Gia Lai: Nỗi lo nạn bảo kê dưa hấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài nỗi lo mất mùa, rớt giá, người nông dân trồng dưa hấu tại huyện Krông Pa còn lo ngại việc các đối tượng côn đồ đòi bảo kê ruộng dưa vẫn diễn ra hàng năm khiến họ bị tổn thất nặng nề.

Trong khi các huyện Chư Prông, Ia Pa và thị xã Ayun Pa đã kết thúc vụ dưa thì tại huyện Krông Pa vẫn còn hàng trăm ha đang chờ ngày thu hoạch. Nguyên nhân là bởi đợt mưa lớn bất thường vào cuối năm 2016 đã phá hoại hầu hết các ruộng dưa tại khu vực này. Người nông dân phải cay đắng phá bỏ ruộng dưa đang phát triển để trồng lại lứa dưa mới rồi miệt mài chăm sóc với hy vọng có thể vớt vát chút vốn làm ăn. Thế nhưng nỗi lo thường trực của những nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời là việc các đối tượng côn đồ đòi bảo kê ruộng dưa vẫn tồn tại đầy nhức nhối hàng năm.

 

Mỗi vụ thu hoạch dưa người nông dân lại nơm nớp nỗi lo về nạn bảo kê. Ảnh: V.N
Mỗi vụ thu hoạch dưa người nông dân lại nơm nớp nỗi lo về nạn bảo kê. Ảnh: V.N

Ông Võ Văn Tấn (trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đến thuê đất trồng dưa tại buôn Prông, xã Ia Mlah là một trong những hộ có ruộng dưa bị trễ vụ do phải trồng lại. Những ngày đầu tháng 3 này, đáng ra đã được về quê quây quần bên gia đình thì ông vẫn phải ở lại canh ruộng dưa đang vào độ chín. Ông tâm sự: “Dưa năm nay lên cũng đều và đẹp nhưng không biết đến lúc thu còn giữ được giá cao 8-9 ngàn đồng/kg không hay lại rớt thảm hại như năm ngoái xuống còn 2,5 ngàn đồng/kg. Hy vọng ở đây cũng không còn bọn bảo kê như năm ngoái nữa”.

Ông kể, mùa vụ năm 2016, ông thuê đất trồng dưa tại xã Đất Bằng, chỉ cách ruộng dưa hiện tại chừng 7 km. Dưa hắc mỹ nhân rớt giá xuống mức kỷ lục còn 2,5 ngàn đồng/kg khiến ông lỗ vốn gần 100 triệu đồng. Sau khi thương lái cắt lựa dưa “tuyển” để xuất khẩu sang Trung Quốc thì ông vẫn còn hơn 12 tấn dưa loại 2 để bán trong thị trường nội địa. Ông liền liên hệ với một thương lái tại Phú Yên để bán số dưa này với giá gần 7 triệu đồng. “Lúc thương lái vô mua dưa thì có một đám thanh niên chặn xe lại, rồi cầm cổ áo đe dọa không cho vào nên họ sợ quá bỏ đi luôn. Sau rồi chúng vào bắt tôi bán số dưa ấy chỉ với 3,5 triệu đồng. Do còn làm ăn lâu dài và lại ở đất khách quê người nên chúng tôi cũng đâu muốn làm to chuyện, có mất thì cũng mất nhiều rồi nên đành bán dưa cho xong rồi về. Dưa rớt giá đã lỗ chỏng gọng rồi còn gặp lũ đó bắt chẹt nông dân nữa”-ông Tấn bức xúc.

Ruộng dưa của ông Võ Thành Tín (trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) tại xã Phú Cần hiện tại vẫn chưa tới kỳ thu hoạch nhưng ông vẫn lo chuyện cũ sẽ lặp lại. Ông cho biết, năm trước, ông thuê ruộng trồng gần 2 ha dưa cũng tại xã Phú Cần thì có một số đối tượng đến ngủ lại tại chòi rẫy trong nhiều ngày để chờ ngày cắt dưa. Khi thấy người dân thu hoạch dưa thì các đối tượng này liền tới hỏi mua với giá rẻ, sau đó bán lại cho thương lái với giá cao hơn để hưởng tiền chênh lệch. “Tụi nó chỉ cho chúng tôi xuất bán dưa loại 1, còn dưa loại 2 thì tụi nó đòi mua với giá rẻ mạt rồi bán lại cho thương lái với giá cao hơn nhiều. Nếu mình không bán thì tụi nó cản trở, đe dọa không cho xe của thương lái vào vườn, để lâu dưa héo thì chúng tôi mất trắng nên đành phải theo ý chúng thôi”-ông Tín nói. Khi được hỏi tại sao không trình báo Công an lúc sự việc xảy ra, ông Tín cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần trình báo rồi nhưng khi thấy Công an đến là bọn chúng liền bỏ đi khỏi vườn, khi Công an về thì chúng lại tiếp tục đến quấy phá”.

Ông Nguyễn Công Luận (trú tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) thuê đất trồng dưa tại xã Phú Cần cho biết, năm nào ông cũng bị thương lái ép giá bán dưa để bù vào tiền phải “chung chi” 3-5 triệu đồng cho các đối tượng bảo kê để được thoải mái ra vào mua hàng. “Cuối cùng cũng vẫn là nông dân chúng tôi bỏ mồ hôi công sức ra “gánh” số tiền ấy. Nhà nông bây giờ khổ quá, chân lấm tay bùn làm quần quật cả ngày, chỉ mong kiếm đồng tiền về nuôi vợ nuôi con. Thiên tai lũ lụt đã khổ rồi giờ còn phải trích tiền cho bọn bảo kê nữa. Mong là các cấp chính quyền sớm vào cuộc dẹp bỏ nạn bảo kê này để cho chúng tôi yên ổn làm ăn”-ông Luận than thở.

Lê Gia

Trao đổi với P.V, Thượng tá Nguyễn Hồng Tuấn-Phó Trưởng Công an huyện Krông Pa xác nhận: “Các năm trước trên địa bàn huyện cũng xuất hiện hiện tượng này. Đầu mùa vụ năm nay, chúng tôi nhận được tin báo của nông dân ở xã Ia Rsai nói là họ nhận được các cuộc điện thoại của người lạ gọi với nội dung không được bán dưa cho người khác mà phải bán dưa cho chúng. Sau đó, Công an huyện đã triển khai lực lượng trinh sát nắm tình hình và nói với các nông dân khi nào có chuyện gì thì báo cho lực lượng Công an. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có vụ việc nào xảy ra, Công an huyện vẫn cử lực lượng theo dõi sát sao, nếu xuất hiện tình trạng này sẽ lập tức triệt phá, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như an ninh trật tự tại địa phương”.

Có thể bạn quan tâm

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

"Nổ" là nhà báo để lừa đảo 550 triệuđồng

(GLO)- Công an huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đang tạm giữ đối tượng Trương Quang Hưng (SN 1952; thường trú tại phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hiện ở tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.