Đẩy mạnh liên kết trồng bắp gắn với tiêu thụ sản phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế về phát triển cây bắp, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm giúp người dân canh tác cây trồng này đạt hiệu quả.

Thu nhập ổn định từ cây bắp

Gia đình ông Nay Tim (làng Plei Rngôl, xã Ia Trốk, huyện Ia Pa) có 2 ha bắp. Ông Tim cho biết: Mỗi héc ta bắp sinh khối đầu tư hết khoảng 20 triệu đồng gồm giống, phân bón, hệ thống ống tưới nhỏ giọt, thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi vụ, ông thu được 30-32 tấn/ha. Với giá bán hiện tại là 1 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi 10-12 triệu đồng/ha/vụ.

“Mỗi năm, tôi trồng 2 vụ và thu được trên 120 tấn. Vừa rồi, tôi bán được hơn 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 40 triệu đồng”-ông Tim nói.

1-6332.jpg
Ông Nay Tim (bìa phải, làng Plei Rngôl, xã Ia Trốk, huyện Ia Pa) có nguồn thu ổn định nhờ trồng bắp sinh khối. Ảnh: H.T

Ông Hoàng Văn Nam-Công chức Nông nghiệp xã Ia Trốk-thông tin: Toàn xã hiện có 345 ha bắp lấy hạt và 70 ha bắp sinh khối. Mỗi vụ bắp kéo dài khoảng 3 tháng. Lợi nhuận khi trồng bắp lấy hạt đạt trung bình 17,5 triệu đồng/ha/vụ. Còn với bắp sinh khối, lợi nhuận dao động khoảng 10-20 triệu đồng/ha/vụ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ (huyện Chư Prông) thông tin: Toàn xã hiện có hơn 135 ha bắp sinh khối. Để giúp người dân canh tác hiệu quả, huyện và xã đã liên kết với một số doanh nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk và Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi bò Trường Hải thu mua sản phẩm tại ruộng với giá ổn định 700 đồng/kg.

“Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây bắp nên người dân canh tác được 3 vụ/năm. Năng suất bình quân đạt 35 tấn/ha/vụ. Sau khi trừ chi phí đầu tư, người dân còn lãi 20-25 triệu đồng/ha/vụ”-Phó Chủ tịch UBND xã cho hay.

Ngoài trồng bắp lấy hạt và bắp sinh khối, hiện nay, một số hộ dân trong tỉnh còn liên kết với các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trồng bắp lấy giống, đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định.

Ông Trương Viết Thảo-Giám đốc HTX Vinh Phát (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cho biết: Những năm gần đây, HTX liên kết với Công ty TNHH Syngenta (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ người dân các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Đak Đoa và Chư Păh trồng 2 vụ bắp lấy giống, mỗi vụ 40 ha.

Người dân tham gia liên kết trồng bắp được hỗ trợ 100% giống và 50% thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất bắp đạt 6-10 tấn/ha/vụ. Hàng năm, HTX thu mua khoảng 250 tấn bắp giống của người dân với giá ổn định 14-15 ngàn đồng/kg tùy thời điểm.

Bà Lưu Thị Phượng (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) có 11 ha đất liên kết trồng bắp lấy giống với Công ty TNHH Syngenta. Bà cho biết: “Nhờ được Công ty cấp giống và hỗ trợ 50% thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí đầu tư thấp, mỗi héc ta chỉ tốn gần 50 triệu đồng. 2 vụ trước, tôi thu tổng cộng được 154 tấn bắp giống, bán được hơn 2 tỷ đồng. Trừ chi phí đầu tư, tôi lãi gần 1 tỷ đồng”.

ba-phuong-co-loi-nhuan-cao-tu-trong-ngo-lay-giong-3938.jpg
Bà Phượng có lợi nhuận cao từ trồng ngô lấy giống. Ảnh: H.T

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Thi Thơ-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-thông tin: Hiện nay, toàn tỉnh trồng hơn 37,5 ngàn ha bắp lấy hạt và 1.087 ha bắp sinh khối. Trong đó đã hình thành chuỗi liên kết trồng bắp sinh khối của Tập đoàn Lộc Trời, Trang trại bò sữa NutiMilk thuộc Công ty cổ phần Chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên (Nutifood), HTX Nông nghiệp hữu cơ Chư Prông, HTX Vinh Phát. Việc liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm giúp người dân có nguồn thu ổn định.

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu ổn định vùng sản xuất làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến phục vụ chăn nuôi, tập trung tại các huyện: Kông Chro, Kbang, Krông Pa, Chư Prông, Chư Pưh, Phú Thiện, Ia Pa, Đak Pơ, Chư Sê và thị xã Ayun Pa. Trong đó, đến năm 2025, toàn tỉnh duy trì ổn định khoảng 40.000 ha bắp, sản lượng đạt khoảng 220.000 tấn.

Huyện Chư Pưh có diện tích bắp tương đối lớn với hơn 8.610 ha, chủ yếu là bắp lấy hạt. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, những năm qua, việc phát triển cây bắp đã góp phần giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Một số hộ liên kết với các doanh nghiệp, HTX trồng bắp sinh khối và bắp lấy giống cũng tương đối hiệu quả.

Huyện khuyến cáo người dân nên sử dụng các loại giống cứng cây, chịu hạn tốt, có khả năng kháng bệnh cao, năng suất cao như: Bioseed 9698, CP888, LVN10 và các giống biến đổi gen như NK7328Bt, NK67Bt/GT…

Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho hay: Toàn huyện canh tác 1.920 ha bắp lấy hạt và một số diện tích bắp sinh khối, tập trung chủ yếu ở các xã: Ia Lâu, Ia Ga, Ia Piơr, Ia Púch, Ia Mơ. Năng suất bắp lấy hạt đạt gần 5 tấn/ha, trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 12-20 triệu đồng/vụ/ha.

ngo-sinh-khoi-cua-nguoi-dan-xa-ia-trok-duoc-cac-nha-may-thu-mua-va-xay-ngay-tai-ruong-5657.jpg
Bắp sinh khối của người dân xã Ia Trốk được các nhà máy thu mua và xay ngay tại ruộng. Ảnh: H.T

“Hiện nay, quỹ đất của huyện còn nhiều, đây là tiềm năng để phát triển các loại cây trồng, trong đó có cây bắp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây bắp làm thức ăn gia súc. Do đó, trong thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu UBND huyện tạo điều kiện thu hút các dự án sản xuất, chế biến sản phẩm bắp để tạo sự liên kết trong trồng và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Đặc biệt, khi vùng tưới của công trình thủy lợi Ia Mơr mở rộng, huyện sẽ khuyến khích bà con tiếp tục phát triển cây bắp để làm thức ăn cho các trang trại chăn nuôi bò trên địa bàn, góp phần cải thiện thu nhập”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Tập huấn kỹ thuật trồng và bảo quản hạt dổi

Kbang: Tập huấn kỹ thuật trồng và bảo quản hạt dổi

(GLO)- Sáng 17-10, Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) phối hợp với một số đơn vị có liên quan ở huyện Kbang khai mạc lớp tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản hạt dổi và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ảnh: H.C

Làm giàu nhờ cây sầu riêng

(GLO)- Năm 2016, gia đình ông Lê Danh Lăng (thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đầu tư trồng gần 2 ha sầu riêng Dona. Nhờ cần cù lao động và biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, năm nay, gia đình ông thu hoạch hơn 42 tấn quả.

Khó khăn trong điều chỉnh dự toán các chương trình mục tiêu quốc gia

Khó khăn trong điều chỉnh dự toán các chương trình mục tiêu quốc gia

(GLO)-Triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 của QH về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Gia Lai giao các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh dự toán ngân sách, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước.

Công bố quy hoạch lâm nghiệp quốc gia

Công bố quy hoạch lâm nghiệp quốc gia

(GLO)- Sáng 9-10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến công bố Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.

Nghe nông dân Jrai, Bahnar kể chuyện làm giàu

Nghe nông dân Jrai, Bahnar kể chuyện làm giàu

(GLO)- 85 nông dân đã vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tại hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2022-2024 do Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tổ chức. Trong đó có 31 nông dân Jrai, Bahnar.