Gia Lai nâng tầm sản phẩm nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được kỳ vọng sẽ giúp các sản phẩm đặc sản của địa phương nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, từ đó cải thiện nguồn thu nhập cho người dân nông thôn.
Đa dạng sản phẩm đặc trưng
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Gia Lai, sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mặc dù còn gặp không ít khó khăn song diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày một nâng cao; sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành các mô hình liên kết theo hướng bền vững… Đặc biệt, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, các địa phương đang tập trung lựa chọn, xác định sản phẩm chủ lực để tham gia. Bên cạnh đó, các địa phương cũng triển khai khảo sát thực trạng, lập kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng hoàn thiện công bố chất lượng… nhằm thực hiện chương trình trong những năm tới một cách hiệu quả.
Rau xanh sản xuất theo hướng VietGAP là một trong những nhóm sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Ảnh: N.H
Rau xanh sản xuất theo hướng VietGAP là một trong những nhóm sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Ảnh: N.H
Qua khảo sát mới đây tại các địa phương, toàn tỉnh hiện có 47 chủng loại sản phẩm nông nghiệp có lợi thế trong phát triển kinh tế. Các sản phẩm tập trung thành 6 nhóm chủ lực, gồm: nhóm thực phẩm có 22 sản phẩm; đồ uống 7 sản phẩm; thảo dược 6 sản phẩm; vải và may mặc 1 sản phẩm; đồ lưu niệm, trang trí nội thất 6 sản phẩm; dịch vụ du lịch nông thôn 5 sản phẩm. Trong đó, chỉ một số ít đã đăng ký và công bố tiêu chuẩn chất lượng như đậu khuôn sạch, cà phê bột, rau thủy canh, bò một nắng… Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này cũng chỉ sản xuất quy mô nhỏ, lẻ, thị trường tiêu thụ không ổn định. Do đó, khi chương trình mỗi xã một sản phẩm thực hiện sẽ mở ra cơ hội lớn để các sản phẩm đặc trưng của các địa phương tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Võ Văn Vinh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho hay: Gạo Ba Chăm là một trong những sản phẩm đặc trưng của người dân địa phương từ nhiều năm nay. Để chương trình mỗi xã một sản phẩm phát huy hiệu quả thiết thực trước hết phải từ người dân vì chính họ làm ra sản phẩm. Do đó, thời gian tới, huyện sẽ tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền để người dân ở các xã cũng như các tổ chức có sản phẩm đặc sản thực hiện việc đăng ký. Trên cơ sở này, huyện sẽ phân công các thành viên giúp đỡ xây dựng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên đủ điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giúp người dân hưởng lợi.
Cùng quan điểm này, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Huyện Krông Pa cũng dự kiến chọn thịt bò một nắng để thực hiện chương trình OCOP bởi đây là sản phẩm đặc trưng của địa phương từ nhiều năm nay. Chương trình này trải qua nhiều công đoạn khác nhau nên phải đi từng bước như lựa chọn sản phẩm đặc sản, xây dựng nhãn hiệu riêng, phương án sản xuất kinh doanh, đánh giá xếp hạng sản phẩm… Đồng thời, huyện sẽ lựa chọn những đơn vị uy tín làm đầu mối để xây dựng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn theo quy định, giúp cho người dân nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm.
Cơ hội nâng tầm đặc sản địa phương
Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Đ.T
Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Đ.T
Mỗi xã một sản phẩm là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực. Trong đó, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện, Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo và ban hành các chính sách để thực hiện.
Ông Trần Văn Văn-cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh-khẳng định: “Chương trình mỗi xã một sản phẩm có ý nghĩa lớn trong xây dựng nông thôn mới. Các sản phẩm khi tham gia vào OCOP sẽ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước theo cơ chế chính sách phát triển ngành nghề nông thôn. Ngoài ra, khi sản phẩm được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm của Trung ương, tỉnh, huyện chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại từ cấp quốc gia đến quốc tế. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm phục vụ xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các tổ chức, hộ gia đình khi tham gia OCOP sẽ được hỗ trợ tập huấn, kinh doanh, hình thành các tổ chức sản xuất, như: tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp… nhằm kích thích cộng đồng phát triển và chuẩn hóa sản phẩm chất lượng, đặc biệt là sự tham gia khởi nghiệp của đông đảo người dân nông thôn”.
Nguyễn Hồng
---------------------------
CHUYÊN ĐỀ CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI TỈNH GIA LAI

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.