Giảm số ca mắc Covid-19 nhưng không chủ quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày 12 đến 14-11, tỉnh ta ghi nhận 88 ca mắc Covid-19 (trong đó có 6 ca test nhanh khi đến khám tại các cơ sở khám-chữa bệnh ở TP. Pleiku), nâng tổng số ca bệnh trong đợt 4 lên 2.399 trường hợp. Trong 72 giờ qua, TP. Pleiku và xã Ia Sao (huyện Ia Grai) tiếp tục ghi nhận nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2.
Số mắc giảm nhưng vẫn ghi nhận ca cộng đồng
Từ ngày 25-10 đến sáng 14-11, TP. Pleiku ghi nhận gần 400 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó liên tục ghi nhận các trường hợp dương tính trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Một số làng đồng bào dân tộc thiểu số có số ca dương tính trong cộng đồng cao như: Pleiku Roh (phường Yên Đổ), làng Ốp (phường Hoa Lư), làng Kép (phường Đống Đa). Riêng trong 3 ngày qua, số ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố giảm nhiều so với những ngày trước nhưng vẫn ghi nhận 6 ca mắc trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng cho biết: Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng-chống dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguồn bệnh trong cộng đồng vẫn chưa được kiểm soát. Thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ 5K, không chủ quan, lơ là trong phòng-chống dịch. Song song đó là triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly tại nhà, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng-chống dịch. Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân nhằm đạt mục tiêu phủ vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng. “Hiện thành phố xác định cấp độ dịch ở mức 2 (mức nguy cơ trung bình). Tại 22 xã, phường thì có phường Hoa Lư, Ia Kring, Đống Đa và xã Trà Bá ở mức 3 và phường Yên Đổ mức 4 (mức nguy cơ rất cao). Qua xác định, chúng tôi triển khai các biện pháp phòng-chống phù hợp với từng cấp độ dịch”-ông Hưng thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại cuộc họp trực tuyến đến 17 huyện, thị xã, thành phố và 190 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai phòng-chống dịch chiều. Ảnh: Như Nguyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại cuộc họp trực tuyến triển khai công tác phòng-chống dịch vào chiều 13-11. Ảnh: Như Nguyện
Từ ngày 8 đến sáng 14-11, huyện Ia Grai phát hiện 36 ca dương tính tại 6/12 thôn, làng thuộc xã Ia Sao. Ca mắc đầu tiên là một học sinh Trường THCS Tôn Đức Thắng có tiếp xúc với nhiều người dân trên địa bàn. Đến sáng 14-11, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cũng ghi nhận có học sinh dương tính với SARS-CoV-2. Chủ tịch UBND xã Ia Sao Nguyễn Tiến Dũng thông tin: Xã đã phong tỏa tạm thời làng Nang để triển khai các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định, đồng thời chỉ đạo các trường tạm dừng dạy học trực tiếp từ ngày 8-11. Hầu hết F1 là học sinh, thực hiện cách ly tại nhà nên công tác quản lý khó khăn, nhất là tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, ổn định tư tưởng và phối hợp phòng-chống dịch, đồng thời đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực phong tỏa.
Cấp bách phòng-chống dịch gắn với phát triển kinh tế-xã hội
Tại cuộc họp trực tuyến triển khai công tác phòng-chống dịch vào chiều 13-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 của tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung nhiệm vụ phòng-chống dịch, nhất là 2 tuần đến, không được chủ quan, lơ là. Các địa phương nghiên cứu, quán triệt, triển khai kịp thời Chỉ thị 13/CT-UBND ngày 5-11-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về tiếp tục triển khai cấp bách công tác phòng-chống dịch gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Y tế đã có Công văn 9472/BYT-MT hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Vì vậy, ngành Y tế khẩn trương hướng dẫn lại việc cách ly xét nghiệm đối với công dân về từ vùng nguy cơ cao (vùng cam) thay vì chỉ giám sát người về từ vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) theo quy định trước đó. Theo đó, người về từ vùng 3 thì lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời có phương án cách ly phù hợp. Quan điểm chống dịch trước đây là “Zero Covid” nghĩa là không có ca mắc nhưng hiện nay chuyển sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128. Các địa phương đã có sự linh hoạt, thích ứng, chủ động đánh giá tình hình dịch trên địa bàn, áp dụng các biện pháp hành chính trong công tác phòng-chống dịch cũng như phong tỏa, khoanh vùng. Trong điều kiện hiện nay, tỉnh chủ trương test nhanh tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng để sớm sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đối với vùng đỏ thì làm xét nghiệm phương pháp RT-PCR; vùng cam, vàng thì test nhanh, nếu có ca bệnh thì tiếp tục xét nghiệm bằng RT-PCR.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch lưu ý các địa phương khẩn trương rà soát danh sách để trình UBND tỉnh xem xét đảm bảo kịp thời chế độ chính sách cho người tham gia phòng-chống dịch. Chủ động kinh phí mua sắm khẩu trang y tế, phương tiện phòng hộ, dung dịch, hóa chất khử khuẩn phục vụ cho công tác phòng-chống dịch tại địa phương mình. Trong trường hợp cần thiết thì báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh điều phối, cho ý kiến.  
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành Y tế và các địa phương khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Ban Chỉ đạo cấp huyện chủ trì, ngành Y tế tham mưu và tổ chức tiêm cộng đồng đến tuyến xã, không tiêm tập trung; đảm bảo triển khai tiêm chủng một cách sớm nhất, phủ vắc xin nhanh nhất đến người dân để tạo miễn dịch cộng đồng. Tỉnh đã lên phương án 5.000 ca mắc Covid-19 và tình huống cao trong phòng-chống dịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị Ban Chỉ đạo cấp huyện nghiên cứu, rà soát phân tầng điều trị và lên phương án đáp ứng theo từng tình huống, đồng thời khẩn trương rà soát các tổ y tế cộng đồng để sẵn sàng cho tình huống phức tạp, phương án điều trị F0 tại nhà.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.