Gia Lai: Thu hút đầu tư chăn nuôi theo hướng tập trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn 9 huyện có mật độ chăn nuôi vẫn còn ngưỡng cho phép. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các địa phương xác định khu vực phù hợp phát triển các dự án chăn nuôi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư theo quy hoạch.

Sở hữu đồng cỏ rộng tới 18.000 ha, Gia Lai được nhiều nhà đầu tư thuộc lĩnh vực chăn nuôi quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: Chiến lược phát triển của Gia Lai là từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi liên kết, hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 190 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao được các nhà đầu tư đăng ký với tổng vốn trên 29.000 tỷ đồng, trong đó có 44 dự án được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, tiêu biểu như: THAGRICO, De Heus Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai, Diên Hồng Gia Lai, Ricky Farms 79...

 Dự án chăn nuôi bò của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy
Dự án chăn nuôi bò của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) tại huyện Đức Cơ. Ảnh: Hà Duy


Thời gian qua, một số huyện trong tỉnh đã được nhiều nhà đầu tư chọn làm nơi đặt trang trại chăn nuôi công nghệ cao như: Phú Thiện, Ia Pa, Chư Pưh, Chư Prông, Mang Yang. Đáng chú ý là trang trại chăn nuôi bò của THAGRICO tại huyện Chư Prông với quy mô 22.000 con bò giống và gần 8.000 con bò thịt được nuôi trên diện tích hơn 1.900 ha; trang trại bò sữa Nutimilk tại huyện Mang Yang có quy mô hơn 10.000 con gắn với nhà máy chế biến có công suất 500 triệu lít sữa/năm của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NuitiFood; trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Ricky Farms 79 của Công ty cổ phần Tập đoàn Ricky Farms đang nuôi 32.000 con heo thịt/năm tại huyện Phú Thiện. Mới đây, Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan và Tập đoàn Hùng Nhơn cũng đã khởi công Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai tại huyện Chư Pưh với khu trang trại chăn nuôi 2.500 con heo giống…

Ông Koen De Heus-đồng Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan-cho hay: Dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai là kết quả của quá trình nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng. Sở dĩ Chư Pưh được chọn đặt dự án là vì diện tích đất đai đảm bảo, thời tiết phù hợp và lực lượng lao động tại chỗ dồi dào.

Để một dự án chăn nuôi công nghệ cao được triển khai phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: vị trí xây dựng phải phù hợp với chiến lược kinh tế-xã hội của địa phương, của vùng; nguồn nước phải đảm bảo chất lượng, có những biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định; đáp ứng đầy đủ trang-thiết bị phù hợp với từng loại vật nuôi. Đặc biệt, phải đáp ứng điều kiện về mật độ chăn nuôi theo quy định của pháp luật. Theo khảo sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Chư Pưh, Đak Pơ, TP. Pleiku và thị xã An Khê có số lượng đơn vị vật nuôi của các dự án đầu tư đăng ký thực tế đã vượt mật độ cho phép theo Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa có mật độ chăn nuôi đã gần hết ngưỡng cho phép. Hiện huyện Krông Pa dự kiến còn khoảng 4.800 đơn vị nuôi, tương đương khoảng 12.000 con heo thịt, 2.000 con heo nái, 2.000 con bò thịt. Còn thị xã Ayun Pa dự kiến còn khoảng 3.200 đơn vị nuôi, tương đương khoảng 4.000 con heo thịt, 2.000 con heo nái, 2.000 con bò thịt.  

 2 Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của Công ty cổ phần nông nghiệp Navifarm tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) có quy mô 14,75 ha. Ảnh: Minh Nguyễn
Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của Công ty cổ phần Nông nghiệp Navifarm tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) có quy mô 14,75 ha. Ảnh: Minh Nguyễn


Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-thông tin: “Toàn tỉnh hiện còn 9 huyện có mật độ chăn nuôi vẫn còn ngưỡng cho phép là Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Kông Chro, Kbang, Chư Sê và Đak Đoa. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND các huyện căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều kiện về môi trường, điều kiện chăn nuôi và tình hình thực tế của địa phương để xác định các khu vực phù hợp phát triển các dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu thông tin và đảm bảo đúng quy định tại Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND. Tránh tình trạng các dự án tập trung triển khai tại một số địa bàn, ảnh hưởng đến môi trường”.


Theo Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh, một số địa phương có dư địa lớn về lĩnh vực chăn nuôi như: Chư Prông dự kiến mật độ chăn nuôi còn khoảng 100.000 con heo thịt, 10.000 con heo nái, 16.000 con bò thịt; Mang Yang 195.000 con heo thịt, 44.000 con heo nái, 3.000 con bò thịt; Đak Đoa 115.000 con heo thịt, 17.000 con heo nái, 2.000 con bò thịt; Chư Sê 110.000 con heo thịt, 10.000 con heo nái, 4.000 con bò thịt; Kông Chro 90.000 con heo thịt, 10.000 con heo nái, 5.000 con bò thịt.

HÀ DUY

 

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.