Gia Lai: Thu bạc tỷ từ cây ăn quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Gần 20 năm trước, khi người dân vùng biên giới Ia Grai (Gia Lai) chỉ nghĩ đến cây cà phê, cao su thì ông Nguyễn Văn Thiên (thôn 2, xã Ia Krai) đã dành một phần diện tích đất để trồng sầu riêng, chôm chôm. Nhờ hướng đi khác biệt này, ông đã thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Năm 1986, ông Nguyễn Văn Thiên rời vùng quê Tân Phong (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) vào Tây Nguyên lập nghiệp. Hơn 5 năm gắn bó với Nông trường Cà phê 715 đã cho ông những kinh nghiệm cần thiết để làm chủ loại cây trồng này.
 Ông Nguyễn Văn Thiên kiểm tra vườn chôm chôm sắp cho thu hoạch. Ảnh: H.L
Ông Nguyễn Văn Thiên kiểm tra vườn chôm chôm sắp cho thu hoạch. Ảnh: Hải Lê
Sau khi lập gia đình (1992), ông bắt đầu tìm mô hình phát triển kinh tế. Ban đầu, vợ chồng ông khai hoang được 8 sào đất để trồng trọt với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Đến năm 1996, ông gom góp mua và khai hoang được 7 ha đất sản xuất. “Thời gian đầu, tôi đầu tư trồng cà phê. Trong một chuyến tham quan tại Đồng Nai, thấy người dân ở đây trồng sầu riêng, chôm chôm rất tốt nên tôi muốn trồng thử. Đặc thù cây cà phê cần có bóng mát nên tôi nghĩ có thể trồng xen cây ăn quả”-ông Thiên kể lại.
Những năm đầu tiên, vợ chồng ông Thiên phải xoay xở rất khó khăn. Áp lực đầu tư ban đầu lớn, từ cây giống, phân bón, nhân công… trong khi các loại cây này phải mất một thời gian dài mới cho thu hoạch. “Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng tôi cố gắng làm, khi quá tải mới thuê mướn nhân công. Tất cả tiền bạc đều đầu tư vào vườn rẫy. May mắn là khi ấy chúng tôi tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai để có chi phí đầu tư”-ông Thiên tâm sự.
Đến năm 2000, vườn cà phê cho thu hoạch. Từ năm 2005 trở đi, kinh tế gia đình ông bắt đầu cải thiện khi cây trồng đi vào giai đoạn cho năng suất cao. “Riêng năm 2017, tôi thu được 32 tấn cà phê nhân, bán được 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 600 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn thu được 1,5 tấn hạt điều, 5 tấn chôm chôm, hồ tiêu… Và đặc biệt, vườn sầu riêng đã đem lại cho tôi nguồn thu 800 triệu đồng từ việc bán 20 tấn quả, trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 600 triệu đồng”-ông Thiên cho biết. Tính chung thu nhập trong năm 2017, gia đình ông Thiên thu về hơn 2,1 tỷ đồng. Đây là mức thu nhập đáng mơ ước của rất nhiều người, đặc biệt với nhà nông trong giai đoạn liên tục phải đối mặt với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như hiện nay.
Để mở rộng sản xuất, ông Thiên quyết định đến các tỉnh: Đak Lak, Đak Nông, Đồng Nai, Bình Phước và một số tỉnh miền Tây Nam bộ để học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Sau đó, ông quyết định đưa thêm cây quýt đường (giống từ Vũng Tàu), na dai (giống Thái Lan) và một số giống sầu riêng mới về trồng với diện tích mở rộng thêm là 1 ha. Đến nay, cây quýt đường đã cho thu bói với sản lượng đạt 1,5 tấn, giá bán sỉ là 25 ngàn đồng/kg.
Đến thăm vườn cà phê, cây ăn quả của gia đình ông Thiên, rất nhiều người trầm trồ bởi chúng được chăm sóc rất bài bản, kỹ lưỡng. Mặc dù đang là mùa mưa nhưng tất cả cây trồng đều được tỉa tán gọn gàng. “Đây là cách để vườn cây được thông thoáng, tránh sâu bệnh”-ông Thiên chia sẻ. Để hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học, ông Thiên còn mày mò học cách ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê, phân bò và men sinh học. Theo ông Thiên, bằng cách tạo ra loại phân vi sinh này, ông đã tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư, cải tạo đất cho vườn cây và tránh thoái hóa đất.
Từ thành công của mình, ông sẵn lòng chia sẻ với anh em, bà con xung quanh về kinh nghiệm canh tác các loại cây trồng. Ông cũng luôn là người đi đầu trong các hoạt động chung của địa phương. “Khi xã có chủ trương kêu gọi xã hội hóa để làm đường giao thông nông thôn, ông Thiên luôn sẵn lòng đóng góp kinh phí. Ông còn đứng ra kêu gọi 11 hộ dân xung quanh cùng chung tay góp sức xây dựng trạm biến áp, kéo đường dây điện dài 1.500 m để người dân có điện sản xuất với tổng trị giá công trình trên 510 triệu đồng. Ông Thiên đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2014-2016”-ông Rơ Châm Thon-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Krai-nhận xét.
Hải Lê

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.