Hợp tác xã Vinh Phát liên kết giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã (HTX) Vinh Phát (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã hỗ trợ các thành viên và bà con nông dân trên địa bàn nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là khi tham gia trồng bắp lấy giống.

Ông Trương Viết Thảo-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Vinh Phát-cho biết: Hợp tác xã thành lập vào năm 2019 với 27 thành viên. Ngành nghề chính của HTX là hoạt động dịch vụ trồng trọt và chăn nuôi. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX liên kết thu mua dê và bò giống để cung cấp cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Chư Pưh và các huyện lân cận.

“Trong quá trình hoạt động, HTX đã liên kết với các nông hội, tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi để hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn dê và bò. Đồng thời, hàng năm, HTX thu mua trên 200 con bò và 350-400 con dê, góp phần đảm bảo đầu ra cho các thành viên và hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng”-Giám đốc HTX cho biết.

ong-thao-ao-soc-giam-doc-htx-vinh-phat-kiem-tra-ty-le-dau-hat-cua-bap-lay-giong-cua-gia-dinh-ong-tra.jpg
Giám đốc HTX Vinh Phát Trương Viết Thảo (bìa phải) kiểm tra vườn bắp lấy giống của gia đình ông Trần Thanh Trà (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa). Ảnh: N.H

Đặc biệt, từ giữa năm 2023 đến nay, HTX liên kết với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ về kỹ thuật trồng bắp lấy giống và thu mua sản phẩm cho các thành viên và 60 hộ dân tại các huyện: Chư Pưh, Chư Sê, Đak Đoa và Chư Păh.

Theo đó, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam hỗ trợ 100% về giống và 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc bắp và vay vốn không tính lãi để đầu tư về phân bón, nhân công thu hoạch.

“Mỗi năm, HTX liên kết hỗ trợ người dân trồng hơn 80 ha bắp/2 vụ. Trước khi xuống giống, Công ty tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc bắp ngay tại vườn cho người dân. Sau khi trồng, Công ty cử cán bộ kỹ thuật đến tận vườn kiểm tra tình hình sâu bệnh và hướng dẫn người dân phòng trừ kịp thời.

Nhờ đó, năng suất bắp trung bình đạt trên 6 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 9-10 tấn/ha. Đến vụ thu hoạch, HTX thu mua khoảng 250 tấn bắp giống cho người dân với giá cao hơn thị trường và ổn định ở mức 14-15 ngàn đồng/kg”-ông Thảo cho biết thêm.

ong-truong-viet-thao-giam-doc-htx-vinh-phat-ao-soc-thuong-xuyen-xuong-vuon-ho-tro-ky-thuat-trong-bap-cho-nguoi-dan.jpg
Ông Trương Viết Thảo-Giám đốc HTX Vinh Phát (áo sọc) thường xuyên xuống vườn hỗ trợ kỹ thuật trồng bắp cho người dân. Ảnh: S.C

Anh Nguyễn Văn Đoàn (thôn Phú Bình, xã Ia Le) cho hay: Gia đình anh có 1,2 ha đất sản xuất. Từ tháng 8-2023 đến nay, được HTX và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cấp giống, hỗ trợ 50% thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật, anh chuyển đổi sang trồng bắp lấy giống.

“Đến nay, tôi đã trồng được 4 vụ, mỗi vụ thu được hơn 7 tấn bắp giống. Với giá bán 14-14,5 ngàn đồng/kg, tôi thu được hơn 100 triệu đồng/vụ. Sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi lãi hơn 60 triệu đồng/vụ, cao hơn nhiều so với trồng bắp thường”-anh Đoàn chia sẻ.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Trà (thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) thì cho hay: Tháng 7-2024, được Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và HTX Vinh Phát hỗ trợ giống và kỹ thuật, gia đình ông đã trồng xen 1,8 ha bắp lấy giống vào vườn cà phê. Khi làm đất, xuống giống và chăm sóc cây bắp, Công ty và HTX đều cử người hướng dẫn kỹ thuật nên bắp đạt năng suất cao.

“Do lấy công làm lãi nên chi phí đầu tư chỉ hết khoảng 50 triệu đồng. Mới đây, gia đình tôi thu được 9,5 tấn bắp giống, bán với giá 14 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình lãi gần 80 triệu đồng”-ông Trà cho biết.

Theo ông Thảo, mô hình trồng bắp lấy giống nếu chăm sóc tốt sẽ cho năng suất 10 tấn/ha. Tuy nhiên, do mô hình tương đối mới nên một số hộ vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, dẫn đến năng suất chưa đạt cao.

Thời gian tới, HTX tiếp tục liên kết với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tăng cường hỗ trợ người dân về kỹ thuật để đạt năng suất cao; đồng thời, tiếp tục thu mua với giá cả ổn định nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. “Ngoài tiếp tục liên kết, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm đối với mô hình trồng bắp lấy giống, HTX sẽ liên kết hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh và thu mua dê, bò cho các hộ dân trên địa bàn”-Giám đốc HTX khẳng định.

Trao đổi với P.V, ông Lê Thành Trung-Chủ tịch UBND xã Ia Le-cho hay: Thời gian qua, HTX Vinh Phát đã có nhiều đóng góp trong việc liên kết, hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn.

Hợp tác xã được Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023.

Mới đây, cá nhân ông Trương Viết Thảo được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2024.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.