Gia Lai: Chuyển Cơ quan điều tra vụ mất rừng phòng hộ ở Ayun Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa (BQL) được giao nhiệm vụ chủ rừng, nhưng đã buông lỏng quản lý trong thời gian dài, dẫn đến để mất hơn 551ha rừng. Vụ việc được chuyển sang Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.
 
Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở Ayun Pa bị biến thành đất sản xuất. Ảnh: NP
Theo quyết định của UBND tỉnh về kiểm kê rừng năm 2014, BQL có trách nhiệm quản lý hơn 7.123ha rừng. Từ năm 2015 đến nay, BQL đã để mất 551,5ha rừng so với kết quả kiểm kê trước đó và chỉ lập biên bản vi phạm đối với 124,6ha.
Nguyên nhân là do BQL không thực hiện đúng nhiệm vụ của chủ rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, chuyển nhượng diễn ra nhiều năm nhưng BQL không kịp thời theo dõi, thống kê đối tượng, diện tích rừng bị phá, tình trạng đất lấn chiếm; không báo cáo kịp thời số liệu cho cơ quan quản lý cấp trên về tình hình vi phạm, giải pháp thu hồi đất và xử lý việc lấn chiếm đất rừng theo quy định. 
Hậu quả đã dẫn đến làm mất 551,57ha rừng và hiện không có khả năng khắc phục. 
Bên cạnh đó, từ tháng 4/2012 đến năm 2015, BQL giao khoán bảo vệ rừng cho 13 nhân viên của Ban không đúng đối tượng nhận diện tích hơn 300ha rừng, tổng số tiền thanh toán gần 263 triệu đồng. Đồng thời, thiếu kiểm tra, nghiệm thu nên đã thanh toán tiền khoán bảo vệ rừng cho diện tích không có rừng với số tiền hơn 70,4 triệu đồng, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước. 
Trong công tác quản lý tài chính, BQL đã tùy tiện thu, chi không đúng quy định của pháp luật với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách gần 1 tỷ đồng, nguồn dịch vụ môi trường rừng hơn 290 triệu đồng. 
Năm 2013, BQL thu tiền bán gỗ 20 triệu đồng nhưng không nộp vào ngân sách như quy định.
Từ năm 2007 - 2017, Ban đã chi thanh, quyết toán cho một số nội dung không đúng quy định, sai nguyên tắc tài chính, thiếu chứng từ thanh toán... với số tiền hơn 826 triệu đồng. 
Từ tháng 2/2016, Quyết định số 2405-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về phụ cấp cho cán bộ công tác tại các xã đặc biệt khó khăn hết hiệu lực thi hành và công chức của Ban không phải là công tác tại các vùng đặc biệt khó khăn, nhưng BQL đã chi phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm cho công chức, viên chức hơn 448 triệu đồng và từ năm 2014 - 2017 đã chi phụ cấp kế toán trưởng không đúng đối tượng với số tiền hơn 5,6 triệu đồng. 
Tổng hợp số tiền sai phạm tài chính - kinh tế tại BQL cần phải thu hồi là 1,63 tỷ đồng. Trách nhiệm chính để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thuộc về ông Nay Rcom Jem - Trưởng ban và ông Lê Đức Danh - Phó Trưởng ban. Các sai phạm trong công tác quản lý tài chính thuộc về ông Jem và ông Bùi Văn Thanh - kế toán của Ban. 
Thanh tra tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trưởng BQL thực hiện nộp vào ngân sách số tiền thu, chi không đúng hơn 1,6 tỷ đồng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý tài chính, ngân sách, nhằm khắc phục kịp thời những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua. 
Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo chuyển hồ sơ liên quan đến việc BQL Rừng phòng hộ Ayun Pa để mất hơn 551ha rừng sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. 
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo về xử lý kiến nghị sau thanh tra tại BQL Rừng phòng hộ Ayun Pa. Lãnh đạo Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết, Thanh tra tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi hơn 1,63 tỷ đồng tại BQL và Ban đang khắc phục nộp số tiền trên vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh.
Thanh tra tỉnh đã lập biên bản bàn giao hồ sơ vụ mất rừng sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.
Vụ việc đang được xúc tiến điều tra.
Ngọc Phó (Thanh tra)

Có thể bạn quan tâm