(GLO)- Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Kbang xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, nhiều gia đình vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển.
Người dân xã Đông thu hoạch cà chua. Ảnh: L.N |
Kbang là một huyện thuần nông, đa phần người dân trên địa bàn đều sản xuất nông nghiệp với gần 90% là hội viên nông dân. Chính vì thế, trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, các cấp Hội Nông dân đã quan tâm tạo điều kiện để bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh (SXKD) phát triển kinh tế. Gia đình anh Lê Thanh Dũng ở thôn 2, xã Sơ Pai vừa buôn bán vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, chăn nuôi heo và kết hợp làm thêm bằng máy đào… hàng năm thu nhập cả tỷ đồng. Nhìn khối tài sản của cặp vợ chồng mới ngoài 40 tuổi này ai cũng ngưỡng mộ và khâm phục ý chí vươn lên làm giàu của gia đình anh. Anh Dũng chia sẻ: Lúc đầu, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vợ chồng gom góp tiền và vay mượn những người thân quen để mở cửa hàng tạp hóa nhỏ cho vợ ở nhà buôn bán còn tôi thì đi lái xe. Thấy ở địa phương chưa có máy đào phục vụ sản xuất nông nghiệp nên gia đình đã mua máy đào vừa làm cho gia đình vừa đào, múc thuê cho bà con trong làng, xã, thu nhập cũng ổn định.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có thế mạnh trên địa bàn huyện, như: cà phê, mía, lúa nước… Đồng thời, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mở ra nhiều hướng đi mới cho người dân như nuôi hươu lấy nhung, nuôi vịt trời, trồng cây ăn quả... đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Trần Công Lâm (thôn 1, xã Sơn Lang) cho biết: “Gia đình có 200 cây cam, quýt đang cho thu hoạch. Bình quân thu nhập mỗi năm sau khi trừ chi phí không dưới 300 triệu đồng. Thực tế cho thấy thu nhập từ cây cam cao hơn nhiều so với cây cà phê ở vùng đất này. Tuy nhiên đầu ra của sản phẩm chưa được ổn định”. Hay mô hình trồng cà chua trên gốc cây cà tím được triển khai ở xã Đông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng bình thường. Ông Nguyễn Kim Hùng (thôn 7, xã Đông) cho biết: Gia đình có hơn 3 sào đất cũng đã trồng nhiều loại rau, màu nhưng không hiệu quả. Nay nhờ Nhà nước hỗ trợ để thực hiện mô hình mới, tôi thấy hiệu quả rất tốt. Hiện vườn cà chua của gia đình đã cho thu hoạch và năng suất cao hơn nhiều so với trồng cà chua bình thường.
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên mở những lớp tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật và các cấp Hội Nông dân đã đứng ra tín chấp cho hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay, nhất là vốn vay ưu đãi. Hiện tổng dư nợ thông qua Hội Nông dân gần 80 tỷ đồng. Ông Hồ Viết Cảm-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kbang cho biết: Phong trào nông dân SXKD giỏi đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Phong trào đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và đã giúp hơn 400 hộ hội viên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước. Đến cuối năm 2015, toàn huyện có gần 3.000 hộ SXKD giỏi các cấp và dự kiến đến cuối năm nay sẽ tăng lên khoảng 3.400 hộ.
“Trong thời gian tới, chúng tôi khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả; tổ chức cho hội viên tham quan, học tập các mô hình mới để từng bước tiếp cận khoa học công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và hình thành các tổ hợp tác, nhóm chung sở thích để phát triển kinh tế”-ông Cảm cho biết.
Lê Nam