Thường thì mẹ xin hạt nhà hàng xóm về ươm trong bầu đất cho nảy mầm, đợi lớn chút mới bứng cây con đem trồng. Mồng tơi thuộc loại thân leo nên khi ngọn vươn dài phải cắm giàn để chúng bám. Giàn mồng tơi là những thanh tre được cắm xiên, đầu tựa vào tường rào trông như tấm phên nghiêng nên thường gọi là “giậu mồng tơi”.
Mồng tơi không có “tay” để bám mà quấn tròn luôn thân chính vào giàn. Mải miết leo cao, tới tận đỉnh giàn, những ngọn mồng tơi sẽ rũ thòng, đong đưa ngơ ngác như muốn hỏi: Giờ chúng tôi biết đi đâu? Không lo, câu hỏi sẽ được mẹ “trả lời” ngay: Tay cầm kéo tay bưng rổ, mẹ thoăn thoắt nhanh tay cắt mớ đọt mồng tơi non. Đương nhiên, chúng biến thành món luộc, xào hoặc canh cho bữa cơm hàng ngày. Đừng lo dây mồng tơi chết vì mất đọt, vì chỉ tầm 2-3 hôm sau, chúng sẽ đâm từ các nách lá trên thân ra đọt mới.
Minh họa: Huyền Trang |
Nhờ chăm sóc, cắt tỉa đúng cách nên giậu mồng tơi của mẹ lúc nào cũng xanh tốt, ban đầu còn ít chỉ đủ nhà dùng, sau ngày càng nhiều hơn, mẹ đem chia bớt cho hàng xóm. Nhận rau, nhiều cô chú ái ngại bảo để gửi tiền, mẹ cười nói: “Ui, tiền bạc gì, có mớ rau xanh gửi anh chị ăn lấy thảo, mai mốt có gì tui qua… xin lại!”. Vậy là đôi bên cùng cười vui!
Mồng tơi dễ sống, phát triển nhanh, hầu như không sâu bệnh, trồng một lần có thể thu hoạch cả năm. Thêm nữa, mẹ thường nói, rau nhà trồng là rau sạch, ăn tốt cho sức khỏe, lại tiết kiệm. Vậy nên, mẹ rất quý giậu mồng tơi, chăm bón kỹ càng. Khi mồng tơi có dấu hiệu già cỗi, mẹ xin hoặc mua hạt giống mới về ươm để trồng thay thế.
Rau mồng tơi được nấu riêng hoặc “tập tàng” cùng vài loại rau khác. Khi ngán, có thể đổi món bằng cách đem luộc hoặc xào tỏi. Nhưng tôi mê nhất lại chính là những… quả mồng tơi già chín. Buổi trưa trốn ngủ, thế nào anh em tôi cũng lén ra giậu mồng tơi của mẹ tìm hái quả. Quả mồng tơi đem chơi đồ hàng hoặc vò nát cho vào lọ làm mực tím.
Tuổi thơ qua rồi. Giờ mẹ không còn. Giậu mồng tơi cũng không còn. Sắc tím mồng tơi đương nhiên cũng trở thành hoài niệm.