Kbang: Lao động dân tộc thiểu số cải thiện thu nhập nhờ học nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ những kiến thức được trang bị qua các lớp dạy nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Kbang tổ chức, đồng bào dân tộc thiểu số đã áp dụng vào thực tiễn lao động sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định, vươn lên ổn định cuộc sống. 
Cải thiện thu nhập
Khu đất phía sau nhà của gia đình chị Đinh Thị Trích (làng Lợt, xã Kông Pla) có một vườn rau xanh tốt, được quây kín bằng lưới che màu xanh. Chị Trích kể: “Ngày trước, nhà mình không làm vườn trồng rau bài bản như này đâu, chỉ trồng bằng cách chọc lỗ rồi thả hạt giống xuống. Tháng 6 vừa qua, mình được tham gia học lớp trồng rau an toàn. Sau khóa học, mình biết cách đánh luống, làm đất tơi xốp, bón phân đúng định lượng, làm rào che côn trùng gây hại cũng như cách bảo quản rau cho tươi lâu. Dạo này, gia đình mình không thiếu rau xanh, thậm chí còn có dư để bán. Mình vui lắm, vừa đỡ tốn tiền mua rau lại có thêm khoản thu nhập nho nhỏ. Mấy chị em trong làng thấy được lợi ích của vườn rau cũng đến học hỏi và trồng theo”.
Anh Đinh Văn Bồi (áo xanh) cùng nhóm thợ thi công nhà dân ở xã Kông Bờ La. Ảnh: Thiên Di
Anh Đinh Văn Bồi (áo xanh) cùng nhóm thợ thi công nhà dân ở xã Kông Bờ La. Ảnh: Thiên Di
Đối với anh Đinh Thách (làng Lợt), lớp dạy nghề sửa chữa máy cày nhỏ do Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Giờ đây, gia đình anh không còn phải chạy đôn đáo tìm thợ mỗi khi chiếc máy cày trở chứng. Dân làng Lợt cũng yên tâm bởi bất kỳ lúc nào máy cày hỏng hóc cũng có thể tìm đến người thợ giỏi tay nghề như anh Thách. “Khi học nghề, mình được các giáo viên đánh giá cao vì tiếp thu bài nhanh, làm đúng kỹ thuật. Do vậy, học xong là mình vận dụng được ngay vào thực tế. Mừng nhất là được bà con trong làng quý mến vì sửa máy tốt mà tiền công không cao như gọi thợ nơi khác”-anh Thách bộc bạch.
Tại làng Mơ Hven Ôr (xã Kông Lơng Khơng), nhiều hộ dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định sau khi theo học nghề nề. Anh Đinh Văn Phú là thành viên trong tổ nề do anh Đinh Văn Bồi làm Tổ trưởng. “Mấy anh em học nghề nề với nhau. Sau khi học xong, tôi vào miền Nam làm thợ xây, mỗi tháng gửi về cho vợ con 5-6 triệu đồng. Nhưng do dịch Covid-19 nên tôi về đây và tham gia tổ xây dựng. Tiền công làm cũng khá cao, khoảng 200-300 ngàn đồng/ngày. Nhờ thế mà gia đình tôi mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh mới và sửa nhà”-anh Phú tâm sự.
Tạo động lực thoát nghèo
Những lớp đào tạo nghề do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang tổ chức đang phát huy hiệu quả, tiếp thêm động lực để lao động DTTS vươn lên có cuộc sống khấm khá hơn. Anh Đinh Văn Bồi chia sẻ: “Ngày trước, chúng tôi chỉ làm việc nương rẫy. Sau khóa học nghề nông thôn, tôi về thành lập 2 tổ nề, vận động những người được đào tạo nghề tham gia. Anh em làm tốt, mọi người tin tưởng. Do đó, mấy tháng nay, công trình nhiều, 2 tổ làm không hết việc. Tới đây, nếu mọi việc suôn sẻ, chúng tôi sẽ mạnh dạn nhận thêm công trình ở xã, huyện khác để làm”.
Học viên tham gia lớp học nghề sửa máy cày do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang tổ chức. Ảnh: Thiên Di
Học viên tham gia lớp học nghề sửa máy cày do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang tổ chức. Ảnh: Thiên Di
Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Dương Văn Thọ thông tin: “Những năm qua, Kbang luôn chú trọng vào đào tạo nghề nông thôn cho người DTTS. Trong đó, các nghề trồng trọt, sửa chữa máy móc loại nhỏ và nghề nề được chú trọng nhất. Sau khi học nghề, nhiều hộ DTTS mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng giống cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mắc ca, dổi. Bên cạnh đó, dạy nghề cũng giúp giữ chân lao động tại địa phương, giúp cho họ không phải ly hương tìm công việc khác, tránh việc bị lừa qua nước ngoài làm việc”.
Theo ông Y Phương-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: Tính từ năm 2015 đến nay, huyện đã mở 76 lớp đào tạo nghề nông thôn cho 2.069 học viên, chủ yếu là người DTTS. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã khai giảng 5 lớp đào tạo nghề nông thôn cho 150 học viên là người DTTS. Sau khi được đào tạo nghề, người dân áp dụng các kiến thức đã học vào quá trình sản xuất. “Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Trung tâm GDNN-GDTX huyện tích cực phối hợp với các trường nghề mở thêm những lớp nghề cho người DTTS. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi và nghề nề thì cần dạy thêm các lớp như hướng dẫn viên du lịch hay nhân viên nấu ăn, pha chế ở các nhà hàng, quán ăn. Mặt khác, huyện cũng sẽ làm việc với các doanh nghiệp để đưa học viên vào làm việc sau khi được đào tạo nghề”-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang thông tin thêm.
THIÊN DI
 

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.