Ia Grai siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với quyết tâm lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) khuyến khích người dân tố giác hành vi khai thác trái phép và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Thời gian qua, tình trạng khai thác trái phép các loại khoáng sản trên địa bàn huyện Ia Grai diễn biến phức tạp. Điều này không chỉ gây thất thoát nguồn tài nguyên, thất thu ngân sách mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-cho biết: “Để siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, ngoài việc kiểm tra đột xuất, huyện còn triển khai thanh-kiểm tra chuyên đề với sự phối hợp của Công an huyện và đại diện chính quyền cơ sở. Nhờ đó, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản từng bước đi vào nền nếp, quy củ”.
Cũng theo ông Tuấn, trên cơ sở khảo sát, thăm dò trữ lượng đưa vào quản lý, huyện xác định trên địa bàn có 28 mỏ khoáng sản (chủ yếu là cát, sỏi, đá xây dựng, than bùn, đất san lấp). Trong đó, 4 mỏ được cấp phép khai thác, 1 mỏ đang làm thủ tục gia hạn, 2 mỏ được phê duyệt trúng đấu giá đưa vào khai thác và 21 mỏ dự kiến đưa vào đấu giá trong thời gian tới.
Bãi khai thác đá của Doanh nghiệp tư nhân Phước Tiến tại xã Ia Krai. Ảnh: Huỳnh Lê
Bãi khai thác đá của Doanh nghiệp tư nhân Phước Tiến tại xã Ia Krai. Ảnh: Huỳnh Lê
Thời gian qua, tình trạng khai thác nhỏ lẻ tại sông suối, vườn rẫy vẫn xảy ra. Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Mai Lương-Chủ tịch UBND xã Ia Khai-thông tin: Trước đây, việc khai thác cát ở các con suối và dọc một vài điểm trên tuyến sông Sê San vẫn thường xảy ra. Công tác quản lý có những khó khăn nhất định do lực lượng mỏng nên khó theo dõi, kiểm soát. Khi phát hiện, các đối tượng sẵn sàng bỏ lại phương tiện vì mức độ khai thác không lớn.
“Từ năm 2019 đến nay, xã tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu quy định của pháp luật để bảo vệ nguồn tài nguyên; vận động người dân cung cấp tin báo khi có sự việc xảy ra. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, không có trường hợp nào khai thác khoáng sản trái phép”-bà Lương cho biết.
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2020, huyện đã tổ chức trên 40 đợt kiểm tra định kỳ và 20 đợt đột xuất. Qua đó, ngành chức năng đã xử phạt 33,5 triệu đồng đối với 14 cá nhân, tịch thu 4 máy hút cát, hàng ngàn viên đá chẻ và nhiều phương tiện khác. Trong 4 tháng đầu năm 2021, ngành chức năng đã tiến hành 15 đợt kiểm tra trên địa bàn 5 xã, xử phạt 1 trường hợp với số tiền 15 triệu đồng.
“Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý khoáng sản; xây dựng kế hoạch giám sát cũng như gợi ý kiểm điểm tập thể và cá nhân trong tổng kết đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm. Ngoài ra, chúng tôi giao trách nhiệm cho UBND cấp xã theo Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND ngày 6-4-2016 của UBND tỉnh. Cụ thể, cấp xã phải xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm, nếu cần thiết huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra lại.
Song song với đó, huyện tổ chức rà soát các vị trí có trữ lượng khoáng sản lớn để đề xuất UBND tỉnh cập nhật đưa vào quy hoạch nhằm phục vụ khai thác, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đối với khoáng sản chưa khai thác, huyện phân rõ trách nhiệm cho chính quyền cấp xã quản lý, quy trách nhiệm cho người đứng đầu theo quy định”-ông Tuấn nêu.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản, Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu giúp UBND huyện triển khai công tác thanh-kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
HUỲNH LÊ

Có thể bạn quan tâm