Gia Lai: Kiên cố hóa kênh mương giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Giai đoạn 2021-2025, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng kế hoạch kiên cố hóa kênh mương nhằm đáp ứng nhu cầu nước tưới, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Ưu tiên nhiều nguồn vốn đầu tư

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Từ năm 2018 đến nay, huyện đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để kiên cố hóa một số tuyến kênh mương với tổng chiều dài 18 km. Trên địa bàn huyện có 46 công trình thủy lợi với năng lực tưới hơn 1.400 ha lúa và 1.900 ha cây công nghiệp, rau màu. Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa là 52,2 km đã giải quyết nước tưới và nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.

“Việc quan tâm đầu tư kiên cố hóa kênh mương thủy lợi đã góp phần phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp. Do vậy, giai đoạn 2021-2025, chúng tôi đăng ký xây dựng 26 hạng mục công trình thủy lợi theo kế hoạch đầu tư công trung hạn tại 9 xã, thị trấn với vốn đầu tư dự kiến khoảng 75 tỷ đồng; đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống kênh mương, nhất là quan tâm đầu tư kiên cố hóa 97,4 km kênh đất còn lại để người dân yên tâm sản xuất”-ông Hợp cho hay.

 Huyện Chư Sê quan tâm sửa chữa và kiên cố hóa hệ thống kênh mương. Ảnh: Minh Nguyễn
Hệ thống kênh mương ở huyện Chư Sê được quan tâm sửa chữa và kiên cố hóa góp phần đắc lực phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Nguyễn


Theo ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện: Thời gian qua, huyện đã ưu tiên các nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, tín dụng ưu đãi và nguồn đóng góp của người dân để đầu tư kiên cố hóa trên 95 km kênh mương nội đồng. Việc này góp phần đáp ứng nhu cầu tưới nước chủ động cho diện tích lúa và các loại cây trồng khác, giúp nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất ổn định.

Đến nay, trên địa bàn có 248 hệ thống kênh nhánh nội đồng với chiều dài trên 180 km trải dài ở 10 xã, thị trấn phục vụ nước tưới cho hơn 6.000 ha lúa nước 2 vụ và hoa màu. Hệ thống kênh mương nội đồng được huyện giao các xã, thị trấn và hợp tác xã quản lý, vận hành đảm bảo nước tưới cho cây trồng.

“Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả tưới cao nhất của công trình thủy lợi Ayun Hạ, trong giai đoạn 2021-2025, huyện dự kiến tiếp tục kiên cố hóa khoảng 38,47 km kênh mương nội đồng với kinh phí khoảng 43 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh, huyện và đóng góp của người dân”-ông Thành thông tin.

Giống như các địa phương khác, từ năm 2011 đến nay, thị xã Ayun Pa đã đầu tư gần 17 tỷ đồng để kiên cố hóa, cứng hóa kênh mương. Hệ thống kênh mương cấp I trên địa bàn các xã có chiều dài hơn 10 km, đáp ứng nhu cầu phục vụ tưới tiêu cho gần 6.400 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hệ thống kênh mương cấp II và cấp III do xã quản lý có tổng chiều dài gần 40 km cũng được cứng hóa hơn 93%, đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu cho gần 11.500/12.770 ha đất sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động nước tưới phục vụ sản xuất.

Tiếp tục kiên cố hóa kênh mương

Ông Bùi Hữu Tuấn-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch thị xã Ayun Pa-thông tin: Thực hiện chương trình kiên cố hóa hạ tầng giao thông và kênh mương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, thị xã Ayun Pa đã cho rà soát, tổng hợp nhu cầu thực tế của các xã, phường. Theo kế hoạch, giai đoạn này sẽ huy động hơn 22 tỷ đồng để triển khai thực hiện, trong đó, địa phương sẽ bố trí kinh phí đối ứng với nguồn vốn đầu tư của tỉnh khoảng 10 tỷ đồng (theo tỷ lệ 50:50), Nhân dân đóng góp từ 10 đến 15% sẽ được tập trung đầu tư hạ tầng giao thông và xây dựng, sửa chữa kênh mương nội đồng hư hỏng, kênh nhánh, kênh dẫn nước vào đồng ruộng.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Sê tiếp tục đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng để người dân yên tâm sản xuất. Ảnh: Minh Nguyễn
Giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Sê tiếp tục đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng để người dân yên tâm sản xuất. Ảnh: Minh Nguyễn


Trao đổi với P.V, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Trên cơ sở nhu cầu và khả năng đối ứng của các địa phương, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ bình quân mỗi năm 100 tỷ đồng và có thể ưu tiên phân bổ vượt mức này để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương, nhưng đảm bảo tổng thể vốn giai đoạn 2021-2025 không vượt quá 500 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hồ Phước Thành, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ kênh mương nội đồng được kiên cố hóa đạt 43%, tăng thêm tối thiểu 5% so với năm 2020. Ngoài việc đầu tư kiên cố hóa kênh mương thì trong giai đoạn tới, tỉnh cũng ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi lớn như: hồ Ea Thul (huyện Ia Pa) tưới 7.700 ha, suối Lơ (huyện Kbang) tưới 1.500 ha, hồ Đak Pờ Tó (huyện Mang Yang) tưới 2.150 ha.

 

 MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.