Phát triển chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao
Theo ông Thái Văn Dũng-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có 204 dự án chăn nuôi với quy mô trên 100.000 con bò, hơn 4 triệu con heo, gần 60.000 con gia cầm. Tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gần 35.000 tỷ đồng. Trong đó, 62 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, 142 dự án đang xin chủ trương. Hiện 25 dự án đã đi vào hoạt động với số lượng trên 49.000 con bò và hơn 200.000 con heo.
Một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với quy mô lớn như: Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi bò Trung Nguyên, Công ty cổ phần Chăn nuôi bò thịt, bò sữa Cao Nguyên, Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai, Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai, Công ty TNHH Chăn nuôi Bách Mộc Phát, Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm… Các doanh nghiệp đều ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu chọn giống, thức ăn, quy trình nuôi dưỡng, xử lý chất thải...
Trang trại nuôi bò của Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn |
Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 2 cơ sở chăn nuôi tại huyện Kông Chro và Kbang với quy mô trên 4.000 con bò thịt, chủ yếu được nhập khẩu từ Úc và một số ít ở trong nước.
Ông Huỳnh Ngọc Thanh-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: “Gia Lai có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, khí hậu thuận lợi là cơ hội để phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, Gia Lai gần với cảng biển Quy Nhơn nên rất thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang thị trường các nước”.
Ngoài ra, Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai do Tập đoàn Hoàng Gia De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư tại huyện Chư Pưh được áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng, tối ưu hóa hiệu suất, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Vũ Mạnh Hùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn-cho biết: Gia Lai có diện tích đồng cỏ rộng lớn, khí hậu ôn hòa rất phù hợp để phát triển chăn nuôi quy mô lớn. DHN Gia Lai không chỉ góp phần tạo nên mô hình chăn nuôi hiện đại mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động địa phương, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.
Thu hút nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt
Toàn tỉnh có hơn 845.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao thuộc nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực trong nước. Đây là lợi thế thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng chủ lực gắn với các nhà máy, cơ sở chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Dây chuyền sơ chế chuối tiêu hồng của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. Ảnh: Quang Tấn |
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 50 dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt với quy mô hơn 8.500 ha, tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, 29 dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, 5 dự án đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư, 4 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư, được nhà đầu tư quan tâm và 12 dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư. Một số dự án đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả cao như: Dự án trồng cây dược liệu kết hợp trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đak Đoa, Dự án Nhà máy chế biến trái cây Quicornac tại TP. Pleiku, Dự án Trung tâm giống cây trồng chất lượng cao tại huyện Chư Pưh…
Vừa qua, Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ đã xây dựng Trung tâm sản xuất giống cây trồng chất lượng cao, chủ lực là giống chanh dây với quy mô 30.000 m2 nhà màng tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh. Trung tâm có khả năng cung ứng ra thị trường 11 triệu cây giống chanh dây mỗi năm. Dự kiến đến cuối năm 2023, Trung tâm sẽ nâng công suất lên 20 triệu cây giống chanh dây/năm.
Ông Lê Văn Tuyến-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ-cho hay: Trung tâm ứng dụng công nghệ sản xuất theo hướng nông nghiệp hiện đại được chuyển giao từ Đài Loan. “Khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên diện tích chanh dây ở Gia Lai ngày càng được mở rộng. Cùng với đó, các nhà máy thu mua chanh dây lớn như: Quicornac, Đồng Giao, Nafoods… cũng đã xuất hiện ở Gia Lai là nền tảng để loại cây này phát triển lâu dài và bền vững”-ông Tuyến khẳng định.
Vườn ươm giống chanh dây của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ. Ảnh: Quang Tấn |
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Việc các doanh nghiệp đầu tư nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao vị thế sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trên thị trường quốc tế. “Thời gian tới, tỉnh tiếp tục định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp dựa theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 9-12-2021 của UBND tỉnh.
Cụ thể, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, rau, hoa và cây dược liệu… theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt gắn với truy xuất nguồn gốc; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng thị trường và phục vụ du lịch”-ông Có thông tin.
Tập trung chế biến sâu, bao tiêu sản phẩm
Những năm gần đây, Gia Lai cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm rau quả, dược liệu. Nhờ đó, mạng lưới kinh doanh và tiêu thụ rau, hoa quả, dược liệu của tỉnh khá đa dạng và phong phú. Ngoài cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, sản phẩm rau, hoa quả, dược liệu còn được thương lái thu mua cung cấp cho các chợ đầu mối và cơ sở chế biến tại một số tỉnh, thành trong nước.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm chủ lực như chuối, dứa, chanh dây, khoai lang Nhật… đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Điển hình như sản phẩm LOPANG BANANA của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai lần đầu tiên được bán và phân phối qua 81 đại siêu thị ở Hàn Quốc; sản phẩm chanh dây Gia Lai là lô hàng Việt đầu tiên xuất sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; sản phẩm chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn xuất sang các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Qatar, Israel...
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trong những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng đã có những tín hiệu khởi sắc. Cùng với đó, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, những khó khăn về logistics, vận chuyển được tháo gỡ, giá cước ngày càng giảm đã tạo nhiều thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản của tỉnh.
Thu hoạch chuối tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn |
Tuy nhiên, cùng với cơ hội từ thị trường thì hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ nông sản được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trên bất kỳ thị trường nào, nông sản Việt cũng phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thương hiệu. Do vậy, điều cần làm ngay là tập trung sản xuất, nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Một trong những yêu cầu bắt buộc là truy xuất nguồn gốc.
Ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Để nông sản Gia Lai có chỗ đứng và phát triển thị phần, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường thì điều kiện tiên quyết là phải đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng; liên kết hình thành vùng trồng, đảm bảo mã số vùng trồng đủ lớn và sản phẩm cung cấp ổn định cho thị trường cả về chất lượng, sản lượng.
Nhờ liên kết với DOVECO Gia Lai trồng chanh dây, đời sống của nhiều hộ dân ngày càng ổn định. Ảnh: Quang Tấn |
Cũng theo ông Khải, thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng khắt khe về truy xuất nguồn gốc cũng như tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với Sở Công thương đẩy mạnh việc cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ nông sản; cảnh báo thị trường, rào cản kỹ thuật, kiến thức về hội nhập… để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển, thâm nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
“Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các kênh phân phối từ sản xuất đến tiêu dùng trong nước và xuất khẩu theo chuỗi bền vững, ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc phù hợp yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Qua đó, dần xóa bỏ tình trạng “được mùa, mất giá”, chủ động thị trường và giá bán nông sản, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho các tác nhân tham gia chuỗi sản xuất”-ông Khải thông tin.