Giáo viên xoay xở mùa dịch - Kỳ cuối: Gia sư... online

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ giáo viên các trung tâm Anh ngữ, những ngày này, nhiều giáo viên tiểu học và cấp II, III cũng đăng tin: Nhận gia sư online mùa dịch.
Thầy Kevin Vinh đang mong được trở lại lớp học vui vẻ - Ảnh: NVCC
Thầy Kevin Vinh đang mong được trở lại lớp học vui vẻ - Ảnh: NVCC
"Trước tết, ngày nào tôi cũng có giờ dạy tiếng Anh ở lớp. Thầy trò tương tác trực tiếp với nhau vừa vui vẻ vừa hiệu quả. Nhưng dịch bệnh đã làm cho trường chúng tôi phải đóng cửa hoàn toàn", thầy Kevin Vinh trĩu giọng...
Nhiều giáo viên đang gặp khó khăn, nhưng tôi hi vọng sau cơn dịch này phương pháp dạy và học trực tuyến sẽ phổ biến hơn, thuận lợi hơn.
Thầy NGUYỄN HOÀNG PHÚC
Đỏ mắt tìm trò
Cũng như các giáo viên phải nghỉ dạy mùa dịch, thầy Kevin Vinh có ba hướng để chọn: hoặc nghỉ hoàn toàn ở nhà, hoặc kiếm việc gì khác để làm thêm, còn không thì cố gắng dạy tiếp bằng online hoặc gia sư.
Bình thường thầy Kevin Vinh có mấy lớp gia sư, mỗi lớp thầy dạy một hoặc vài học trò tại nhà riêng. Nhưng từ khi dịch bùng phát phức tạp, thầy không còn lớp gia sư nào nữa.
Những ngày bệnh tật nguy hiểm này, nếu không quá khẩn thiết thì chẳng ai muốn cho người ngoài vào nhà mình.
Có nghề tay trái là hướng dẫn viên du lịch nhưng dịch vụ này đang "đóng băng" hoàn toàn, thầy Kevin Vinh chỉ còn một cách duy nhất là tìm dạy online để trang trải cuộc sống.
"Biết nhiều người cũng đang khó khăn, tôi chỉ nhận giá 80.000 - 100.000 đồng cho một giờ dạy online trực tiếp một thầy với một trò mà cũng rất ít người học", thầy Kevin cho biết thêm hiện mình chỉ được có hai lớp này, không đủ chi phí cơ bản nhất của cuộc sống, trong khi khoản thu nhập ổn định gần 10 triệu mỗi tháng từ trung tâm ngoại ngữ đã đứt hoàn toàn.
So với thầy Kevin Vinh, hoàn cảnh gia sư tiếng Anh Nguyễn Hoàng Phúc còn khó khăn hơn vì vợ chồng anh phải thuê nhà và vừa sinh con nhỏ. Mọi chi phí cuộc sống thầy Phúc đang một mình gánh trên vai.
"Dạy tiếng Anh hơn 10 năm, tôi kèm các em đều đậu tín chỉ rất cao nên tự tin chỉ chuyên đi dạy tại gia. Mình không bị áp lực tuân thủ quy định của trường, dễ linh động giờ giấc mà thu nhập cũng ổn. Không ngờ dịch bệnh bất ngờ bùng phát, chín mối dạy tại gia của tôi xin tạm nghỉ tám, chỉ còn một em duy trì học online".
Tâm sự vẫn đượm nỗi lo nhưng thầy Phúc cũng cho biết đang hi vọng sẽ "tươi sáng hơn một chút". Vài phụ huynh đã liên lạc lại với thầy: "Tụi nhỏ nghỉ học mãi cũng không ổn, nếu cứ dịch bệnh không học trực tiếp được chắc sẽ cho học online". Và thầy Phúc đang chờ đợi...
Làm quen dạy từ xa
Những ngày này, nhiều giáo viên tiểu học và cấp II, III cũng đăng tin: Nhận gia sư online mùa dịch. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Liên, giáo viên tiểu học Trường Quốc tế CND ở TP.HCM, đăng thông báo nhận dạy online lớp 3, 4, 5.
Trước dịch bệnh cô Liên chưa từng dạy online: "Khi nhà trường cho học sinh nghỉ học đã khuyến nghị giáo viên có thể sử dụng phần mềm trực tuyến để ôn luyện cho học sinh. Tôi bắt đầu mày mò làm quen với cách dạy mới này", cô Liên cho biết.
"Cái khó nhất là tổ chức lớp để các bạn cùng ngồi lại với nhau vào một khung giờ nhất định. Rồi bài giảng mình phải thiết kế sao cho phù hợp với dạy online, không giống trình bày trên bục giảng và sách vở kiểm tra cặn kẽ ngay được" - cô giáo Liên lý giải.
Có thể dạy qua video call của Facebook hoặc Zalo, nhưng phần mềm tiện dụng, được các thầy cô lựa chọn nhiều là Zoom. Tính năng nổi bật của phần mềm này giúp một thầy có thể dạy được 20-30 trò.
Độ tương tác cao giúp thầy trò có thể trực tiếp trao đổi bài học, được giơ tay phát biểu. Việc zoom xa, gần hình ảnh học trò, thầy giáo, hình ảnh bài giảng giúp buổi học sôi động, lý thú.
Ngoài chương trình nhà trường, cô Liên còn tranh thủ dạy kèm cho một số học sinh có thu phí. Nhiều giáo viên khó khăn vì bị cắt giảm lương đợt dịch này cũng học phương pháp gia sư online để kiếm thêm thu nhập.
"Cái khó là tìm học sinh vì cả phụ huynh và học sinh chưa quen phương pháp này, sợ không hiệu quả nên không học. Những ngày đầu phải cho học thử nghiệm, dần dần các em làm quen, học hiệu quả thì mình đề xuất với phụ huynh thu phí", cô giáo Phạm Bích Hồng, nhận dạy học sinh lớp 5 trên group, chia sẻ.
Cô Hồng tính phí lớp học đông thì thu 15.000 đồng/em; nhóm vài học sinh thu 50.000 đồng, còn một kèm một thì 100.000 đồng.
Thầy Trần Phương Duy, giáo viên cấp III trường dân lập NS ở Hà Nội, cho biết: "Ngoài dạy online cho học sinh trường, tôi còn trung tâm ôn luyện thi đại học, nhưng dịch thế này thầy trò không thể đến lớp, nhờ sử dụng phần mềm dạy trực tuyến nên vẫn duy trì được việc ôn luyện".
Có cả một nhóm riêng được tạo ra trên group để các thầy cô trao đổi nhau cách dạy online qua phần mềm zoom.
"Để việc dạy qua zoom hiệu quả, tôi lập nhóm để thầy cô cùng chia sẻ điểm mạnh, điểm yếu của phần mềm này, sao cho việc dạy và học có hiệu quả" - thầy Khôi Minh, nhóm Giáo viên sáng tạo công cụ dạy học online, cho biết.
Thầy Lê Minh Phấn bận rộn với web dạy trực tuyến cả tháng nay - Ảnh: TÂM LÊ
Thầy Lê Minh Phấn bận rộn với web dạy trực tuyến cả tháng nay - Ảnh: TÂM LÊ
Có thể sẽ thay đổi cách học sau này
"Đây có lẽ sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục mà mọi trường lớp, mọi cấp học đều chú ý đến việc dạy và học online", thầy Lê Minh Phấn, giáo viên môn hóa học, chủ tịch một công ty truyền thông giáo dục trực tuyến tại Hà Nội, cho biết.
Thời điểm dịch bùng phát trở lại, công ty thầy Phấn chủ trương miễn phí truy cập học trực tuyến trên web công ty hai tháng cho học sinh toàn quốc. Và xem như một "chương trình đồng hành cùng Chính phủ chống dịch COVID-19-19" mà thầy Phấn cùng tập thể công ty phát động.
Điều thầy giáo Phấn không thể ngờ được là sau một tuần phát động, các cuộc gọi vào đường dây nóng của bà con khắp vùng miền lên tới đỉnh điểm làm nghẽn đường truyền. Tập thể nhân viên công ty làm việc đến gần nửa đêm, riêng thầy Phấn trực tiếp trả lời điện thoại đến 2 giờ sáng.
"Đa phần phụ huynh gọi chúng tôi để nhờ hướng dẫn cách truy cập, dù đã in trên giấy thông báo từng bước một cẩn thận, rõ ràng. Nhưng bà con vẫn nói làm theo rồi mà không thể vào được bài học. Có phụ huynh ở quê Thanh Hóa gọi giọng hối hả: Thầy ơi, vào gu-lờ (google) là vào đâu, gờ-meo (gmail) là cái gì?
Rồi khi tôi giải thích, chỉ các bước, bảo bấm vào trang chủ của web, phụ huynh lại hỏi web là cái gì, trang chủ là gì... Tôi đành lấy ví dụ thực tế: chị cứ tưởng tượng cái mặt tiền của ngôi nhà thì trang chủ là mặt tiền của web, chị bấm vào dòng chữ ABC.vn (địa chỉ web) là hiện ra trang chủ ngay.
Một lát sau phụ huynh ấy gọi điện lại giọng hớn hở: thầy ơi, tôi đã tìm ra cái... mặt tiền rồi", thầy Phấn cười tâm sự.
Rồi thầy vào trang web học, bấm vào phần đăng ký, chỉ cho tôi thấy các phần họ tên, email, số điện thoại, mật khẩu, xác nhận mật khẩu... Thầy đều cho nhân viên thiết kế web mở ngoặc thêm dòng chữ giải thích ngắn gọn để phụ huynh và học sinh dễ hiểu, chẳng hạn: email (cần ghi ra giấy để nhớ), mật khẩu (cần ghi ra giấy để nhớ), xác nhận mật khẩu (giống trên).
"Đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời làm web học trực tuyến, tôi thấy phụ huynh ở các miền quê tiếp cận web học online nhiều đến thế. Với học sinh thành phố thì tôi không bàn về việc học online nữa.
Nhưng học sinh và phụ huynh ở các vùng quê, giờ đây chỉ cần một chiếc điện thoại không quá đắt tiền, có kết nối 3G, 4G đã có thể ôn luyện chuyên sâu những bài học mà chúng tôi đã dày công thiết kế trên web", thầy Phấn cho biết thêm sẽ điều chỉnh web cho phụ huynh, học sinh có thể truy cập học một cách dễ dàng.
MẠNH DŨNG - TÂM LÊ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.