Ia Mơ Nông vận động người dân xóa bỏ hủ tục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để tránh lãng phí, tốn kém cho gia chủ và người đi viếng, chính quyền xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah, Gia Lai) đã tích cực vận động người dân từ bỏ những hủ tục trong việc ma chay.

“Nợ ma chay là cái nợ dai dẳng. Đời mình không trả hết thì đến đời con, đời cháu phải thay mình trả”. Đây là lời ta thán của ông Siu Plô (làng Amơng) khi nhắc đến chuyện tổ chức ma chay của người Jrai địa phương và tập tục “koh bao, koh bo, koh bui” (đập trâu, đập bò, đập heo) cho người đã chết. Theo tập tục của người Jrai từ xưa đến nay, đám ma thường diễn ra tại nhà trong vòng 2 ngày 2 đêm, cộng với 2 ngày tổ chức cúng tiễn, ăn uống tại khu vực nhà mồ.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Để tỏ lòng thương tiếc người đã khuất, con cái hoặc anh em ruột thịt trong gia đình có thể “đập trâu, đập bò, đập heo” để cúng người đó. Đồng thời, tùy theo mức độ quan hệ thân thích mà bà con dòng họ, bạn bè, người quen biết trong làng, ngoài xã khi đến viếng có thể “đập trâu, đập bò, đập heo” cho người đã chết. Bởi theo luật bất thành văn trong cộng đồng Jrai, nếu như trước kia, gia đình người ta đã “đập” con gì cho gia đình mình thì nay mình phải đi lại y như vậy cho dù có đủ khả năng, điều kiện kinh tế hay không.

Biết rằng tập tục này gây tốn kém, lãng phí nhưng bà con không dễ từ bỏ. Bởi theo lý giải của ông Rơ Chăm Bim (làng Kép 2), một khi khách khứa, bà con trong làng hoặc dòng họ đến viếng đám ma, gia chủ phải có miếng thịt biếu lại để họ mang về. Còn nếu họ đã “đập 1 con heo”, “đập 1 con bò” thì gia chủ có nghĩa vụ phải chia nửa con để họ mang về. Đương nhiên, nếu không mổ heo, mổ bò thì gia chủ không có đủ thịt để chia cho những người đến thăm viếng theo tập tục. Ngược lại, nếu gia chủ được “đập” quá nhiều thì số thịt mổ ra rất dễ bị hư hỏng, lãng phí. Tính theo thời giá hiện nay, mỗi con heo có giá cả triệu đồng, một con bò có giá từ 12 triệu đồng trở lên, một con trâu có giá khoảng 20 triệu đồng, trong trường hợp gia chủ không đủ khả năng, điều kiện kinh tế thì buộc phải đi vay mượn để tổ chức ma chay, có khi tốn kém cả trăm triệu đồng.

Hiện nay, đồng bào Jrai chiếm tới 83% dân số của xã Ia Mơ Nông, nguồn thu nhập chính của bà con hầu hết từ trồng lúa, mì, bắp, cao su tiểu điền, cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một điều đáng lưu ý là thu nhập bình quân đầu người của xã rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18,76%. “Xã vẫn còn làng Kép 2 và làng Amơng phải nhận hỗ trợ từ Chương trình 135. Đời sống của bà con nhìn chung còn nhiều khó khăn. Do đó, căn cứ vào thực tế, xã tiến hành vận động người dân xóa bỏ những tập tục lạc hậu, một trong những nguyên nhân gây nên đói nghèo”-ông Rơ Chăm Bét-Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết.

Bắt đầu triển khai từ tháng 3-2018, đến nay, xã Ia Mơ Nông đã tổ chức các cuộc họp dân tại 5 làng Jrai và 1 thôn. Thông qua tiếng nói của già làng, trưởng thôn hoặc những người có uy tín trong cộng đồng, chính quyền địa phương đã vận động bà con học tập theo nếp sống mới, thay đổi dần dần việc “đập trâu, đập bò, đập heo” cho người đã khuất. “Vừa rồi, ở làng Kép 2 có một đám ma. Gia chủ đã có sẵn heo cúng rồi, bà con trong làng chỉ đi viếng bằng phong bì thôi. Trước mắt, chúng tôi vận động bà con bỏ bớt hủ tục. Chỉ anh em, con cái trong nhà nếu có điều kiện thì “đập”, còn họ hàng xa là không cho “đập” nữa”-ông Bét cho biết thêm.

Để thay đổi được nếp nghĩ lâu đời của đồng bào Jrai đương nhiên không dễ dàng. Song với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, hy vọng rằng, trong tương lai không xa, những tập tục lạc hậu của đồng bào Jrai ở Ia Mơ Nông sẽ được xóa bỏ.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đại tá Đỗ Hồng Duyên-Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân động viên, giao nhiệm vụ các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1. Q.T

Những chuyến tàu chở tình cảm đất liền đến với lính đảo xa

(GLO)- Sáng ngày đầu năm mới 2025, tại Cảng đoàn 129 (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 2 tàu vận tải Trường Sa 02 và Trường Sa 21 hú còi bắt đầu hành trình chở hàng hóa, quà Tết đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.