Giá thịt heo tăng vọt: Người chăn nuôi dè dặt tái đàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày gần đây, giá thịt heo trên thị trường bất ngờ tăng vọt. Dù vậy, nhiều hộ chăn nuôi vẫn khá dè dặt trong việc tái đàn bởi giá heo giống đang rất cao, trong khi không ai chắc chắn giá heo hơi sau vài tháng nữa còn duy trì như hiện tại. Bên cạnh đó, “bóng ma” dịch tả heo châu Phi tái phát vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều hộ chăn nuôi. 
Thịt heo tăng 30-40 ngàn đồng/kg
Theo ghi nhận của chúng tôi tại các chợ, quầy kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Pleiku, những ngày gần đây, giá thịt heo đã tăng thêm 30-40 ngàn đồng/kg so với trước. Cụ thể, giá các loại thịt ba chỉ, đùi, nạc đã tăng từ 85 ngàn đồng lên 120 ngàn đồng/kg; sườn non tăng từ 110 ngàn đồng lên 130-140 ngàn đồng/kg; chân giò, xương tăng từ 80 ngàn đồng lên 100-110 ngàn đồng/kg… Chị Lâm Thị Mỹ Hạnh-tiểu thương bán thực phẩm tại 195 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku-chia sẻ: “Giá thịt heo móc hàm liên tục tăng trong 1 tháng qua. Ban đầu, thịt heo chỉ tăng 5 ngàn đồng/kg, sau tăng 10 ngàn đồng/kg và cách đây vài ngày tiếp tục tăng 20 ngàn đồng/kg. Do đó, giá heo bán lẻ ra thị trường luôn ở mức 120-140 ngàn đồng/kg. Giá thịt heo tăng nên lượng bán ra mỗi ngày cũng giảm đáng kể vì nhiều người chuyển sang dùng các loại thực phẩm khác như: thịt bò, thịt gà, cá”.
Còn chị Nguyễn Thị Hà-tiểu thương ở chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) thì cho hay: Thời điểm dịch tả heo châu Phi bùng phát, thịt heo bán rất chậm. Giờ hết dịch nhưng giá thịt heo lại tăng quá cao khiến người mua e dè. Bình thường trước đây, mỗi ngày chị Hà bán hơn 1 tạ thịt nhưng nay chỉ khoảng 70 kg. Trong khi đó, lượng heo từ các lò mổ cũng hạn chế, có hôm đặt hàng nhưng chỉ được giao số lượng ít. “Trong vòng chưa đầy 1 tháng, các lò mổ đã báo giá heo móc hàm tăng đến 35 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới giờ đối với thịt heo. Theo nhận định, do nguồn cung hạn chế bởi một lượng lớn heo bị dịch tả châu Phi phải tiêu hủy thời gian qua nên từ nay đến cuối năm giá thịt heo có thể sẽ tiếp tục tăng”-chị Hà nói.
 Heo con giống tại Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh. Ảnh: N.D
Heo con giống tại Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh. Ảnh: N.D
Giá thịt heo tăng đã tác động trực tiếp đến các mặt hàng chế biến từ loại thực phẩm này. Cụ thể, giá chả lụa đã tăng từ 120 ngàn đồng lên 140 ngàn đồng/kg, chả giò từ 140 ngàn đồng lên 160 ngàn đồng/kg, thịt heo hun khói từ 220 ngàn đồng lên 250 ngàn đồng/kg… Chị Huỳnh Thị Kim Liên-một tiểu thương ở Trung tâm Thương mại Pleiku-cho biết: “Giá nguyên liệu đầu vào quá cao đã đẩy giá bán lẻ các loại chả tăng lên rất mạnh, mỗi ký tăng thêm 10-30 ngàn đồng tùy loại. Những ngày qua, hàng bán rất chậm do khách cứ đến hỏi giá thấy đắt nên không mua”.
Khi giá thịt heo “leo thang” thì giá dịch vụ ăn uống cũng tăng theo. Anh Huỳnh Chí Dũng (hẻm 96 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) cho biết: “Cũng quán đó, một tô bún giò trước đây chỉ 25 ngàn đồng, nay tăng lên 30 ngàn đồng. Hay có những quán vẫn giữ nguyên giá cũ nhưng nhìn tô thấy ít đi một chút. Còn bánh mì thịt thì tăng từ 10 ngàn đồng lên 15 ngàn đồng/ổ. Nhìn chung, giá cả có nhiều biến động từ khi thịt heo tăng giá”.
Người chăn nuôi thận trọng tái đàn
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: “Để đảm bảo tái đàn ổn định, ngành chức năng đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không nuôi thả rông mà phải nuôi nhốt, đảm bảo chuồng trại hợp vệ sinh. Đồng thời, thực hiện tái đàn ở các hộ đủ điều kiện nuôi nhốt, sử dụng con giống an toàn dịch bệnh, tiêm phòng, tiêu độc khử trùng thường xuyên, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Bên cạnh đó, các địa phương triển khai Tháng tiêu độc khử trùng diệt mầm bệnh. Các địa phương bố trí nguồn vốn từ Chương trình 135, dự án phát triển chăn nuôi nông hộ để cấp giống, vật tư cho người dân phát triển chăn nuôi. Các xã đã công bố hết dịch hướng dẫn người dân thực hiện tái đàn có định hướng và phát triển chăn nuôi gia cầm, bò, dê…”.

Bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại tỉnh ta cách đây hơn 6 tháng, sau đó lây lan rất nhanh trên diện rộng. Theo thời gian, dịch đã dần được khống chế, hiện chỉ còn xảy ra ở 733 hộ tại 101 thôn, làng của 28 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố. Các địa phương đã hỗ trợ kinh phí cho người nuôi heo bị thiệt hại để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, nỗi lo về nguy cơ tái phát dịch vẫn còn, giá heo con giống lại đang tăng cao (loại 10 kg/con giá 1,6-1,7 triệu đồng/con; loại từ 11 kg/con trở lên tính theo giá heo hơi) nên nhiều hộ vẫn ngại đầu tư tái đàn vì sợ rủi ro.
Có thâm niên chăn nuôi heo gần chục năm nay, ông Trịnh Xuân Thành (làng Bot, xã Hnol, huyện Đak Đoa) cho biết: “Trong 2 năm (2016-2017), giá heo thịt trên thị trường giảm nên tôi phải “treo chuồng” vì càng nuôi càng lỗ. Đến cuối năm 2018, tôi mới bắt đầu nuôi lại 200 con heo. Vừa rồi, gia đình tôi xuất bán được khoảng 10 tấn heo thịt với giá 65 ngàn đồng/kg, bù đắp phần nào những đợt giá bán thấp trước đó”. Cũng theo ông Thành, gia đình ông vừa đầu tư trên 200 triệu đồng mua 150 heo con giống về nuôi. Tuy nhiên, ông đang khá lo ngại về giá đầu ra bởi heo từ lúc nuôi đến lúc xuất chuồng mất khoảng 4 tháng. Nếu giá heo hơi đạt mức 45 ngàn đồng/kg thì người chăn nuôi hòa vốn, trên mức này mới hy vọng có lãi.
Còn ông Nguyễn Văn Hưng (tổ 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thì cho hay: Gia đình ông chăn nuôi heo từ 18 năm nay. Trong đợt dịch vừa rồi, trang trại heo của gia đình ông bị thiệt hại nặng nề. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ kịp thời, ông mới trả được nợ tiền cám, còn một ít chuẩn bị đầu tư tái đàn. Tuy nhiên, ông cũng chưa dám nuôi nhiều mà chỉ thử nghiệm vài con heo rừng lai, đồng thời tập trung vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại. “Chăn nuôi bây giờ khó nói trước được điều gì, song vì gắn bó với nghề chăn nuôi và chuồng trại đầu tư xây dựng bài bản nên buộc phải tiếp tục làm”-ông Hưng nói.
Tại Chư Pưh, địa phương đầu tiên xuất hiện dịch tả heo châu Phi ở tỉnh ta, ông Nguyễn Công Trình-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: “Mặc dù dịch tả heo châu Phi trên địa bàn đã ổn định song huyện khuyến cáo người dân khi nào đảm bảo các điều kiện mới tái đàn. Đồng thời, huyện khuyến cáo người dân chọn mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh và không thả rông để đề phòng nguy cơ bị dịch. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ người dân tái đàn rất thấp”. Nỗi e ngại khi tái đàn cũng đang xảy ra với các hộ chăn nuôi ở huyện Ia Pa. Ông Lê Văn Nguyên-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa-thông tin: “Hiện nay, 8/9 xã trên địa bàn huyện đã công bố hết dịch. Tuy nhiên, người dân vẫn còn dè dặt tái đàn, phần do lo sợ dịch bệnh tái phát, phần do giá heo con giống tăng cao”.
Để đáp ứng nhu cầu thịt heo đang tăng cao, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành kế hoạch tái sản xuất chăn nuôi sau dịch tả heo châu Phi. Trong đó, Sở chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp tập trung sản xuất nguồn heo giống chất lượng, đáp ứng nhu cầu tái đàn, đồng thời phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội trong năm 2020. Nguồn cung ứng heo con giống được xác định chủ yếu tại Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh và một số công ty. Ông Cao Nguyên Khanh-Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh-cho biết: “Trung bình mỗi tháng, Trung tâm xuất bán khoảng 300-400 con heo giống 10-15 kg cho người chăn nuôi tái đàn. Con số này thấp hơn nhiều so những tháng chưa xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, Trung tâm đang tập trung sản xuất heo con giống và tinh dịch giống heo ngoại chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu tái đàn của người dân trong tỉnh”. 
VŨ THẢO-NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Yamaha Grande cập nhật nhiều màu sắc mới cho phiên bản 2025

Yamaha Grande cập nhật nhiều màu sắc mới cho phiên bản 2025

(GLO)- Yamaha Grande 2025 đã chính thức trở lại với loạt màu sắc mới cực kỳ ấn tượng. Đặc biệt, phiên bản giới hạn hứa hẹn sẽ làm hài lòng những tín đồ thời trang, mang đến một làn gió tươi mới cho thị trường xe tay ga. Giá bán lẻ đề xuất của phiên bản giới hạn là trên 51,6 triệu đồng.