Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đánh vào tâm lý một bộ phận người tiêu dùng thích hàng hiệu giá rẻ nên các đối tượng đưa hàng giả, hàng nhái vào thị trường, nhất là các kênh mua bán trực tuyến. Theo đó, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Thói quen tiêu dùng tiếp tay cho hàng giả

Hiện nay, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái xuất hiện từ thành thị đến nông thôn, từ kênh bán hàng truyền thống đến nền tảng online với phương thức thủ đoạn ngày một tinh vi. Hàng giả, hàng nhái tập trung chủ yếu ở nhóm hàng thời trang, mỹ phẩm, đồng hồ, phụ tùng xe máy và các mặt hàng tiêu dùng.

gian-nan-cuoc-chien-chong-hang-gia-hang-nhai-bg-1169.jpg
Hàng giả mạo nhãn hiệu chủ yếu ở nhóm hàng thời trang, mỹ phẩm, đồng hồ, phụ tùng xe máy, các mặt hàng tiêu dùng. Ảnh: T.N

Dạo quanh một vài shop giày dép trên các tuyến đường Thi Sách, Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku) hay các quầy hàng ở chợ, chúng ta dễ dàng nhận thấy các mặt hàng thời trang giả mạo những thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước được bày bán với giá chỉ khoảng 70-200 ngàn đồng/món.

Bà H-một người bán giày dép ở Trung tâm Thương mại Pleiku-cho biết: “Tôi có mối cung cấp hàng nên mẫu nào mới ra là họ gửi ảnh để chọn và nhập về bán. Đối với những loại hàng này, người bán chỉ ăn chênh lệch 10-30 ngàn đồng/đôi”.

Thời gian gần đây, hàng giả, hàng nhái còn “nở rộ” trên các nền tảng bán hàng online. Chị Trần Thị Nhung (tổ 4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cho hay: “Cách đây mấy ngày, tôi có đặt mua 1 chai nước hoa, loại chiết mini 10 ml, nhãn hiệu Narciso trên sàn Shopee.

Tuy nhiên, khi khui ra, tôi phát hiện ngay có mùi hương khác lạ so với chai nước hoa cùng nhãn hiệu đã sử dụng. Nghi ngờ là hàng giả nên tôi thử đổ nước hoa xuống nền nhà đốt thì thấy phát cháy.

Sau đó, tôi nhắn tin liên lạc với shop nhưng chỉ nhận được tin nhắn tự động là shop sẽ phản hồi thông tin trong thời gian sớm nhất. Vì chai nước hoa chỉ có giá 139 ngàn đồng nên tôi không trả lại, coi đó là bài học kinh nghiệm cho bản thân”.

Hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng chỉ cần thấy mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý là chọn mua mà chưa thực sự quan tâm đó là hàng thật hay hàng giả. Thậm chí, nhiều người biết sản phẩm bị giả mạo nhưng vẫn mua.

Thói quen mua hàng dễ dãi này của người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.

Kiểm soát kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử

Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai cho 53 cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký bản cam kết trong đấu tranh phòng-chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh-cho biết: “Việc triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát đã góp phần hạn chế các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu. Tuy nhiên, hành vi vi phạm này lại phát triển mạnh trên nền tảng thương mại điện tử với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook, TikTok để livestream bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và giả mạo nhãn hiệu. Một bộ phận người dân có tâm lý thích dùng hàng hiệu giá rẻ nên các kênh bán hàng giả trên nền tảng mạng xã hội ngày càng “nở rộ”. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và uy tín của các nhà sản xuất kinh doanh chân chính”.

3hang-tui-xach-gia-mao-nhan-hieu-chanel-bi-luc-luong-chuc-nang-thu-giu-va-tieu-huy-tai-cho-anh-dvcc-8676.jpg
Hàng túi xách giả mạo nhãn hiệu Chanel bị lực lượng chức năng thu giữ và tiêu hủy tại chỗ (ảnh đơn vị cung cấp)

Trong 9 tháng năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 64 vụ vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp và xử phạt tổng cộng 654 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu thuộc nhóm hàng thời trang như: quần áo, giày dép, mắt kính, túi xách…

Bên cạnh đó, đơn vị cũng phát hiện 42 vụ vi phạm liên quan đến thương mại điện tử, xử phạt tổng cộng 786 triệu đồng, trong đó có nhiều vụ kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu trên môi trường internet.

Theo ông Hà, những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa sẽ tăng cao. Đây cũng là thời điểm các đối tượng đưa hàng giả, hàng nhái ra thị trường nhiều hơn.

Hiện tổ công tác về thương mại điện tử đang tiếp tục thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để chuyển cho các đội trực thuộc tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trong trường hợp cần thiết hoặc các vụ việc mang tính chất phức tạp, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các biện pháp để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, đơn vị đã thu thập các mẫu hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu để làm cơ sở cho việc tuyên truyền nhận diện, giúp người tiêu dùng phòng tránh, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống hàng giả.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thành-Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương): Thương mại điện tử góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, cũng như tạo cơ hội phát triển thị trường cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không ít đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thực trạng này đang đặt ra không ít thách thức trong công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Vì vậy, bên cạnh việc triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho người bán, cũng như tuyên truyền cho người tiêu dùng để từng bước thay đổi thói quen mua sắm.

Có thể bạn quan tâm

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công 4 hội chợ, phiên chợ và hội thi giới thiệu nông sản an toàn. Đây là dịp để các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và người dân kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Một trong những nguyên nhân khiến lộ lọt thông tin từ camera an ninh của nhiều gia đình, mà Thanh Niên phản ánh trên số báo hôm nay, chính là mua phải hàng trôi nổi trên thị trường, trong đó số lượng không nhỏ đến từ các sàn thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ tại VN.

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ngoài hoạt động văn hóa-thể thao đặc sắc, sự kiện này còn là dịp để quảng bá các mặt hàng truyền thống của địa phương.