Học sinh dân tộc thiểu số chung tay bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã triển khai mạnh mẽ hoạt động đưa văn hóa truyền thống truyền dạy cho học sinh dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc ở các địa phương.
Câu lạc bộ cồng chiêng của Trường Trung học Phổ Thông Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng (thành phố Buôn Ma Thuột) có khoảng 50 em học sinh tham gia. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Câu lạc bộ cồng chiêng của Trường Trung học Phổ Thông Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng (thành phố Buôn Ma Thuột) có khoảng 50 em học sinh tham gia. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Đắk Lắk là địa phương giàu bản sắc văn hóa với hơn 49 dân tộc anh em cùng chung sống. Ngành giáo dục tỉnh đã triển khai mạnh mẽ hoạt động đưa văn hóa truyền thống truyền dạy cho học sinh dân tộc thiểu số.

Cách làm này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc ở các địa phương.

Giữ gìn những nét đẹp văn hóa dân tộc

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Cơ sở Cư M’gar (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) có 155 học sinh với 13 dân tộc thiểu số, trong đó học sinh người Êđê chiếm 70%.

Theo bà Vương Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy học, Nhà trường quan tâm đến việc bảo tồn phát huy văn hóa của các dân tộc. Vào đầu mỗi năm học, Nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề, chủ điểm như: biểu diễn, giới thiệu trang phục, ẩm thực của mỗi dân tộc, câu lạc bộ làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của một số dân tộc thiểu số…

“Nhờ việc xây dựng nhiều chương trình, quá trình yêu văn hóa, văn nghệ, quê hương, dân tộc của các em được ăn sâu vào tiềm thức. Sắp tới, Nhà trường tiếp tục xây dựng kế hoạch để học sinh tăng cường tư duy trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc, đồng thời, tiếp thu tôn vinh văn hóa các dân tộc bạn,” cô Vương Thị Hương chia sẻ.

Em H Rên Niê Kđăm, học sinh lớp 8, phấn khởi cho biết em đã tham gia hoạt động dưới cờ, quảng bá bản sắc văn hóa của người Êđê như giới thiệu về các món ăn, bộ trang phục, nhạc cụ truyền thống… Các lớp sẽ lựa chọn ra bạn biết và hiểu rõ nhất để lên giới thiệu.

“Qua các buổi quảng bá, chúng em hiểu và biết nhiều văn hóa của các dân tộc khác nhau. Chúng em hứng thú và tiếp thu những nét đẹp của dân tộc bạn để phát triển bản sắc văn hóa dân tộc mình,” em H Rên chia sẻ.

Trường Trung học Phổ Thông Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) có 535 học sinh với 19 dân tộc. Để bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa các dân tộc cho học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều chương trình, phong trào thể dục, thể thao, trò chơi dân gian, lễ hội giao lưu văn hóa, hoạt động ngoại khóa về di sản, văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Câu lạc bộ cồng chiêng của trường có khoảng 50 em học sinh tham gia. Các em đã hăng say, miệt mài luyện tập đánh chiêng, múa xoang. Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả nhờ sự nhiệt tình hướng dẫn của “cô giáo” H Lệ Tiên Êya ( lớp 12A1) - là nghệ nhân trẻ, đang theo học tại trường.

Được sự chỉ bảo tận tình của người chị, các thành viên trong câu lạc bộ từ không biết gì đã có thể nhuần nhuyễn múa xoang, đánh chiêng.

Nghệ nhân trẻ hướng dẫn các thành viên trong Câu lạc bộ cồng chiêng Trường Trung học Phổ Thông Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Nghệ nhân trẻ hướng dẫn các thành viên trong Câu lạc bộ cồng chiêng Trường Trung học Phổ Thông Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Em Y Huy Byă, lớp 11A3, là thành viên tích cực trong Câu lạc bộ cồng chiêng và đã tham gia được 2 năm. Y Huy cho biết trước đây, em không biết đánh chiêng. Mới tiếp xúc với chiêng, em thấy khó khăn. Sau khi tập một thời gian, em thấy thú vị. Từ đây, em sẽ cố gắng luyện tập, gìn giữ để tiếng chiêng được mãi lưu truyền.

Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ Thông Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng Trần Châu Thỏa cho biết xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa các dân tộc, Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động như: gìn giữ, giới thiệu trang phục, nhạc cụ, công cụ lao động, món ăn ẩm thực…để các em có sự giao thoa lẫn nhau, nhằm khơi dậy lòng yêu nước, yêu quê hương, dân tộc và để các em thấy được tính cần cù chịu khó, siêng năng, sự anh dũng kiên cường trong công cuộc đấu tranh và xây dựng đất nước, từ đó, các em gìn giữ và phát huy.

“Nhà trường chú trọng thành lập các đội chiêng, múa dân gian. Mỗi học sinh ở đầu cấp có một bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Trong những ngày hội, ngày lễ, các em khoe những bộ trang phục của mình và thấy tự hào vì được đại diện cho một dân tộc của 49 dân tộc anh em tại tỉnh Đắk Lắk, cùng chung sức xây dựng bảo vệ quê hương giàu đẹp,” ông Trần Châu Thỏa thông tin.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp cho biết hiện nay, văn hóa bị tác động nhiều yếu tố, đặc biệt từ nhiều quốc gia khác nhau. Khi phát huy được bản sắc văn hóa trong nhà trường, học sinh hiểu biết rõ văn hóa địa phương, đất nước. Từ những bài học gần gũi, những trải nghiệm thực tế, học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị văn hóa địa phương, dân tộc nơi mình sinh sống, để yêu quê hương, đất nước mình hơn, từ đó, tu dưỡng rèn luyện tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi và những công dân tốt.

Thông qua việc giao thoa văn hóa các dân tộc, học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa bớt tự ti, mặc cảm, dám đấu tranh với hủ tục và mê tín dị đoan ở buôn làng, giữ gìn những nét đẹp, loại bỏ đi những hủ tục lạc hậu.

Tiếp tục lưu truyền, gìn giữ

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ Thông Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng Trần Châu Thỏa cho biết nhận thấy nhà trường đã đi đúng hướng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục tổ chức các câu lạc bộ thể dục, thể thao, âm nhạc, kỹ năng sống, ẩm thực… Tùy theo năng khiếu, sở thích của các em để xây dựng các tiết mục bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, các em nhận thấy mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa độc đáo riêng, để từ đó học hỏi, đúc kết, giao thoa vào môi trường trường học.

Nhằm góp phần giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cho học sinh trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk tổ chức Ngày hội giao lưu văn hóa, văn nghệ các Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, Phổ thông Dân tộc Bán trú tại Trường Trung học Phổ Thông Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng.

Ngày hội có sự tham gia của 511 học sinh ưu tú, đại diện cho các học sinh đến từ 16 trường Phổ thông Dân tộc nội trú và 4 trường Phổ thông Dân tộc Bán trú trên địa bàn tỉnh.

Thầy giáo Nguyễn Phùng Quang Hiếu, Tổng phụ trách Đội văn nghệ Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Cơ sở Cư M’gar (Đắk Lắk) thường xuyên hướng dẫn học sinh về nhạc cụ truyền thống dân tộc. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Thầy giáo Nguyễn Phùng Quang Hiếu, Tổng phụ trách Đội văn nghệ Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Cơ sở Cư M’gar (Đắk Lắk) thường xuyên hướng dẫn học sinh về nhạc cụ truyền thống dân tộc. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp, để phát huy và đẩy mạnh phong trào xây dựng, giữ gìn bản sắc văn hóa trong nhà trường, nhất là trong bối cảnh đổi mới Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, việc cần thiết đầu tiên phải xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện theo hướng mở; xây dựng văn hóa nhà trường gắn liền với văn hóa của địa phương; tích hợp, lồng ghép giáo dục việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong dạy học các môn học và hoạt động giáo dục một cách hiệu quả; phát huy việc dạy học thông qua di sản, tổ chức hiệu quả dạy học giáo dục địa phương.

Bên cạnh đó, các nhà trường trường cần linh hoạt trong việc hướng đến các thiết chế văn hóa và loại hình đa dạng là những bảo tàng, di sản vật thể (di tích văn hóa, thiên nhiên, lịch sử, cách mạng, kháng chiến, di sản thiên nhiên, di sản phi vật thể), nhất là những nhân chứng sống ở xung quanh và gần gũi với nhà trường… để làm sống động những giá trị văn hóa, từ đó học sinh có thể tìm hiểu và phát huy thêm.

Bằng con đường giáo dục và thông qua giáo dục, các giá trị về vật chất và tinh thần, các kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kinh nghiệm ứng xử, lối sống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… của các dân tộc được lưu truyền, tồn tích, vận hành nối tiếp các thế hệ.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.