Gia Lai: Nhiều thách thức trong công tác phòng-chống lao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày Thế giới phòng-chống lao (24-3) năm nay ở nước ta có chủ đề “Việt Nam chiến thắng Covid-Chấm dứt bệnh lao”. Trong đó, mục tiêu đặt ra là huy động hệ thống chính trị và cộng đồng chung tay chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Gánh nặng bệnh lao
Từ ngày con trai bị lao phổi, bà Chu Lệ Sìn (phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tất tả chạy đi chạy lại để vừa chăm sóc cháu nội vừa chăm con trai đang điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Con trai bà Sìn 37 tuổi, là lao động chính trong nhà nhưng gần đây sức khỏe giảm sút, đi khám mới phát hiện ngoài bị tiểu đường còn mắc bệnh lao.
Bà Sìn chia sẻ: “Cứ sốt, ho thì ra quầy thuốc mua thuốc uống. Sau khi ăn Tết xong thì bệnh thêm nặng. Đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm xét nghiệm mới phát hiện mắc bệnh lao và chuyển xuống đây. Gia đình rất khó khăn vì con tôi phải điều trị lâu dài”.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Hàng năm, ngành Y tế tỉnh phát hiện khoảng 650 bệnh nhân lao mới, trong đó có 55% bệnh nhân tìm thấy vi khuẩn lao trong bệnh phẩm và số người mắc lao đang có dấu hiệu trẻ hóa.

Bác sĩ Phạm Thế Cương-Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh-cho biết: Nhiều bệnh nhân lao có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc tuân thủ điều trị cũng gặp khó. Nhất là những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa có thu nhập thấp nên vấn đề dinh dưỡng chưa được chú trọng, dẫn đến thể trạng và sức đề kháng yếu. Muốn điều trị mau khỏi thì ngoài thuốc men, còn lại phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, ăn ngủ của bệnh nhân.

Bệnh lao nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn không để lại di chứng. Một bệnh nhân mắc lao điều trị trong 6 tháng (giảm 2 tháng so với trước đây) gồm: 2 tháng tấn công, 4 tháng điều trị duy trì. Trong đó, 2 tháng tấn công thường phải điều trị nội trú tại bệnh viện và tuân thủ nghiêm chế độ điều trị.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Bá Thanh-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mang Yang: “Nhiều người do bị kỳ thị, ngại thời gian nằm viện kéo dài, lại thêm kinh tế eo hẹp nên xin về nhà. Nhưng khi về nhà lại uống thuốc không đủ liều, không tuân thủ chỉ định khiến kết quả điều trị không đạt, dễ dẫn đến kháng thuốc. Khi đã chuyển sang lao kháng thuốc không chỉ gây khó khăn cho công tác điều trị mà chi phí gia tăng gấp 10 lần”.
Nhiều khó khăn, thách thức
Theo thống kê của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, 5 năm qua, toàn tỉnh phát hiện 650 bệnh nhân lao/năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu năm 2021, số lượng bệnh nhân lao được phát hiện giảm so với thời gian trước đó. Nguyên nhân do dịch bệnh nên nhiều người ngại đến bệnh viện.
Ngoài ra, công tác chủ động khám trong cộng đồng cũng ảnh hưởng nên số bệnh nhân lao phát hiện mới cũng giảm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ phát hiện 155 bệnh nhân lao mới, trong đó có 88 ca tìm thấy vi khuẩn lao trong đờm AFB (+) còn lại 67 ca là AFB (-).
Siêu âm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Siêu âm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Ye Thiên Pẩu-Trưởng phòng Kế hoạch-Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) thông tin: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chúng tôi không cấp thuốc thường xuyên cho bệnh nhân trong 10 ngày mà cấp 1 tháng/lần. Điều đó khiến việc giám sát dùng thuốc đối với bệnh nhân không thường xuyên, không kịp thời nhắc nhở tuân thủ điều trị.

“Việc không tuân thủ điều trị dễ dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc. Trong những năm qua, số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc có chiều hướng gia tăng. Bệnh viện đang quản lý 8 ca lao kháng thuốc”-bác sĩ Pẩu nói.

Một khó khăn khác là kinh phí hạn hẹp nên việc triển khai các hoạt động phòng-chống lao còn hạn chế, trong đó có hoạt động truyền thông. Nhân lực tham gia chương trình phòng-chống lao thiếu và yếu ở tất cả các tuyến.
“Để công tác phòng-chống lao đạt hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp; tăng cường kinh phí cho công tác phòng-chống lao, trong đó có hoạt động truyền thông; chế độ đãi ngộ thích hợp thu hút nhân lực tham gia chương trình phòng-chống lao”-bác sĩ Phạm Thế Cương đề xuất.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Ngày hội hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo người dân huyện Phú Thiện tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện tiếp nhận 554 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 14-11, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Phú Thiện phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Quân y 211 tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 2 năm 2024.

4 lợi ích của rau chân vịt khi ăn vào mùa đông

4 lợi ích của rau chân vịt khi ăn vào mùa đông

Rau chân vịt (còn gọi cải bó xôi, rau bina) được xem là siêu thực phẩm vào mùa đông vì chứa đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể ngăn ngừa các bệnh theo mùa và thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, loại rau này có lượng calo thấp nên rất phù hợp cho chế độ ăn giảm cân.

Gia Lai ghi nhận 2.633 ca mắc sốt xuất huyết

Gia Lai ghi nhận 2.633 ca mắc sốt xuất huyết

(GLO)- Theo Sở Y tế Gia Lai, trong tuần qua, Gia Lai ghi nhận 133 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 11 ca so với tuần trước, nâng tổng số ca mắc SXH trên toàn tỉnh từ đầu năm 2024 đến ngày 6-11 lên 2.633 ca; không có trường hợp tử vong.