Học sinh trải nghiệm thú vị với dòng tranh Đông Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 1 năm nay, Câu lạc bộ (CLB) Mỹ thuật (Trường THPT Chi Lăng, TP. Pleiku) luôn có một không gian cho các thành viên trải nghiệm kỹ thuật in tranh Đông Hồ.

Tại đây, ngoài việc tìm hiểu, tiếp cận kiến thức về dòng tranh dân gian này, các bạn trẻ còn được tự tay thực hiện những bức tranh bằng bản khắc truyền thống.

1tr.jpg
Câu lạc bộ Mỹ thuật (Trường THPT Chi Lăng, TP. Pleiku) có một không gian cho học sinh trải nghiệm kỹ thuật in tranh Đông Hồ. Ảnh: T.D

Trong một lần tham gia cuộc gặp gỡ giáo viên Mỹ thuật toàn quốc vào đầu năm 2024, thầy Đinh Việt Thanh-Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật, Trường THPT Chi Lăng được bạn bè tặng bản khắc truyền thống in tranh Đông Hồ. Từ đây, thầy Thanh đã có ý tưởng đưa dòng tranh dân gian Đông Hồ vào trường học để học sinh tiếp cận, tìm hiểu và trải nghiệm.

“Tranh Đông Hồ được tạo nên bằng những chất liệu tự nhiên như vỏ cây, vỏ sò điệp. Thể loại tranh này vốn bình dân và mang hơi thở nhịp sống đời thường. Chính sự bình dị đã đưa tranh Đông Hồ lưu truyền qua hàng trăm năm. Tuy nhiên, hiện nay, dòng tranh này chỉ được điểm xuyết trong một vài tiết học chính khóa của môn Mỹ thuật. Để học sinh có cơ hội tìm về giá trị truyền thống của dòng tranh Đông Hồ, tôi đã thiết kế một không gian riêng để tổ chức các hoạt động trải nghiệm”-thầy Thanh cho biết.

Sau khi bài trí một số bức tranh Đông Hồ tiêu biểu và phần giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử phát triển của thể loại tranh này, thầy Thanh đề xuất Ban Giám hiệu nhà trường mua sắm thêm bản khắc tranh để học sinh thỏa sức trải nghiệm quy trình in tranh. Đến với không gian này, ngoài việc được lắng nghe câu chuyện về làng tranh Đông Hồ-cái nôi của dòng tranh dân gian nổi tiếng, nơi những bức tranh đầu tiên ra đời từ bàn tay tài hoa của người dân làng nghề, các em học sinh còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nổi tiếng như: “Cậu bé ôm gà”, “Cá chép trông trăng”, “Trâu đen trâu trắng”… Đồng thời, các em được tự tay pha màu, phết màu, dập khuôn và thực hiện bức tranh in khắc truyền thống với họa tiết dân gian theo sở thích cá nhân.

Vốn đam mê dòng tranh dân gian này từ năm lớp 7, em Lê Thị Hiếu Hân (lớp 11A4) rất hứng khởi khi được tham gia trải nghiệm. Hân chia sẻ: “Không chỉ 20 thành viên của CLB mà tất cả giáo viên, học sinh nhà trường, ai có niềm hứng thú với dòng tranh Đông Hồ đều có thể đến tham quan, trải nghiệm. Qua đây, chúng em được tiếp cận thêm các kiến thức về lịch sử hình thành, những bước thăng trầm của nghề in tranh Đông Hồ, hiểu được giá trị của dòng tranh Đông Hồ-một trong những nét đẹp văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy. Em thích nhất khi được trực tiếp pha màu, dùng bản khắc truyền thống dập khuôn và tự tay mình in ra những bức tranh dân gian truyền thống”.

2tr.jpg
Học sinh tìm hiểu về nguồn gốc và lịch sử phát triển của thể loại tranh Đông Hồ. Ảnh: Trần Dung

Còn với em Đoàn Ngọc Anh Minh (lớp 10A5) thì không gian trải nghiệm tranh Đông Hồ đã cuốn hút em vào niềm đam mê với mỹ thuật nhiều hơn. Minh bày tỏ: “Khi được trải nghiệm cách làm tranh Đông Hồ, em nhận ra bức tranh không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật mà còn mang theo những câu chuyện đời thường, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ những hình ảnh quen thuộc, bình dị, tranh Đông Hồ đã tái hiện một cách sinh động cuộc sống của người dân lao động Việt Nam qua bao thế hệ”.

Đồng quan điểm, em Nguyễn Lưu Gia Khánh (lớp 10A4) cho biết: “Chúng em chia thành các nhóm nhỏ để trực tiếp tham gia vào từng công đoạn làm tranh Đông Hồ truyền thống. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy giáo, chúng em lần lượt trải nghiệm quy trình tạo ra những bức tranh độc đáo, từ khâu tạo bản khắc đến in màu trên giấy điệp. Điều thú vị là các gam màu của tranh đều rất mộc mạc nhưng lại mang vẻ đặc trưng riêng. Khi chứng kiến mỗi đường nét dần thành hình, mỗi gam màu hiện lên hài hòa, tinh tế dưới bàn tay mình, chúng em vô cùng hứng thú”.

Nhận thấy sự hào hứng của học sinh với dòng tranh Đông Hồ, thầy Đinh Việt Thanh đã quyết định đưa hoạt động này vào Hội chợ xuân năm 2025 của nhà trường và tạo được hiệu ứng mạnh mẽ.

“Tranh dân gian Đông Hồ thường được các gia đình mua về treo dịp Tết đến, xuân về nhằm cầu mong một năm sung túc. Do đó, CLB đã lựa chọn dòng tranh này để trưng bày và tổ chức hoạt động trải nghiệm trong Hội chợ xuân. Ở đây, giáo viên, học sinh, phụ huynh và khách tham dự đều được tự tay pha màu, phết màu, dập khuôn và thực hiện bức tranh in khắc truyền thống với nhiều họa tiết dân gian ý nghĩa”-thầy Thanh chia sẻ.

Thầy Đỗ Bách Khoa-Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng-cho biết: Không gian trải nghiệm kỹ thuật in tranh Đông Hồ tại CLB Mỹ thuật là một nét mới của nhà trường. Cùng với việc cung cấp những kiến thức cơ bản, các em học sinh được trực tiếp trải nghiệm in tranh Đông Hồ; góp phần giáo dục các em học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về những giá trị di sản văn hóa dân tộc; đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, gắn kết giữa học và hành, rèn luyện những kỹ năng phối hợp làm việc nhóm khi tham gia hoạt động trải nghiệm.

“Không gian trải nghiệm kỹ thuật in tranh Đông Hồ giúp các em nhìn nhận văn hóa dân gian với một góc nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn, nuôi dưỡng lòng tự hào về văn hóa dân tộc, cùng với ý thức trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống quý báu mà cha ông đã trao truyền”-Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Đừng để tâm hồn nghèo nàn

Đừng để tâm hồn nghèo nàn

(GLO)- Nhớ hồi dạy bài Thu điếu (Nguyễn Khuyến) trong chương trình Ngữ văn lớp 11, tôi đã hỏi học trò: Em từng có ấn tượng hay cảm xúc đặc biệt gì với mùa thu chưa? Nhiều em trả lời ngập ngừng: “Em thấy mùa thu… trời mát mẻ”, “Em thấy mùa thu… lá cây rụng nhiều”, “Em thấy mùa thu… thường mưa”.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…