Học sinh ở Gia Lai đang thiếu sách giáo khoa. Ở Lạng Sơn, cũng thiếu. Ở ngay Thủ đô, có tiền cũng chưa chắc mua được. Dù Bộ Giáo dục-Đào tạo đã chỉ đạo, nhưng sách giáo khoa trước thềm năm học mới vẫn thiếu như thể vướng... lời nguyền vậy.
Thủ tướng kiểm tra tình hình chuẩn bị năm học mới, đề nghị triển khai việc cho học sinh mượn sách giáo khoa. Ảnh: VGP |
Cái thiếu ở Gia Lai là cái thiếu rất khó coi. Thiếu ngay từ sách lớp 1. Thiếu, có khi chỉ vài chục bộ sách.
Nếu quy tiền, chắc chả đáng là bao. Nhưng với một địa phương có tới 46% đồng bào thiểu số, đó thật sự là gánh nặng, nhất là đối với không ít những gia đình đang chạy ăn phập phù bữa đói/bữa no.
Địa phương - thật buồn- đang tính đến phương án “xin kinh phí” hoặc “kêu gọi nguồn xã hội hoá” để giúp học sinh có sách vở học tập.
Ở các thành phố lớn, cái thiếu mang một bộ mặt khác: Có tiền cũng không dễ mua.
Có vị hiệu trưởng tâm sự rằng dù trường đã “đặt sách” cho học sinh từ hè, nhưng “lúc đầu các đơn vị phát hành hứa, sau lại bảo là không có sách và phải đi gom ở các tỉnh khác về...”. Giải pháp của trường là “chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thông tin đến cha mẹ học sinh nếu có chỗ nào mua được những đầu sách mà lớp con dùng thì chủ động”. Và “dự kiến sẽ sử dụng bản mềm sách giáo khoa điện tử để trình chiếu hoặc photo tạm phát cho học sinh…”.
Còn phụ huynh, đến ngày tựu trường vẫn chạy đôn chạy đáo để mua đủ sách cho con, nhất là sách giáo khoa lớp 10... khi cả việc mua trực tuyến, cả các nhà sách đều đang ở vào tình trạng “cháy hàng”, “hết hàng”.
Học sinh không có sách, có khác gì người lính ra trận mà thiếu vũ khí đâu.
Tại sao mỗi năm chúng ta mất hàng ngàn tỉ cho sách giáo khoa mà cứ đến đầu năm học thì lại thiếu?!
Vấn đề thực ra đã được trả lời: Là vì sự phí phạm của việc “sách giáo khoa dùng một lần”. Mua xong, học xong được một năm là ném sọt rác, là bán sắt vụn.
Trong chuyến thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại một trường học ở Yên Lập, Phú Thọ, một trong những điểm thị sát của Thủ tướng Phạm Minh Chính chính là thư viện trường. Và Thủ tướng lưu ý tới việc: “Có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Bên cạnh việc giáo dục tinh thần tiết kiệm, trân trọng đồ dùng học tập, sách vở, Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu, triển khai việc cho học sinh mượn sách giáo khoa… Tuyệt đối “không để em học sinh nào đến trường mà không có sách giáo khoa”.
Có lẽ, để thật sự đảm bảo việc học sinh có sách khi đến trường, để có thể “cho mượn”, thì phải bắt đầu bằng việc “giải lời nguyền sách giáo khoa dùng một lần”. “Giải” một văn bản quy định chứ không chỉ bằng lời nói sẽ nghiên cứu, sẽ thay đổi.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/giai-loi-nguyen-sach-giao-khoa-1088980.ldo
Theo Anh Đào (LĐO)