Gia Lai nên tầm soát sớm bệnh đái tháo đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Nhiều người chủ quan trong tầm soát và phòng ngừa bệnh, cộng với chế độ dinh dưỡng không hợp lý và lối sống lười vận động dẫn đến gia tăng số bệnh nhân mắc đái tháo đường trong những năm gần đây.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Chờ mẹ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Nguyễn Thị Thương (tổ 13, phường Hội Thương, TP. Pleiku) chia sẻ: “Thời gian gần đây, mẹ tôi tuy ăn uống đầy đủ nhưng vẫn sút cân, mệt mỏi. Cách đây 1 tháng, mẹ bị ngất, gia đình vội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm mới biết mẹ tôi bị đái tháo đường tuýp 2. Gia đình tôi trước nay không có ai bị bệnh đái tháo đường, riêng mẹ tôi bị huyết áp thấp nên cứ nghĩ các triệu chứng trên đều do bệnh này gây ra. Hiện nay, theo chỉ định của bác sĩ, mẹ tôi phải tái khám định kỳ, uống thuốc đều đặn, thực hiện ăn uống, vận động theo chế độ dành cho người bị đái tháo đường”.
May mắn tầm soát và phát hiện sớm tiền đái tháo đường, anh Nguyễn Văn Bốn (thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku) cho biết: “Nửa năm trước, trong một lần khám bệnh định kỳ, bác sĩ thông báo tôi bị tiền đái tháo đường (lượng đường huyết cao hơn bình thường). Nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường tuýp 2. Bác sĩ khuyên tôi tích cực vận động, giảm cân, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý và tái khám định kỳ. Hiện lượng đường huyết của tôi đã giảm so với trước, gần về mức ổn định”.
 Đái tháo đường gây ra biến chứng suy thận. Ảnh: N.N
Đái tháo đường gây ra biến chứng suy thận. Ảnh: N.N
Việc tầm soát phát hiện sớm tiền đái tháo đường giúp người bệnh có hướng điều trị thích hợp. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan, không tầm soát bệnh, chỉ khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế. Bác sĩ Trịnh Quang Thắng (Khoa Khám, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết gây ra do bất thường sự tiết Insulin, bất thường hoạt động Insulin hoặc cả 2. Bệnh tuýp 2 thường tiến triển âm thầm nên giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng. Do đó, xét nghiệm sàng lọc định kỳ sẽ giúp phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời. Tại khoa Khám (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), số bệnh nhân đái tháo đường đến khám hàng ngày khoảng 60-80 người, chiếm 15-20% tổng số bệnh nhân khám nội khoa. Tỷ lệ điều trị nội trú chiếm 10-15% tổng số bệnh nhân điều trị tại khoa Nội. Nhiều trường hợp phát hiện muộn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm; trong đó, biến chứng cấp đái tháo đường gây hôn mê tăng đường huyết, hôn mê hạ đường huyết. Biến chứng mạn đái tháo đường có thể gây mù lòa, suy thận; biến chứng thần kinh ngoại biên gây tê bì, cắt cụt chi, nhiễm trùng; biến chứng mạch máu lớn gây ra tổn thương tắc mạch máu não và mạch tim gây tai biến… “Vì vậy, cần tầm soát để phát hiện sớm bệnh. Khi thấy những biểu hiện như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân thì cần làm xét nghiệm cần thiết để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường”-bác sĩ Trịnh Quang Thắng khuyến cáo. 
Nên tầm soát sớm
Theo bác sĩ Thắng, cần tầm soát sớm nếu gia đình có người bị đái tháo đường (bố, mẹ, anh, chị em ruột) hay có yếu tố nguy cơ như lối sống ít vận động; vòng bụng to (ở nam ≥ 90 cm, ở nữ ≥ 80 cm); tăng huyết áp hay đang điều trị thuốc hạ huyết áp; tiền đái tháo đường; những người rối loạn chuyển hóa Lipid; phụ nữ có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ; phụ nữ bị buồng trứng đa nang; tiền sử sinh con trên 4 kg; tiền sử có bệnh tim mạch do xơ vữa mạch. Những người không có các yếu tố nguy cơ trên cũng nên bắt đầu xét nghiệm phát hiện sớm bệnh đái tháo đường từ 45 tuổi. Nếu các kết quả xét nghiệm bình thường thì nên lặp lại xét nghiệm sau 1-3 năm/lần. Có thể thực hiện xét nghiệm lại sớm hơn nếu có nhiều yếu tố nguy cơ, còn với người tiền đái tháo đường thì nên xét nghiệm kiểm tra hàng năm.
Tại Gia Lai, dự án phòng-chống bệnh đái tháo đường được triển khai từ năm 2010. Đến nay có 91/222 xã, phường, thị trấn đã triển khai dự án. Hàng năm, dự án triển khai khám sàng lọc cho các đối tượng trong độ tuổi 30-69. Bác sĩ Lê Đình Trâm-phụ trách Khoa Kiểm soát Bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) thông tin: Tính từ năm 2010 đến nay, gần 31.000 người được khám sàng lọc, qua đó phát hiện 1.650 người mắc bệnh đái tháo đường (chiếm 5,34%) và tiền đái tháo đường (9%). Tuy nhiên, hiện nay do bảo hiểm y tế chưa có cơ chế chi cho khám sàng lọc phát hiện sớm, tỷ lệ phát hiện sớm qua sàng lọc chủ động chưa nhiều dẫn đến tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường nói riêng, bệnh không lây nhiễm nói chung tiếp cận với các dịch vụ quản lý, điều trị và chăm sóc lâu dài tại cộng đồng còn thấp.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.