Hiện đại hóa quy trình sản xuất bánh tráng gạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần đây, một số hộ dân ở xã Cửu An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất bánh tráng gạo. Các công đoạn từ vo gạo đến tráng bánh đều được tự động hóa đã góp phần giảm sức lao động, tăng thu nhập cho gia đình.

Trời hửng sáng, vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Út-Nguyễn Thị Hồng Huy (thôn An Điền Bắc) cùng 2 nhân công đã khởi động máy móc để làm bánh tráng gạo. Đợi máy đánh bột dừng hẳn, anh Út mở van cho dòng bột trắng ngần chảy đầy thùng, rồi bưng đổ vào thùng chứa đặt phía trên máy tráng bánh.

Sau đó, anh bấm nút khởi động máy, bột từ từ chảy xuống khuôn, cán dàn đều trên mặt băng chuyền vải đúng kích thước đã định sẵn. Hệ thống băng chuyền chạy qua giàn hấp, làm chín bột, hình thành lớp bánh dẻo dai, thơm phức dàn đều trên phên tre.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Huy (thôn An Điền Bắc, xã Cửu An) dùng máy cắt bánh tráng giúp giảm thời gian và bánh đều đẹp hơn. Ảnh: An Phát

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Huy (thôn An Điền Bắc, xã Cửu An) dùng máy cắt bánh tráng giúp giảm thời gian và bánh đều đẹp hơn. Ảnh: An Phát

Vừa nhanh tay lấy từng phên bánh đang bốc khói ra khỏi băng chuyền, chị Huy vừa cho biết: Phên bánh được đem phơi ngoài trời nắng khoảng 2 giờ đồng hồ, sau đó mang vào gỡ ra khỏi phên và đưa vào máy cắt thành từng chiếc một với kích thước 30 x 30 cm. Bánh phơi nắng thường thơm ngon hơn bánh sấy trên lò than củi và giảm chi phí mua nhiên liệu. Không những thế, bánh được hấp bằng máy nên năng suất cao hơn làm thủ công, giá thành thấp hơn bánh được tráng theo cách truyền thống 500-700 đồng/ràng (20 chiếc).

“Cuối năm 2022, tôi mua máy cắt bánh với giá hơn 20 triệu đồng. Máy cắt nhanh, mỗi lần cắt được nhiều bánh, không bị vỡ góc, mẫu mã đẹp. Dự kiến thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm phên, máy trộn bột loại 300 kg để thay thế máy trộn 100 kg hiện nay”-chị Huy nói.

Còn anh Út thì kể: Giữa năm 2019, vợ chồng anh vay mượn và gom góp được 200 triệu đồng đầu tư xây nhà xưởng, mua máy vo gạo, máy đánh bột, máy tráng bánh. Máy tráng bánh được thiết kế đơn giản, dễ vận hành, có thể điều chỉnh độ dày mỏng của bánh và điều chỉnh nhiệt độ hấp. Máy có chiều dài 5 m, được làm bằng thép không rỉ, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Vị trí đầu vào, đầu ra của máy luôn có 2 người đứng trực đẩy phên trống vào và lấy phên bột bánh ra.

Nói về quy trình làm bánh tráng, anh Út cho hay: “Đầu tiên cho gạo vào máy vo nhằm loại bỏ bụi bẩn, vỏ trấu; sau đó ngâm trong nước 5 giờ đồng hồ để khi xay, bột nhanh nhuyễn, mềm mịn. Để bánh mềm dẻo, không rách vỡ, tôi hòa bột gạo với bột mì theo tỷ lệ 50/50. Quá trình pha bột không để bột quá lỏng hay quá đặc, sau đó cho vào máy đánh đều, quyện hòa với nhau”.

Mỗi ngày, gia đình anh Út làm được 7.000 chiếc bánh tráng, tương đương 350 ràng. Sản phẩm được mang bỏ mối cho các cửa hàng tạp hóa, quán ăn ở thị xã An Khê, các huyện lân cận và bán tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bánh tráng nhúng loại mỏng có giá 13.000 đồng/ràng, bánh tráng gói chả ram giá 10.000 đồng/gói (80 miếng). Sau khi trừ chi phí, anh chị thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm.

Bánh sau khi được tráng bằng máy sẽ đem phơi nắng, giúp bánh thơm ngon. Ảnh: Ngọc Minh

Bánh sau khi được tráng bằng máy sẽ đem phơi nắng, giúp bánh thơm ngon. Ảnh: Ngọc Minh

Bà Đặng Thị Hà (thôn An Điền Nam) gắn bó với nghề tráng bánh gần 20 năm. Để làm bánh, bà thức dậy từ lúc 1 giờ sáng, ngồi đến 12 giờ trưa mới tráng hết 30 kg bột, tương đương 1.000 chiếc bánh tráng, sau khi trừ chi phí thu về hơn 200 ngàn đồng/ngày. Đầu năm 2022, bà Hà bỏ ra hơn 100 triệu đồng mua máy tráng bánh loại hình tròn và máy đánh bột.

Theo bà Hà, máy tráng bánh dễ vận hành, tráng hàng ngàn chiếc bánh mỏng, tròn đều, không sợ chỗ dày chỗ mỏng; công suất gấp 5 lần so với tráng thủ công, mỗi ngày thu về 500 ngàn đồng, sau khi trừ chi phí. Đồng thời, tạo việc làm cho lao động địa phương.

“Mỗi ngày, vợ chồng tôi thuê thêm 2 lao động (tiền công 30 ngàn đồng/giờ), tráng 150 kg bột được 4.500 chiếc bánh tráng nhúng loại dày. Khi bánh còn ướt, tôi rắc mè đen, điểm tô cho bắt mắt, khi ăn sẽ hấp dẫn hơn. Tôi sử dụng loại gạo U Ải 32, Khang Dân, khi ra bánh có độ dẻo, mùi thơm đặc trưng. Bánh làm hoàn toàn tự nhiên, có thể bảo quản 3-6 tháng và giá bán 13 ngàn đồng/ràng (10 chiếc)”-bà Hà chia sẻ.

Bà Đặng Thị Hà (thôn An Điền Nam, xã Cửu An, thị xã An Khê) sắp bánh tráng thành ràng để giao cho khách hàng. Ảnh: Ngọc Minh

Bà Đặng Thị Hà (thôn An Điền Nam, xã Cửu An, thị xã An Khê) sắp bánh tráng thành ràng để giao cho khách hàng. Ảnh: Ngọc Minh

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Phúc-Chủ tịch UBND xã Cửu An-cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 4 hộ sản xuất bánh tráng, trong đó 2 hộ đã mạnh dạn mua sắm máy móc để nâng cao công suất và thu nhập cho gia đình. Thời gian tới, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn giúp người dân giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại hội chợ; tạo điều kiện cho hộ dân có nhu cầu vay vốn ưu đãi để đầu tư trang-thiết bị mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm”.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

(GLO)- Sáng 20-12, tại Tiểu khu 392 thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), Chi cục Kiểm lâm Gia Lai phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện và các chủ rừng diễn tập chữa cháy rừng năm 2024.

Ông Bing (xã Chư Á, TP. Pleiku) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Quan tâm hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 440/NQ-HĐND về việc quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu-chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025.