Học sinh trải nghiệm làm thêm dịp hè

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dịp hè, nhiều em học sinh đến các cửa hàng kinh doanh tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) để tìm việc làm thêm. Đối với các em, đây là khoảng thời gian để trải nghiệm cuộc sống, trang bị kỹ năng sống, vừa có thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Trải nghiệm thú vị, hữu ích

Sau 2 tuần làm việc tại quán Ngon Avatar Cafe (số 108 đường Lê Lợi), em Huỳnh Thị Ngọc Trâm (17 tuổi, tổ 6, phường Trà Bá, TP. Pleiku) thấy hài lòng với công việc tại đây. Trâm cho biết: Em đang theo học tại Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku). Vào dịp nghỉ hè, em muốn đi làm thêm để được trải nghiệm cuộc sống. Mùa hè năm ngoái, em đã xin vào làm phục vụ cho một quán cà phê trên địa bàn thành phố. “Hoàn cảnh gia đình em không quá khó khăn như nhiều gia đình khác. Vì thế, khi xin đi làm thêm, bố mẹ em đều phản đối vì sợ con vất vả. Tuy nhiên, sau khi nghe em thuyết phục, bày tỏ nguyện vọng, bố mẹ liền đồng ý. Từ khi đi làm đến nay, em thấy bản thân mình năng động hơn, tự tin hơn trong giao tiếp, đặc biệt là rèn được thói quen dậy sớm và có trách nhiệm hơn trong công việc”-Trâm tâm sự.

Mong muốn của em Lê Quốc Cường (tổ 1, phường Hội Thương, TP. Pleiku, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu) khi đi làm thêm là được trải nghiệm. Ảnh: Nhật Hào

Mong muốn của em Lê Quốc Cường (tổ 1, phường Hội Thương, TP. Pleiku, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu) khi đi làm thêm là được trải nghiệm. Ảnh: Nhật Hào

Tương tự, mùa hè năm nay, em Lê Quốc Cường (tổ 1, phường Hội Thương, TP. Pleiku, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu) cũng xin bố mẹ đi làm thêm để được trải nghiệm. Bố Cường là công chức nhà nước, mẹ kinh doanh tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku nên kinh tế gia đình ổn định. Từ nhỏ, Cường chỉ tập trung cho việc học, thành tích học tập luôn đạt cao. Mùa hè năm nay, thấy các bạn rủ nhau đi làm thêm, Cường cũng xin bố mẹ được tham gia. Theo đó, em xin vào làm phục vụ cho quán trà sữa Bông House (số 130 đường Hoàng Văn Thụ). Tuy mới làm được 1 tuần nhưng em rất hào hứng với công việc này. “Đi làm thêm, em thấy rất vui và thoải mái, nhanh nhẹn hơn. Có thu nhập, em sẽ đưa mẹ và mua sắm một số đồ dùng học tập cho năm học tới”-Cường chia sẻ.

Còn em Lê Tấn Huy (17 tuổi, thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) thì bộc bạch: “Lúc em xin đi làm thêm, bố mẹ cũng phản đối. Nhưng rồi, khi biết em có nguyện vọng muốn được lao động để được trải nghiệm cũng như hiểu được giá trị của đồng tiền do mình làm ra, bố mẹ em đã đồng ý. Em cùng với 3 bạn học cùng trường xin đi phát tờ rơi cho một công ty bất động sản tại TP. Pleiku. Địa điểm phát tờ rơi là tại một số tuyến đường thuộc khu vực thành phố. Em đã đi làm được hơn 2 tuần, tiền công trả theo ngày ở mức 150 ngàn đồng/ngày. Tuy công việc phải đi xa một chút nhưng em thấy rất ý nghĩa vì bản thân tự kiếm được tiền và được gặp gỡ nhiều người để học hỏi thêm kinh nghiệm giao tiếp nhằm tạo vốn sống cho mình”.

Chia sẻ khó khăn với gia đình

Khác với nhiều bạn cùng trang lứa đi làm thêm là để trải nghiệm, em Trần Thị Lâm Oanh (16 tuổi, tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đi làm thêm để có thu nhập phụ giúp gia đình. Oanh cho hay, ban đầu, em định xin làm phục vụ tại quán trà sữa ở khu vực trung tâm thành phố nhưng bố mẹ không đồng ý. Sau đó, em được mẹ giới thiệu làm nhà sạch cho một gia đình người quen gần nhà với những công việc đơn giản như: rửa chén bát, phơi áo quần, lau nhà, bàn ghế... Trung bình mỗi ngày, em làm 3-4 tiếng đồng hồ và được trả 90-120 ngàn đồng. “Bố mẹ em đều làm công nhân nên thu nhập thấp và không ổn định. Hàng tháng, bố mẹ đều phải trả nợ khoản vay mua đất, làm nhà và chu cấp cho chị gái đang học đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Mới đây, mẹ mua cho em chiếc xe đạp điện theo hình thức trả góp để em đi làm thêm và sau này tiện cho đi học, đỡ phải đi nhờ xe bạn. Vì thế, em muốn đi làm thêm dịp hè để có tiền phụ mẹ trả nợ mua xe và sau này dùng vào việc mua sách vở, quần áo trước khi vào năm học mới”-Oanh cho hay.

Em Mai Bảo Thư đi làm thêm trong dịp hè để phụ giúp bố mẹ. Ảnh: N.H

Em Mai Bảo Thư đi làm thêm trong dịp hè để phụ giúp bố mẹ. Ảnh: N.H

Tương tự, mùa hè này, em Mai Bảo Thư (16 tuổi, tổ 6, phường Thắng Lợi) cũng đi làm thêm để có tiền mua đồ dùng học tập, quần áo cho năm tiếp theo. Qua lời giới thiệu của bạn bè, em vào làm phục vụ tại quán Ngon Avatar Cafe. Thư kể, nhà có 2 chị em, bố làm tài xế, mẹ bán trái cây trên đường Lê Thánh Tôn nhưng thu nhập chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Cuối năm 2022, bố em không may bị tai nạn giao thông dẫn đến gãy xương sườn phải nằm viện gần nửa năm. Một mình mẹ vừa buôn bán vừa phải chạy vạy vay tiền chữa trị cho bố nên cuộc sống gia đình thêm khó khăn. “Em muốn đi làm thêm để có thu nhập phụ mẹ và cũng là để mua áo quần, sách vở phục vụ cho năm học mới. May mắn là công việc này phù hợp với khả năng và sức khỏe của em. Chủ quán và các đồng nghiệp cũng quan tâm chỉ bảo tận tình nên em tự tin hơn”-Thư chia sẻ.

Mùa hè là cơ hội để các em học sinh được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học căng thẳng. Tuy nhiên, nhiều em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc vì muốn được trải nghiệm đã tranh thủ thời gian đi làm thêm. Nhiều cửa hàng khi biết nguyện vọng của các em cũng đều bố trí công việc phù hợp với tuổi tác cũng như sức khỏe, năng lực của các em. Chị Nguyễn Thị Thúy Kiều-Quản lý quán trà sữa Bông House-cho hay: “Từ đầu mùa hè đến nay, có khá nhiều em học sinh, sinh viên đến quán xin được làm nhân viên phục vụ. Tuy nhiên, quán chỉ nhận những em đủ 16 tuổi trở lên. Khi các em vào làm, chúng tôi bố trí công việc, khung giờ làm thích hợp và trả lương theo tính chất công việc”.

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.