Gian lận thi cử Hòa Bình: Truy tố bị can nhận 300 triệu nâng điểm thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong số các bị can tham gia sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh tại Hòa Bình, riêng bị can Đỗ Mạnh Tuấn bị truy tố tội nhận hối lộ vì được “cám ơn” 300 triệu đồng.
 
Ba bị can trong vụ sửa điểm thi THPT quốc gia ở Hòa Bình, từ trái sang: Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Khắc Tuấn, Đỗ Mạnh Tuấn - Ảnh: CQĐT
Ngày 23-10, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án gian lận thi cử xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình.
Nguồn tin xác nhận, quá trình điều tra truy tố đã làm rõ hành vi nhận tiền của bị can để sửa chữa bài thi nâng điểm. Trong 3 địa phương xảy ra gian lận thi cử là Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang thì chỉ có vụ án tại Hòa Bình do Bộ Công an điều tra và đây cũng là vụ án làm rõ hành vi nhận hối lộ sớm nhất.
VKSND tối cao truy tố 15 bị can gồm: Nguyễn Quang Vinh - nguyên trưởng phòng khảo thí Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình; Đỗ Mạnh Tuấn - nguyên phó hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy; Diệp Thị Hồng Liên - nguyên phó trưởng phòng phòng khảo thí; Nguyễn Khắc Tuấn - chuyên viên phòng khảo thí; Khương Ngọc Chất - nguyên trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình; cùng các bị can là trưởng phòng giáo dục huyện, giáo viên, hiệu trưởng một số trường học trên địa bàn.
Các bị can bị đề nghị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Ngoài ra, bị can Đỗ Mạnh Tuấn còn bị đề nghị truy tố về tội "nhận hối lộ", bị can Hồ Chúc - giáo viên Trường THPT Thanh Hà - bị đề nghị truy tố tội "đưa hối lộ".
Cáo trạng xác định, trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bị can Nguyễn Quang Vinh được giao nhiệm vụ ủy viên ban chỉ đạo kỳ thi, trưởng ban thư ký hội đồng thi. Bị can Vinh đã đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn can thiệp, nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho một số thí sinh.
Ông Đỗ Mạnh Tuấn đồng ý và đã nói với Nguyễn Khắc Tuấn biết việc này. Hai bị can này đều nằm trong tổ chấm thi trắc nghiệm do Vinh làm tổ trưởng.
 
Cơ quan an ninh điều tra khám xét nơi ở của bị can Đỗ Mạnh Tuấn - Ảnh: TTO
Các bị can Nguyễn Quang Vinh và Đỗ Mạnh Tuấn thống nhất sửa trực tiếp bài thi của thí sinh trước khi quét file ảnh gửi về Bộ GD-ĐT. Vinh có trách nhiệm chuẩn bị chìa khóa phòng chứa, chấm bài thi trắc nghiệm, bố trí niêm phong cửa phòng chấm thi để bóc được dễ dàng, khó bị phát hiện.
Bị can Đỗ Mạnh Tuấn là người trực tiếp sửa bài thi các thí sinh theo danh sách "đặt hàng".
Vào các buổi tối từ 30-6 đến 3-7-2018, Đỗ Mạnh Tuấn cùng Nguyễn Khắc Tuấn bóc niêm phong, sử dụng chìa khóa do Nguyễn Quang Vinh cung cấp mở khóa vào phòng để thực hiện việc nâng điểm bài thi cho thí sinh. Các bị can đã tẩy xóa đáp án sai và điền đáp án đúng theo công bố của Bộ GD-ĐT.
Thậm chí với những bài thi đã sửa mà chưa đạt yêu cầu, các bị can còn tiếp tục sửa, dùng máy tính quét lại bài thi, ghi đè lên file ảnh đã quét, đổi ngày, giờ trên hệ thống máy tính và gửi kết quả chấm thi về Bộ GD-ĐT.
Kết quả điều tra xác định: 65 thí sinh được can thiệp nâng điểm bài thi. Các thí sinh này đã sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT. Trong đó có 62 thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Đối với môn tự luận, bị can Vinh đã chuyển danh sách, thông tin số thí cần nâng điểm cho Diệp Thị Hồng Liên - phó trưởng phòng khảo thí, tổ trưởng tổ thư ký ban chỉ đạo kỳ thi. Bị can Liên đã chuyển thông tin cho một số giáo viên trong các tổ để can thiệp, chấm nâng điểm bài thi.
Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT xác định 22 bài thi môn ngữ văn được nâng điểm từ 1,25 đến 4,5 điểm.
Cáo trạng còn xác định, đủ căn cứ truy tố bị can Đỗ Mạnh Tuấn tội nhận hối lộ và bị can Hồ Chúc tội đưa hối lộ.
Cụ thể, trước kỳ thi bị can Hồ Chúc đã gặp Đỗ Mạnh Tuấn để nhờ sửa bài thi nâng điểm cho người quen.
Hồ Chúc đã trao đổi, đặt vấn đề nhờ Đỗ Mạnh Tuấn nâng điểm thi cho 2 thí sinh Đỗ Trung G. và Nguyễn Hà Hải Đ. và được đồng ý. Sau khi có kết quả thi, Đỗ Mạnh Tuấn được Hồ Chúc chuyển "cảm ơn" 300 triệu đồng.
Thân Hoàng (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.