Mục đích của kế hoạch nhằm quán triệt đầy đủ, sâu sắc các nội dung của Chỉ thị số 11-CT/TU; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06/CP) đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và Nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án 06/CP; hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp và công tác cải cách hành chính gắn với Chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các tổ chức và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại Đề án 06/CP. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt, nhất quán, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở.
Lực lượng chức năng phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Nguyễn Sang |
Tại kế hoạch, UBND tỉnh đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; quán triệt trong cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và đến từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06/CP, các nhiệm vụ và giải pháp được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu trong Chỉ thị số 11-CT/TU.
Cùng với đó, rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là về quy trình, quy định để thực hiện chuyển đổi phương thức hoạt động quản lý nhà nước từ thủ công truyền thống sang môi trường số; tăng cường triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; đẩy mạnh thực hiện công tác số hóa, lưu trữ tài liệu; tái cấu trúc quy trình điện tử; nghiên cứu, rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là về quy trình, quy định để thực hiện chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công truyền thống sang môi trường số; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Đồng thời, rà soát, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06/CP, đảm bảo dữ liệu dân cư và các dữ liệu khác phải được bổ sung, cập nhật theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống” kết nối với nhau đồng bộ, thống nhất, góp phần hình thành kho dữ liệu của tỉnh; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương; rà soát sắp xếp đội ngũ cán bộ khi chuyển đổi từ các nhiệm vụ thủ công sang thực hiện quy trình điện tử, đảm bảo cải cách hành chính, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực….
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, triển khai nghiêm túc các nội dung Chỉ thị số 11-CT/TU phù hợp với đặc điểm tình hình, cơ quan, đơn vị, địa phương; căn cứ nội dung Kế hoạch này, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm hoàn thành tốt Chỉ thị số 11-CT/TU và yêu cầu, nhiệm vụ được giao; báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh) trước ngày 25-8-2023.