Gia Lai: Phản hồi về việc dừng hoạt động một số dịch vụ không thiết yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 24-6, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai có Công văn số 122/CV-BCĐ trả lời kiến nghị đối với việc dừng hoạt động một số dịch vụ không thiết yếu.
Công văn nêu rõ, thời gian vừa qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai (Ban Chỉ đạo tỉnh) nhận được một số đơn thư, ý kiến của đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, quán bar, vũ trường trên địa bàn tỉnh cho rằng không có sự công bằng trong việc tạm dừng hoạt động đối với các loại hình dịch vụ trên, trong khi một số cơ sở kinh doanh như quán nhậu, quán cà phê vẫn được phép hoạt động.
Theo Ban Chỉ đạo tỉnh, việc cho tạm dừng hoạt động một số dịch vụ: karaoke, massage, quán bar, vũ trường trên địa bàn tỉnh để phòng-chống dịch Covid-19 sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, thu nhập của các doanh nghiệp và đời sống người lao động. Do đó, trước khi quyết định vấn đề này, UBND tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã phân tích tình hình, đánh giá, cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Thứ nhất, hiện nay tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đang phức tạp, khó lường, trong đó Campuchia là nước có đường biên giới với tỉnh Gia Lai chưa kiểm soát được dịch. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp tại một số tỉnh, thành phố; nhiều biến chủng mới của Covid-19 xuất hiện với độc tính cao, lây lan nhanh và hầu hết ca bệnh Covid-19 được Bộ Y tế công bố là các trường hợp lây nhiễm trong nước, phát hiện trong cộng đồng, có trường hợp chưa xác định được F0, có trường hợp F5 trở thành F0. 
Tại Gia Lai, ngày 28-5-2021 ghi nhận ca bệnh Covid-19 (bệnh nhân 6601) tại huyện Kông Chro (bệnh nhân từ Hà Nội vào), UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 28-5-2021 về thực hiện một số biện pháp cấp bách để phòng-chống dịch Covid-19. Trong thời gian này, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, của Ban Chỉ đạo Phòng-chống dịch các cấp, cùng với sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và Nhân dân nên công tác phòng-chống dịch trên địa bàn tỉnh đã dần ổn định và UBND tỉnh đã cho một số dịch vụ được hoạt động kinh doanh trở lại.
Ngày 21-6, tỉnh Gia Lai ghi nhận ca bệnh dương tính Covid-19 (bệnh nhân 13486) tại huyện Chư Sê (bệnh nhân từ Bình Dương về). Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 14/CĐ-UBND ngày 21-6-2021 về thực hiện một biện pháp cấp bách để phòng-chống dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh karaoke, massage, quán bar, vũ trường tại tỉnh Gia Lai tạm dừng hoạt động để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Như Ý
Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh karaoke, massage, quán bar, vũ trường tại tỉnh Gia Lai tạm dừng hoạt động để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Như Ý
Trong thời gian từ 31-5 đến nay, công dân từ các vùng dịch, nhất là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương đến tỉnh Gia Lai rất nhiều bằng các phương tiện khác nhau, đây là những đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm Covid-19, một trong số đó là 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 (hiện bệnh nhân 6601 đã xuất viện còn bệnh nhân 13486 đang điều trị tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Trước tình hình trên, nguy cơ dịch bệnh lây lan vào tỉnh là rất cao nếu lơ là, chủ quan không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch.
Thứ hai, việc cho tạm dừng hoạt động một số dịch vụ chưa thiết yếu căn cứ trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế. Mới đây nhất, theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31-5-2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng-chống dịch Covid-19” thì tỉnh Gia Lai có ca mắc Covid-19 (F0) xác định nguồn lây trong cộng đồng, đã được Bộ Y tế xác nhận và cấp mã bệnh nhân Covid-19. Vì vậy, chiếu theo các yếu tố dịch tễ cơ bản để xác định mức độ nguy cơ theo quy định thì được đánh giá là tỉnh ở “Mức nguy cơ”.
Đối với các tỉnh ở “Mức nguy cơ” phải thực hiện các giải pháp, trong đó có ghi rõ nội dung: “Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dễ bị lây nhiễm như: vũ trường, karaoke, quán bar, mát xa...”; đối với các quán ăn, cà phê, nhà hàng… là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không nằm trong đối tượng tạm dừng hoạt động nên được phép hoạt động nhưng phải cam kết với chính quyền địa phương và đảm bảo an toàn phòng-chống dịch. Nếu không đảm bảo hoặc vi phạm thì UBND cấp huyện, cấp xã sẽ xử lý, đình chỉ hoạt động.
Thứ 3, đánh giá nguy cơ đối với các loại hình dịch vụ đang tạm dừng hoạt động để phòng-chống dịch Covid-19, các cơ sở này hoạt động trong không gian kín, mức độ thông gió và cường độ luồng không khí kém, yếu tố tiếp xúc gần là không thể tránh khỏi và khó thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế nên các cơ sở dịch vụ trên là nơi dễ lây nhiễm. 
Đối với các cơ sở kinh doanh karaoke đa số đều sử dụng phòng cách âm, điều hòa nhiệt độ, thông khí kém và sử dụng chung micro mà không có biện pháp xử lý khử khuẩn là những yếu tố làm tăng khả năng lây nhiễm Covid-19.
Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh rất chia sẻ khó khăn với các hộ kinh doanh dịch vụ này, tuy nhiên trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện các biến chủng mới với khả năng lây lan nhanh và có độc tính cao; bên cạnh đó, công dân từ các địa phương có dịch trở về tỉnh tương đối nhiều khiến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng luôn thường trực. Để đảm bảo an toàn cho người dân, cộng đồng, xã hội và theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19, UBND tỉnh buộc phải đưa ra các biện pháp đáp ứng với tình hình dịch bệnh nên tạm thời chưa cho phép các cơ sở này hoạt động trở lại.
Ban Chỉ đạo tỉnh trả lời để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được biết, chia sẻ, thông cảm, chung tay cùng các cấp, các ngành, Nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn phòng-chống dịch Covid-19.
Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị UBND, Ban Chỉ đạo Phòng-chống dịch các huyện, thị xã, thành phố gửi văn bản này đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh karaoke, massage, quán bar, vũ trường; tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các dịch vụ chưa thiết yếu trên địa bàn hiểu, thông cảm, cùng chia sẻ với tình hình chung của tỉnh để thực hiện có hiệu quả công tác phòng-chống dịch. 
Khi tình hình dịch bệnh ổn định, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo của tỉnh sẽ xem xét sớm cho các dịch vụ hoạt động trở lại.
NHƯ Ý

Có thể bạn quan tâm

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 2 từ phải sang) trao tặng phần quà cho buôn Chư Krih, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa. Ảnh: Yến Thụy

Bình xét danh hiệu văn hóa: Công khai, minh bạch

(GLO)- Trên cơ sở Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11 của UBND tỉnh Gia Lai quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, các địa phương đã triển khai bình xét các danh hiệu nghiêm túc, đảm bảo công khai, minh bạch.

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thị xã Ayun Pa Ảnh N.A

Ayun Pa: Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo

(GLO)- Từ tháng 10-2023 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” cùng cấp đã huy động được hơn 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.