, do mưa kéo dài nên rau sinh trưởng, phát triển rất kém; đất quá ướt nên gia đình cũng sản xuất cầm chừng, chỉ chăm sóc những luống rau trồng trước đó chứ không dám trồng mới.
Vườn rau của gia đình ông Lê Văn Mỹ. Ảnh: H.H |
Cũng do mưa kéo dài gây ngập úng, sâu bệnh dễ phát sinh. Hiện nay, giá rau trên thị trường rất cao nhưng không có để bán. Những ngày trời mưa to, bà Tuyển vẫn cố thu hoạch rau để bán nhưng mỗi ngày cũng chỉ được hai chục bó rau mồng tơi, còn các loại khác thì rất hiếm. “Mưa thì rau bị nấm dẫn đến thối, vàng lá, nổ lá. Rau muống thì bị phấn trắng, rau cải cúc thì không lên được, rau cải bị mưa làm dập hết”-bà Tuyển chia sẻ.
Vườn rau của gia đình ông Lê Văn Mỹ (thôn 6, xã Đông) được trồng trong hệ thống nhà lưới. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cơn bão số 12 hồi tháng 11 vừa qua đã làm 90% phần mái che bị rách. Do chưa khắc phục được nên đợt mưa này, vườn rau của gia đình ông bị thiệt hại khá nặng, nhiều diện tích rau cải cay, cải cúc, xà lách, ngò bị dập nát, úa vàng. Ông Mỹ cho biết: “Vụ rau này toàn bộ bị ngập úng, ngả màu vàng, không có gì thu hoạch. Gia đình phải chờ qua đợt mưa này mới làm lại được”
Do mưa kéo dài nên các mặt hàng rau xanh trở nên khan hiếm, giá cả tăng mạnh so với trước. Chị Phạm Thị Kim Liên (một người bán rau tại chợ Kbang) cho biết: Muốn có rau bán phải đặt trước các nhà vườn nhưng số lượng giờ cũng ít hơn trước. Chỉ có rau muống và rau lang là còn dễ tìm nguồn hàng.
Hồng Hạnh