Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến não tắc nghẽn, ngăn chặn ô xy và chất dinh dưỡng đến mô não và cuối cùng là giết chết các tế bào não.
Đột quỵ dễ xảy ra nhất trong khoảng 2 giờ sau khi thức dậy. Ảnh: Shutterstock |
Nghiên cứu cho thấy có một thời điểm trong ngày người ta dễ bị đột quỵ hơn đến 80% so với mọi lúc khác, theo Best Life.
Biết được lúc nào dễ bị đột quỵ nhất có thể giúp mọi người lưu ý các dấu hiệu để nhận ra các triệu chứng sớm hơn.
Cảnh giác cao độ với các dấu hiệu cảnh báo trong những giờ đó như tê hoặc yếu một bên cơ thể, lú lẫn, các vấn đề về lời nói hoặc thị lực, chóng mặt hoặc đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân sẽ có thể cứu sống người bệnh, theo Best Life.
Uống thuốc huyết áp trước khi đi ngủ có thể giảm 50% nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Shutterstock |
Vậy giờ nào là lúc dễ bị đột quỵ nhất và nên uống thuốc hạ huyết áp lúc nào để giảm nguy cơ?
Nguy cơ đột quỵ tăng 80% trong khoảng từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa
Theo một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nguy cơ đột quỵ cao hơn gần 80% trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích tổng hợp 31 công trình nghiên cứu với dữ liệu của 11.816 bệnh nhân đột quỵ.
Kết quả đã phát hiện nguy cơ xảy ra đột quỵ trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa tăng đến 79% so với các giờ khác trong ngày.
Các nhà nghiên cứu giải thích cơn đột quỵ "vượt trội buổi sáng" này là do sự thay đổi trong chu kỳ sinh học.
Dữ liệu cho thấy tất cả các loại đột quỵ đều có nguy cơ xảy ra cao nhất trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến trưa.
Kết quả cũng cho thấy, nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng vượt trội đến 89%, đột quỵ do xuất huyết tăng 52% và các cơn đau tim do thiếu máu cục bộ thoáng qua tăng 80%, theo Best Life.
Nghĩa là loại đột quỵ phổ biến nhất là đột quỵ do thiếu máu cục bộ - tăng đến gần 90% vào những giờ đầu của buổi sáng.
Ngược lại, nhóm nghiên cứu nhận thấy số ca đột quỵ từ nửa đêm đến 6 giờ sáng giảm 35% so với các giờ khác trong ngày.
2 giờ sau khi thức dậy là nguy hiểm nhất
Đặc biệt, nghiên cứu phát hiện, sự khởi đầu của đột quỵ do thiếu máu cục bộ đạt đỉnh điểm từ 6 giờ đến 8 giờ sáng trong ngày làm việc và từ 8 giờ đến 10 giờ sáng trong ngày nghỉ.
Nghĩa là đột quỵ dễ xảy ra nhất trong khoảng 2 giờ sau khi thức dậy, theo Best Life.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không gặp trường hợp đột quỵ nào xảy ra ở những người làm việc ca đêm - dù có huyết áp cao hơn.
Các nghiên cứu khác cũng đã cung cấp bằng chứng cho thấy bệnh nhân có nhiều nguy cơ bị đột quỵ nhất trong khi thức. Ví dụ, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí bệnh mạch máu não Cerebrovascular Diseases, cho thấy nguy cơ đột quỵ khác nhau tùy thuộc vào thời gian thức và ngủ của mỗi người.
Uống thuốc huyết áp trước khi đi ngủ có thể giảm 50% nguy cơ đột quỵ
Các chuyên gia cho biết huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra đột quỵ, và điều chỉnh huyết áp là chìa khóa để ngăn ngừa biến cố chết người này, theo Best Life.
Điều này rất quan trọng vì các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ lưu ý rằng huyết áp thường tăng khoảng 20% sau khi thức dậy.
Các tác giả cho biết sử dụng thuốc nhằm mục tiêu hạ huyết áp cao và giảm nhịp tim vào sáng sớm - nhưng không làm giảm huyết áp nghiêm trọng vào ban đêm - có thể có lợi hơn.
Một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Tim mạch châu Âu kết luận rằng, uống thuốc huyết áp trước khi đi ngủ có thể giảm một nửa nguy cơ đột quỵ, theo Best Life.
Những người tham gia nghiên cứu được cho uống thuốc trước khi đi ngủ, cũng giảm được 34% nguy cơ bị đau tim, giảm 40% nguy cơ cần phải làm thủ thuật để mở rộng động mạch bị tắc và giảm 42% nguy cơ bị suy tim.
Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân sẽ có cách điều trị khác nhau, vì vậy hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi thay đổi việc uống thuốc của bạn.
Theo Thiên Lan (TNO)