Học sinh cần nắm quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hiện nay, mạng xã hội (MXH) ngày càng phổ biến và có sức hút rất lớn đối với nhiều người, trong đó có không ít học sinh. Thực tiễn này đặt ra câu hỏi: Liệu MXH có phù hợp với học sinh và các em cần trang bị cho mình những kỹ năng nào để đảm bảo an toàn mà vẫn khai thác hiệu quả lợi ích khi sử dụng phương tiện này?

Mới đây, Trường THPT Pleiku tổ chức hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Kết bạn qua MXH-Những lợi ích và nguy cơ” thu hút trên 1.400 học sinh khối lớp 10 và 11 tham gia. Hoạt động gồm 3 phần: tuyên truyền về lợi ích và nguy cơ kết bạn qua MXH; học sinh thuyết trình, nêu quan điểm về việc sử dụng, kết bạn qua MXH và tham gia giải quyết các tình huống liên quan. Buổi ngoại khóa nhằm giáo dục lối sống văn hóa trên môi trường mạng, ngăn chặn bạo lực học đường, định hướng xây dựng tình bạn đẹp cho học sinh và xây dựng văn hóa học đường lành mạnh. Đồng thời, giúp học sinh hình thành và phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý, làm chủ thông tin trên không gian mạng; từ đó chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin xấu, độc và tiếp nhận thông tin tích cực.

Học sinh Trường THPT Pleiku trình bày quan điểm về lợi ích và nguy cơ khi kết bạn qua MXH. Ảnh: M.T

Học sinh Trường THPT Pleiku trình bày quan điểm về lợi ích và nguy cơ khi kết bạn qua MXH. Ảnh: M.T

Theo cô Nguyễn Thị Đông Hải-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku, việc sử dụng MXH và kết bạn trên không gian mạng là nhu cầu chính đáng trong đời sống của mỗi người. Vì thế, nhà trường không thể cấm học sinh sử dụng, kết bạn qua MXH. Thay vào đó, thầy-cô giáo sẽ giúp các em trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết sao cho có thể khai thác được lợi ích của MXH và nhận biết những nguy cơ để không trở thành nạn nhân từ các chiêu trò trên không gian mạng.

“Qua buổi ngoại khóa, các em học sinh đã có sự chuyển biến về nhận thức trong sử dụng MXH hiệu quả và an toàn, song để biến nhận thức ấy thành hành vi thường xuyên thì cần nhiều thời gian hơn. Vì vậy, nhà trường sẽ tiếp tục lồng ghép tuyên truyền, giáo dục về nội dung này trong năm học”-cô Hải cho biết.

Nói về lợi ích và nguy cơ khi sử dụng MXH, em Nguyễn Thị Minh Châu (lớp 11A2, Trường THPT Pleiku) bày tỏ: Không thể phủ nhận rằng MXH mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng, kể cả học sinh. Đầu tiên là giúp chúng em mở rộng các mối quan hệ mà không gặp trở ngại nào về khoảng cách địa lý hay thời gian. Thêm vào đó, MXH còn là sợi dây gắn kết những người có cùng sở thích, suy nghĩ hay lối sống thông qua việc tham gia các hội nhóm; giúp chúng em có thể học hỏi, trao đổi, giúp đỡ nhau trong học tập và rèn luyện.

Nhiều tài liệu học tập bổ ích được chia sẻ trên MXH cũng là nguồn tài nguyên to lớn để chúng em khai thác phục vụ cho việc học tập. “Tuy nhiên, MXH cũng đem lại cho chúng em nhiều mối nguy tiềm ẩn như: bị đánh cắp thông tin, mạo danh, lừa đảo, quấy rối đe dọa, bạo lực mạng... Vì vậy, em luôn tự cảnh giác, tỉnh táo và chọn lọc thông tin kỹ càng khi sử dụng MXH để tránh hậu quả đáng tiếc xảy đến cho bản thân, gia đình”-Châu nói.

Hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Kết bạn qua mạng xã hội-Những lợi ích và nguy cơ” của Trường THPT Pleiku thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ảnh: Mộc Trà

Hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Kết bạn qua mạng xã hội-Những lợi ích và nguy cơ” của Trường THPT Pleiku thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ảnh: Mộc Trà

Thực tế ghi nhận, việc sử dụng MXH không đúng cách đã mang lại nhiều mối nguy hại cho người dùng, đặc biệt là học sinh-lứa tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình lừa đảo trực tuyến ở nước ta tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Bộ Công an cũng chỉ ra 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhằm vào một số nhóm đối tượng, trong đó có trẻ em, học sinh, sinh viên…

Ngoài bị lừa đảo, nhiều học sinh còn vướng vào vòng lao lý vì những hành vi thiếu hiểu biết trên MXH. Một số trường hợp chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trên MXH dẫn đến cãi vã, đe dọa rồi sử dụng hung khí đánh nhau ngoài đời thực, gây hậu quả nghiêm trọng. Chính vì thế, “có nên cho con tiếp xúc với MXH hay không” luôn là chủ đề được bàn luận trên khắp các diễn đàn. Nhiều phụ huynh chia sẻ, họ từng cấm tuyệt đối, không cho phép con dùng điện thoại và MXH, song lại vô tình kích thích tính tò mò, khiến con lén lút sử dụng MXH. Một số khác thì cho rằng, thay vì cấm cản, bố mẹ có thể giới hạn thời gian và hướng dẫn con sử dụng MXH một cách an toàn, hiệu quả, có văn hóa.

Trong thời đại 4.0, công nghệ và MXH đã hỗ trợ học sinh rất nhiều trong học tập, giải trí và kết nối với mọi người. Thế nhưng, để các em trở thành những “công dân số” văn minh rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trong đó, giáo dục về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, nhận diện những nội dung xấu, độc và các dạng lừa đảo qua mạng để phòng ngừa là điều vô cùng cần thiết. Ngoài ra, học sinh cũng cần nắm vững và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên MXH do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17-6-2021 nhằm tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử trên MXH, góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.

Có thể bạn quan tâm

Các thành viên Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong (xã Đăk Rong) trao đổi kiến thức, kỹ năng giao tiếp. Ảnh: N.M

CLB thủ lĩnh của sự thay đổi: Sân chơi bổ ích cho học sinh dân tộc thiểu số

(GLO)- Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Kbang phối hợp với một số trường học trên địa bàn ra mắt câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Câu lạc bộ trở thành sân chơi bổ ích giúp các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện giao lưu, bổ sung kiến thức, kỹ năng sống.

Phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024

Phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024

(GLO)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024. Cuộc thi nhằm lan tỏa tình cảm tốt đẹp của học sinh đối với thầy-cô giáo; đồng thời tôn vinh tấm gương nhà giáo tiêu biểu, cống hiến cho ngành Giáo dục.

Trường học không điện thoại di động

Trường học không điện thoại di động

Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhiều năm giữ vị trí số 1 trong các trường có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất TP, cấm học sinh dùng điện thoại di động trong bao nhiêu năm qua, kể cả giờ ra chơi, ăn bán trú, nghỉ trưa.