(GLO)- Chúng ta đang sống trong đất nước hòa bình, đánh dấu bằng đại thắng mùa xuân năm 1975. Trước đó, phát súng tiến công đã nổ ra tại Buôn Ma Thuột vào ngày 4-3-1975. Và với thắng lợi trên mặt trận này, Gia Lai đã được giải phóng vào ngày 17-3. Sau đó là một loạt tỉnh Tây Nguyên, các chiến trường, để rồi với đà thắng lợi, chưa đầy 2 tháng tổng tấn công, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước hòa bình, non sông thu về một mối, không còn cảnh loạn lạc, đau thương, mất mát.
Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Đức Thụy |
47 năm đất nước hòa bình, chúng ta có điều kiện xây dựng và phát triển, chứng minh với thế giới về sự nổi lên của vị thế con rồng, con hổ mới không chỉ ở Đông Nam Á. Từ một nước đổ nát, kiệt quệ sau chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Nhân dân ta bắt tay khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, sau đó là đổi mới, kiên trì thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu rộng với thế giới, đi tắt đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, tỷ lệ mù chữ, đói nghèo cao, trì trệ trong phát triển kinh tế, chúng ta đã mạnh dạn đổi mới, vươn lên, tự chủ lương thực và trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhất, thứ nhì thế giới, kinh tế ổn định và phát triển, đặc biệt là sự bứt phá của các ngành: dầu khí, may mặc, giày da, thủy sản, nông sản... Từ một nước bị cấm vận bao vây, với chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập WTO, tham gia sâu rộng vào các “sân chơi” khác, trở thành thành viên tích cực của ASEAN và Liên hợp quốc. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới diễn ra vào giữa năm ngoái: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta...”.
Với riêng Gia Lai, chúng ta đã có một bước tiến rất dài kể từ ngày giải phóng tỉnh 17-3-1975. Một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh đã nhanh chóng ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tích cực khai hoang phục hóa, tiến hành hợp tác hóa, đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quy mô nền kinh tế tăng hàng trăm lần. Không chỉ với những bước tiến lớn về kinh tế-xã hội, Gia Lai còn cùng với cả nước làm nên chiến thắng biên giới Tây Nam, góp phần xóa sổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, đóng góp tích cực vào chiến thắng biên giới phía Bắc, nhất là làm tan rã tổ chức phản động FULRO cũng như âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Kết thúc năm 2021, đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do thiên tai, dịch bệnh, an ninh chính trị tiềm ẩn yếu tố bất ổn, tuy nhiên tỉnh nhà vẫn ghi dấu ấn với những kết quả nổi bật. Năm 2021, tổng sản phẩm và dịch vụ của tỉnh tăng 9,71%; thu ngân sách trên 7.600 tỷ đồng, vượt xa dự toán; thu hút đầu tư khởi sắc với sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế lớn: FLC, Trường Hải, Lộc Trời... cam kết làm ăn gắn bó lâu dài để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương: điện gió, điện năng lượng mặt trời, sân golf, bất động sản, du lịch, chế biến, nông nghiệp công nghệ cao... Quan trọng hơn là đời sống của người dân được cải thiện và tiến bộ nhiều mặt; thu nhập bình quân đầu người tăng lên, năm sau cao hơn năm trước; chương trình xây dựng xã/làng nông thôn mới vượt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh...
Trong thời đại ngày nay, xu thế hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định vẫn chiếm ưu thế, song thế giới chưa hết biến động và đối mặt với những thách thức có tính truyền thống và phi truyền thống: xung đột, chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số... đòi hỏi Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và mỗi nước phải cộng đồng trách nhiệm, chung tay giải quyết một cách căn cơ, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển.
Ngẫu nhiên, khi chúng ta nô nức lập thành tích chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng tỉnh 17-3, giải phóng miền Nam 30-4-1975 thì tại trời Âu xa xôi, thế giới chứng kiến cảnh “nồi da xáo thịt”, mất mát, đau thương. Thực tế ấy nói lên điều gì? Rõ ràng hòa bình là vô giá nhưng nó luôn bị đe dọa và thách thức. Chúng ta tin tưởng cùng với nỗ lực của cộng đồng thế giới, Nga và Ukraine sẽ sớm ngồi lại đàm phán và nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Để hòa bình thực sự là xu thế thời đại, hiện hữu trong đời sống con người, phải quyết tâm giữ lấy và bảo vệ nó!
THẤT SƠN