Gói hỗ trợ lãi suất 2% ở Gia Lai: Khó đạt kế hoạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2022, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đăng ký kế hoạch cho vay hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với dư nợ 5.250 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 103 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 12 khách hàng được vay vốn theo chương trình này với dư nợ 33,5 tỷ đồng.  

Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 9-2022, tại Gia Lai mới có 3 chi nhánh NHTM giải ngân cho 12 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay với dư nợ 33,5 tỷ đồng. Khách hàng được cho vay hỗ trợ lãi suất thuộc các lĩnh vực: vận tải, kho bãi; giáo dục-đào tạo; nông-lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo báo cáo của các chi nhánh NHTM, việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: hộ kinh doanh chưa hoặc không đăng ký kinh doanh thì không đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất; khách hàng khó khăn trong việc cung cấp tài liệu hoặc cơ sở chứng minh việc bị ảnh hưởng, gặp khó khăn bởi dịch bệnh cũng như khả năng phục hồi để đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất; việc đánh giá tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất gặp nhiều vướng mắc...

 Doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong số đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ảnh: Kim Linh
Doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong số đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ảnh: Kim Linh


Ông Nguyễn Văn Phú-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai-cho hay: “Doanh nghiệp đã được Agribank Đông Gia Lai quan tâm tạo điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn là hiện nay chúng tôi đang được cho vay theo hạn mức tín dụng, đặc thù hoạt động nông nghiệp nên các hồ sơ hóa đơn chứng từ theo mùa có được chấp thuận hay không?”.

Tương tự, ông Nguyễn Đăng Khoa-Kế toán trưởng Tổng Công ty 15-nêu ý kiến: “Chúng tôi chưa tiếp cận được chính sách do vướng ở việc xác định, đánh giá khả năng trả nợ phục hồi của doanh nghiệp theo quy định nội bộ của ngân hàng. Bên cạnh đó, một vướng mắc khác là chúng tôi đang ký hợp đồng hạn mức tín dụng theo từng năm. Do đó, chúng tôi rất mong được giải đáp vướng mắc cụ thể để doanh nghiệp sớm được hưởng chính sách hỗ trợ này”.

Về phía các NHTM, việc thực thi chính sách cũng không hề dễ dàng. Hiện nay, toàn tỉnh mới có 3 NHTM phát sinh cho vay hỗ trợ lãi suất. Xung quanh nội dung này, ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Đông Gia Lai-nêu rõ: “Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là chủ trương lớn của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị nên chúng tôi mong muốn thực hiện tốt chính sách này nhưng cần sự phối hợp đồng bộ giữa ngân hàng-khách hàng. Một vấn đề vướng mắc chung hiện nay là khách hàng phải ký kết hợp đồng tín dụng mới, trong khi đó, nhiều khách hàng vẫn đang còn hợp đồng hạn mức tín dụng. Về phía Chi nhánh đã thực hiện rà soát, thông tin và kết nối đến từng khách hàng. Hiện nay, Chi nhánh đã thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất với dư nợ 13 tỷ đồng/5 khách hàng. Mục tiêu đến cuối năm 2022, Chi nhánh sẽ giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 60 tỷ đồng”.

Còn ông Huỳnh Quang Hưng-Giám đốc BIDV Phố Núi thì chia sẻ: “Một vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách là việc đánh giá đối tượng được hỗ trợ có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. Việc đánh giá khách hàng theo quy định nội bộ, mang tính định tính nên ngân hàng còn lo ngại đến khâu hậu kiểm. Hiện nay, khách hàng doanh nghiệp hoạt động đa dạng ngành nghề, trong đó có những ngành không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất. Do đó, rất khó khăn cho ngân hàng trong việc bóc tách các chi phí, khoản vay để được hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất khó bổ sung chứng từ theo quy định”.

Tính đến đầu tháng 10-2022, toàn quốc có 59/63 tỉnh, thành phát sinh các khoản cho vay hỗ trợ lãi suất với gần 580 khách hàng đã được tiếp cận chính sách này. Điều này cho thấy, việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất vẫn còn khá chậm về tiến độ, khả năng khó đạt kế hoạch đề ra trong năm 2022. Thông qua việc theo dõi thực thi chính sách trên địa bàn, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho rằng: “Những quy định gây khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thì rất nên kiến nghị, đề xuất Trung ương xem xét sửa đổi. Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề xuất mở thêm room tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong những tháng cuối năm 2022”.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh: “Xung quanh những vấn đề còn vướng mắc trong việc triển khai, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Trung ương để có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, Chi nhánh đã thông báo đường dây nóng, đề nghị các doanh nghiệp có vấn đề vướng mắc nên phản ánh về các hiệp hội. Các hiệp hội sẽ tổng hợp, có văn bản đề nghị gửi về Chi nhánh để nghiên cứu, giải đáp cụ thể từng vấn đề. Bên cạnh đó, các NHTM cần tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể đối với khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh sẽ theo dõi, có văn bản hướng dẫn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện theo quy định hoặc có biểu hiện trốn tránh, đưa ra thêm quy định nội bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp”.

 

 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

(GLO)- Tại công văn lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế này đến hết năm 2030, thay vì kết thúc vào ngày 31-12-2025 như quy định hiện hành.