Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La có vô can?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi bị triệu tập, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, khai chuyển thông tin cá nhân 8 thí sinh để nhờ phó giám đốc sở này xem giúp điểm thi nhưng sau đó phủ nhận.
Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh đề nghị truy tố 8 người trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại địa phương này.
Nhận tiền tỉ để sửa điểm
Cả 8 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015, gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng); Đặng Hữu Thủy (cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu); Lò Văn Huynh (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí); Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá của Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Sơn La); Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ).
Ông Hoàng Tiến Đức (bìa phải), Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, chứng kiến cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam ông Lò Văn Huynh. (Ảnh công an cung cấp)
Ông Hoàng Tiến Đức (bìa phải), Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, chứng kiến cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam ông Lò Văn Huynh. (Ảnh công an cung cấp)
Theo kết luận điều tra, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh đều là thành viên hội đồng thi, biết rõ việc nhận sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh là vi phạm pháp luật nhưng vì vụ lợi và động cơ cá nhân khác, khi được người thân các thí sinh hứa hẹn, cảm ơn bằng tiền đã nhận sửa bài thi nâng điểm cho các thí sinh. Các đối tượng nêu trên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, cấu kết sửa điểm cho 44 thí sinh.
Cụ thể, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga sửa bài thi, nâng điểm cho 16 thí sinh, câu kết với các bị can khác sửa bài thi trắc nghiệm cho 44 thí sinh; câu kết với các bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Lò Văn Huynh rút khóa phách để tác động nâng điểm cho 11 thí sinh; sử dụng phần mềm xóa dữ liệu bài thi gốc trong thùng rác máy tính để che giấu hành vi sai phạm. Quá trình điều tra, bị can Nga khai đã thỏa thuận nhận 1,04 tỉ đồng từ trung gian sửa điểm cho 4 thí sinh.
Bị can Trần Văn Thủy khai sửa bài thi nâng điểm cho 4 thí sinh và nhận của mỗi trường hợp 150 - 200 triệu đồng.
Giám đốc sở thay đổi lời khai
Bị can Cầm Thị Bun Sọn nhận sửa bài nâng điểm cho 1 thí sinh, câu kết với các bị can tìm rút, sửa bài thi nâng điểm cho 44 thí sinh, nhờ tác động nâng điểm cho 1 thí sinh. Bun Sọn khai có thỏa thuận, thống nhất giúp nâng điểm cho thí sinh Dương Hoàng Trung với giá 440 triệu đồng.
Bị can Lò Văn Huynh nhận sửa bài thi cho 7 thí sinh và câu kết với các bị can rút sửa bài thi nâng điểm cho 44 thí sinh. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lò Văn Huynh đã câu kết với một số bị can cung cấp khóa phách, nâng điểm môn ngữ văn cho 11 thí sinh. Bị can cũng khai sau khi nhận lời giúp nâng điểm cho thí sinh Lù Mạnh Hùng đã được trả 300 triệu đồng. Ngoài ra, Hùng còn thỏa thuận với người trung gian nâng điểm cho một số thí sinh khác với mức giá 700 triệu đồng cho mỗi trường hợp và đã được người trung gian đưa 1 tỉ đồng…
Cũng theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Sơn La, ông Trần Xuân Yến đã nâng điểm thi cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp và người quen nhờ vả. Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh này có 8 trường hợp do chính ông Hoàng Tiến Đức "gửi gắm".
Cơ quan ANĐT triệu tập ông Hoàng Tiến Đức để xác minh thông tin nêu trên, ông đã thừa nhận trước khi chấm thi, có một số lãnh đạo cơ quan trên địa bàn tỉnh và một số người ngoài xã hội có con, em dự thi tìm gặp ông đưa thông tin cá nhân nhờ "xem trước kết quả thi". Ngày 28-6-2018, ông Đức gọi ông Trần Xuân Yến đến phòng làm việc và đưa cho ông Yến 2 tờ danh sách có nội dung thông tin cá nhân của 8 thí sinh và nhờ ông Yến xem điểm trước.
Về động cơ, mục đích, ông Hoàng Tiến Đức khai chỉ nhận và chuyển thông tin cá nhân 8 thí sinh chứ không hưởng lợi về vật chất. Tuy nhiên, ông Đức thừa nhận theo quy chế thi, chỉ có Bộ GD-ĐT mới có thẩm quyền công bố điểm cho các thí sinh. Do vậy, việc ông Đức cung cấp thông tin cá nhân của 8 thí sinh cho ông Yến trước khi bộ công bố là vi phạm quy chế thi. Tuy nhiên, khi bị triệu tập những lần tiếp theo, ông Đức thay đổi lời khai, phủ nhận nội dung đã khai, cho rằng không nhận hay đưa thông tin thí sinh cho ông Trần Xuân Yến. 
Để xảy ra sai phạm vẫn làm trưởng ban chỉ đạo kỳ thi 2019
Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại tỉnh Sơn La, tỉnh Sơn La đã quyết định thành lập ban chỉ đạo kỳ thi và hội đồng thi. Theo đó, trong ban chỉ đạo kỳ thi có 45 người, gồm 1 trưởng ban, 1 phó trưởng ban thường trực. Đáng chú ý, trưởng ban chỉ đạo thi năm 2019 của tỉnh Sơn La vẫn là ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Thủy từng làm trưởng ban chỉ đạo thi trong kỳ thi năm 2018 xảy ra bê bối gian lận thi cử ở tỉnh này.
Theo Nguyễn Hưởng/Nguoilaodong

Có thể bạn quan tâm