Hướng dẫn thiết lập vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch sầu riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong 2 ngày 18 và 19-7, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đak Lak tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn thiết lập vùng trồng sầu riêng và cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch sầu riêng.
 

Tham dự hội nghị có 150 đại biểu là cán bộ các đơn vị trực thuộc, đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đóng gói, chế biến sầu riêng xuất khẩu các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.

 Sầu riêng Chư Pưh đang được đầu tư xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cây sầu riêng trồng tại huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang được đầu tư xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp



Trong 2 ngày, hội nghị sẽ thông tin đến đại biểu những nội dung như: Quá trình đàm phán mở cửa thị trường đối với quả sầu riêng và Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; quy định chung và yêu cầu cụ thể về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng; yêu cầu đối với cán bộ kỹ thuật tại cơ sở đóng gói sầu riêng; hướng dẫn giám định sinh vật gây hại tại cơ sở đóng gói; quy trình cấp mã số và ghi chép tại vùng trồng, cơ sở đóng gói; hướng dẫn sử dụng nhật ký điện tử My Dairy Farm.

Ngoài ra, các đại biểu cũng được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng; thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng xuất khẩu.

Hội nghị tập huấn là hoạt động trong chương trình triển khai thực hiện Quy định của Nghị định thư “Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc” vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào ngày 11-7 vừa qua.

Theo Nghị định thư này, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía Trung Quốc quan tâm, đặc biệt là ruồi đục quả Bactrocera correcta và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.

Bên cạnh đó, các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói. Các doanh nghiệp, người dân và các cơ quan quản lý cần đáp ứng được yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc đề ra.

Được biết, sầu riêng là quả thứ 11 của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, cùng với các loại quả thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt và chanh leo.

 

TUỆ NGUYÊN (tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.