(GLO)- Phong trào vận động hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ cách làm, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu đã thực sự lan tỏa hiệu ứng tích cực. Không ai khác, chính hội viên phụ nữ là những người đi đầu vận động vay vốn nước sạch-vệ sinh môi trường từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để xây dựng công trình vệ sinh vì sức khỏe, vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Trước đây, việc vận động bà con ở các xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao như An Thành, Yang Bắc, Ya Hội đầu tư xây dựng công trình vệ sinh cho gia đình gần như đi vào ngõ cụt. Trở ngại lớn nhất là do bà con chưa thể thay đổi nếp nghĩ lẫn cách sinh hoạt truyền thống, cộng thêm điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên việc bỏ ra tiền trăm, tiền triệu để xây dựng công trình phụ là điều bất khả thi. “Chỉ 2 năm trước đây, nếu vận động chị em trong làng vay vốn ngân hàng để xây nhà tắm, nhà vệ sinh thì không ai đồng ý. Vì vay vốn để làm ăn còn chưa biết hiệu quả ra sao huống chi vay tiền làm công trình phụ thì lấy tiền ở đâu để trả ngân hàng”- chị Đinh Thị Dại (SN 1987), Chi hội trưởng làng Kuk Kôn, xã An Thành, huyện Đak Pơ chia sẻ.
|
Ảnh: Sơn Ca |
Xác định được mấu chốt của vấn đề, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đak Pơ và xã An Thành, Chi hội làng Kuk Kôn tập trung triển khai phong trào vận động hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ cách làm, thực hành tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt gia đình gắn với các mô hình sinh kế cải thiện cuộc sống. Thông qua các đợt sinh hoạt tổ định kỳ tại làng, Chi hội đã giới thiệu các mô hình tiết kiệm hiệu quả, mô hình phát triển kinh tế gia đình để chị em học hỏi làm theo, vận động chị em mạnh dạn vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất, chăn nuôi để tăng thu nhập cho gia đình. Từ chỗ biết làm ăn, biết tiết kiệm trong chi tiêu để tích lũy cho gia đình, có nguồn trả nợ ngân hàng, số lượng chị em hội viên trong làng tích cực gửi tiết kiệm càng gia tăng. Bên cạnh đó, Chi hội thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em học tập theo nếp sống văn hóa mới, vận động xây dựng công trình vệ sinh để bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của phụ nữ, trẻ em. “Từ ngày tham gia sinh hoạt phụ nữ, tôi đã học cách tiết kiệm trong sinh hoạt chi tiêu hàng ngày. Năm nay, tôi đã có khoản dư tiết kiệm cộng thêm 10 triệu đồng vay ngân hàng để xây dựng công trình vệ sinh cho gia đình. Có công trình này, sinh hoạt trong gia đình thấy thuận tiện, thoải mái hơn rất nhiều. Sức khỏe của trẻ em, phụ nữ được đảm bảo, nhất là khi trời mưa gió”- chị Đinh Thị Đơn (SN 1997), hội viên Chi hội phụ nữ làng Kuk Kôn, xã An Thành cho biết.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ đã tham mưu UBND huyện chuyển nguồn ngân sách sang cho ngân hàng 1,4 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, huyện Đak Pơ sẽ chuyển thêm 600 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn ngân sách ủy thác cho ngân hàng lên 2 tỷ đồng. |
Để hỗ trợ hội viên phụ nữ trong làng xây dựng công trình vệ sinh, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đak Pơ và xã An Thành đã vận động từ 5-10 người cùng tập trung xây dựng để tiết kiệm công lao động, chi phí vận chuyển vật liệu, lên chi tiết kiểu mẫu, bảng kê chi tiết vật tư, in poster hướng dẫn cách sử dụng công trình. Đồng thời, huy động nguồn nhân lực của Lữ đoàn 7, lực lượng dân quân địa phương giúp các gia đình trong công đoạn đào hố, xây dựng phần thô. Mặt khác, vận động chị em vay thêm nguồn vốn nước sạch vệ sinh môi trường từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để hoàn thiện công trình theo nhu cầu. “Tùy nhu cầu và điều kiện của từng gia đình, chỉ từ 3-5 triệu đồng là bà con có thể xây dựng nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh. Đối với những gia đình kết hợp vốn vay ngân hàng thì có thể hoàn thiện công trình giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh theo khả năng. Do vậy, từ đầu năm đến nay, riêng làng Kuk Kôn đã xây dựng được 6/13 công trình, dư nợ vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường đạt 1,109 tỷ đồng/86 hộ vay. Về phía xã An Thành, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã rà soát và giao chỉ tiêu xây dựng 50 công trình vệ sinh, giúp 5 hội viên phụ nữ thoát nghèo. Đến nay, đã hoàn thành 25/50 công trình theo kế hoạch”- Chị Nguyễn Thị Cẩm Hà, Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ xã An Thành cho biết.
|
Hội LHPN huyện Đak Pơ và Ngân hàng CSXH huyện Đak Pơ đang kiểm tra hiệu quả công trình sử dụng nguồn vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường tại Chi hội phụ nữ làng Kuk Kôn, xã An Thành. Ảnh: Sơn Ca |
Với vai trò nguồn lực hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch, góp phần hoàn thiện tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Đak Pơ, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ đã tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể rà soát nhu cầu thực tế của từng địa bàn, từng hộ vay để phân bổ nguồn vốn kịp thời theo kế hoạch. Không chỉ dừng lại ở công tác cho vay- giải quyết hồ sơ vay vốn, phía Ngân hàng đã chủ động phối hợp với các Hội, đoàn thể để tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng vốn vay, kiểm tra định kỳ để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách. Riêng trong năm 2019, kế hoạch của huyện Đak Pơ xây dựng 200 công trình vệ sinh nước sạch, tập trung ở 3 xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao là An Thành, Yang Bắc, Ya Hội. “Từ đầu năm đến nay, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường có sự tăng trưởng khá tốt, nhất là tại các địa bàn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Điều này cho thấy, nguồn vốn của ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu của bà con, tổng dư nợ của chương trình đạt 36,6 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong năm nay, nguồn vốn giải ngân cho chương trình này tăng 4 tỷ đồng. Kết quả này sẽ góp phần vào mục tiêu phấn đấu trở thành xã nông thôn mới năm 2020 của 3 xã An Thành, Yang Bắc, Ya Hội”- Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đak Pơ nhận định.
Sơn Ca