Gia Lai tranh thủ các nguồn nước tưới cho cây cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 97.357 ha cà phê. Để đảm bảo cây phát triển tốt và cho năng suất ổn định, ngay trong dịp Tết Nguyên đán, bà con nông dân tập trung tưới nước đợt 1, cắt tỉa cành khô và tạo tán cà phê.

Theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, trước Tết Tân Sửu 2021, người trồng cà phê trên địa bàn huyện đã tưới đợt 1 được hơn 80% diện tích. Sau Tết, người dân tiếp tục tưới cho những diện tích còn lại. Năm nay, các hồ đập đảm bảo nước tưới cho đợt 2 và đợt 3.

“Chúng tôi khuyến cáo chính quyền các địa phương tăng cường quản lý nguồn nước để đảm bảo nước tưới cho cây trồng, tránh tình trạng đồng loạt tưới một lúc dẫn đến thiếu nước cục bộ; điều tiết nước tưới hợp lý giữa cây ngắn ngày và cây dài ngày, đồng thời áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm”-ông Thắm cho biết.

 Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) tưới nước đợt 1 cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam
Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) tưới nước đợt 1 cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam

Ông Trần Trung Thành-Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên: Khoảng tháng 3-2021, một số nơi thuộc khu vực phía Tây và phần giữa tỉnh có mưa rào cục bộ, lượng mưa phổ biến 30-50 mm. Đến tháng 4, lượng mưa có xu hướng tăng hơn, phổ biến 60-120 mm và đến tháng 5 mưa đều trên toàn tỉnh, lượng mưa phổ biến 150-250 mm. Tháng 6 lượng mưa phổ biến 250-350 mm và khu vực phía Đông 150-200 mm cao hơn so với trung bình nhiều năm.
 

Anh Nguyễn Bá Hoạch Tài (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho hay: “Gần 3 ha cà phê của gia đình tôi đã tưới nước đợt 1 trước Tết Nguyên đán. Nhờ tưới nước đúng thời điểm nên vườn cây nở hoa rất đều”.

Theo anh Tài, việc tưới đúng thời điểm sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng vườn cây. Hiện gia đình anh Tài đang áp dụng tưới cà phê bằng béc phun mưa vừa giúp tiết kiệm nước, vừa giảm công lao động. Béc tưới này tự quay tưới nước cho một vùng, sau 8 tiếng đồng hồ thì chuyển đi tưới cho vùng khác.  

Lắp béc tưới nước cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam
Lắp béc tưới nước cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam

Trong khi đó, anh Phạm Văn Tuân (thôn 2, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) thì chia sẻ: Do thu hoạch muộn, hoa chưa phân hóa nên anh dự định qua Tết mới tưới nước đợt 1 cho 1,5 ha cà phê của gia đình. Tuy nhiên, ngày 29 tháng Chạp trên địa bàn có mưa xuân kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ khiến cho toàn bộ diện tích cà phê của gia đình nở hoa. Do đó, mùng 2 Tết, anh buộc phải “tưới đuổi” nhằm bổ sung nước cho cây nở hoa, thụ phấn.

“Sau khi thu hoạch, mình phải tiến hành cắt tỉa cành khô, tạo tán và tưới nước. Việc tưới nước đợt 1 rất quan trọng bởi ở giai đoạn này mà thiếu nước thì cây cà phê sẽ không thể ra hoa đều hoặc những mầm hoa có thể khô lại và năng suất sẽ giảm”-anh Tuân nói.


Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Trước Tết, người dân trên địa bàn huyện mới chỉ tưới đợt 1 cho 10% diện tích cà phê. Nguyên nhân là do độ ẩm còn cao và một phần do người dân thu hoạch muộn nên cây chưa phân hóa mầm hoa, chưa đủ điều kiện để tưới nước. Đối với cây cà phê, tưới nước phải đúng thời điểm bởi tưới muộn quá cây bị suy kiệt, rụng lá, khô cành. Ngược lại, nếu tưới sớm quá khi chưa phân hóa mầm hoa đầy đủ sẽ làm cho cây nở hoa không tập trung gây trở ngại cho việc thu hoạch.

“Thời điểm áp Tết, trên địa bàn có xuất hiện mưa nhưng lượng mưa không đủ để cho cây bung hoa hết. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người dân cần tranh thủ tưới giúp cho cây đủ nước để hoa nở đều và thụ phấn tốt”-ông Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.