Gia Lai đảm bảo công tác khám-chữa bệnh và phòng-chống dịch dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm đáp ứng nhiệm vụ khám-chữa bệnh, cấp cứu trong dịp Tết, các bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bố trí quân số ứng trực 24/24 giờ, đảm bảo khám-chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân trong mọi tình huống và sẵn sàng, kịp thời trong công tác phòng-chống dịch.
 

Sẵn sàng khám, cấp cứu bệnh nhân 

Sáng 31-1 (29 Tết), Khoa Hồi sức-Cấp cứu (Bệnh viện Quân y 211) vẫn còn gần 10 bệnh nhân đang điều trị. Đây đều là những bệnh nhân nặng, phải nằm lại điều trị trong dịp Tết. Bác sĩ Lê Quyết Thắng-Trưởng Khoa Hồi sức-Cấp cứu (Bệnh viện Quân y 211) cho biết: Dịp Tết hàng năm, số bệnh nhân vào viện cấp cứu do tai nạn giao thông và một số tai nạn khác có chiều hướng tăng. Vì vậy, các y-bác sĩ, nhân viên y tế luôn thường trực sẵn sàng, đảm bảo khám-chữa bệnh, cấp cứu kịp thời cho người bệnh.

Bác sĩ Lê Quyết Thắng- Trưởng Khoa Hồi sức- Cấp cứu (Bệnh viện Quân y 211) thăm khám cho bệnh nhân nằm điều trị tại khoa. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Lê Quyết Thắng-Trưởng Khoa Hồi sức-Cấp cứu (Bệnh viện Quân y 211) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện


Theo bác sĩ Thắng, năm nay, tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên quân số của Khoa Hồi sức-Cấp cứu phải phân tán một phần phục vụ công tác phòng-chống dịch, còn lại ứng trực khám-chữa bệnh điều trị tại viện. Vì vậy, công việc sẽ rất bận rộn. “Tuy nhiên, chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị về nhân lực, các điều kiện cần thiết như thuốc men, vật tư, hóa chất đảm bảo cấp cứu, thu dung điều trị cho người dân trên địa bàn; sẵn sàng tinh thần đón Tết tại bệnh viện, ứng trực cấp cứu, khám-chữa bệnh mọi thời điểm trong dịp Tết nói riêng và các thời điểm khác nói chung. Mong muốn của các bác sĩ, nhân viên y tế là làm thế nào để bệnh nhân được điều trị một cách tốt nhất, mau chóng mạnh khỏe trở về với gia đình”-bác sĩ Thắng nói.

Chăm sóc chồng nằm điều trị tại Khoa Hồi sức-Cấp cứu, chị Lê Thị Dung (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) chia sẻ: “Chồng tôi bị tai nạn nằm điều trị tại Khoa Hồi sức-Cấp cứu nhiều ngày qua. Những ngày cận Tết, ai cũng bận rộn nhưng các bác sĩ tại đây vẫn làm việc không ngơi nghỉ, chăm sóc bệnh nhân rất tận tình, chu đáo. Tôi rất cảm kích và biết ơn”.

 

Bác sĩ đo SpO2 cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ đo SpO2 cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: Như Nguyện


Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngoài nhiệm vụ khám, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân vào viện, đơn vị còn là nơi tiếp nhận các bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-nhấn mạnh: “Nhằm đảm bảo công tác khám-chữa bệnh, cấp cứu cho bệnh nhân trong dịp Tết, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ về thuốc men, máu, vật tư, hóa chất… cũng như phân công lịch trực 24/24 giờ ở tất cả bộ phận lãnh đạo, hành chính, chuyên môn, bảo vệ. Đến sáng 31-1, bệnh viện còn 232 bệnh nhân nằm điều trị trong dịp Tết. Mỗi bệnh nhân sẽ được tỉnh hỗ trợ 50 ngàn đồng/ngày trong 3 ngày Tết.

Đảm bảo công tác phòng-chống dịch

Ngoài khám-chữa bệnh thông thường, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) còn là nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng của tỉnh. Hiện có 13 bệnh nhân Covid-19 nặng đang nằm điều trị tại đây. “Do đặc thù của phòng-chống dịch nên các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ phải thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt, đón Tết tại bệnh viện, không về nhà. Tết đến là thời điểm mọi người sum vầy bên gia đình nhưng đối với các bác sĩ, nhân viên y tế thì hầu như không có ngày Tết trọn vẹn. Mọi người cũng đã chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng làm việc vì sức khỏe cộng đồng”-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay.

Các bác sĩ, nhân viên y tế sẵn sàng ứng trực cấp cứu 24/24 giờ và đảm bảo công tác phòng-chống dịch dịp Tết. Ảnh: Như Nguyện
Các bác sĩ, nhân viên y tế sẵn sàng ứng trực cấp cứu 24/24 giờ và đảm bảo công tác phòng-chống dịch dịp Tết. Ảnh: Như Nguyện



Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, Phó Trưởng ban phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, chủ động phân công lịch trực đảm bảo thường trực cấp cứu, khám-chữa bệnh cho người dân trước, trong và sau Tết. Công tác phòng-chống dịch cũng được đặt lên hàng đầu. Ngày 27-1, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND về phòng-chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong đó, mục tiêu cụ thể nhằm duy trì công tác phòng-chống dịch Covid-19, giám sát chặt chẽ trong cộng đồng và khu vực cửa khẩu, biên giới. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời một số bệnh truyền nhiễm thường gặp mùa đông-xuân nhằm giảm số mắc và tử vong. Đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vắc xin khác trong tiêm chủng mở rộng và dịch vụ đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình…
 

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.