Gia Lai chủ động phòng-chống sốt xuất huyết mùa cao điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận gần 500 ca mắc sốt xuất huyết. Dự lường số ca mắc sốt xuất huyết sẽ gia tăng, nhất là vào các tháng cao điểm của dịch bệnh (từ tháng 6 đến tháng 11) nên ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng-chống.

Theo Sở Y tế Gia Lai, tuy số ca mắc sốt xuất huyết có giảm trên 50% so với cùng kỳ của năm 2023, song bệnh vẫn tập trung tại một số địa phương được cho là trọng điểm như TP. Pleiku, huyện Krông Pa và thị xã An Khê...Dự báo tình hình bệnh sốt xuất huyết sẽ gia tăng vì hiện đang bước vào cao điểm của dịch bệnh. Do vậy, công tác phòng-chống dịch cần có sự phối hợp của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân trong các hoạt động phòng-chống bệnh sốt xuất huyết.

Nhân viên y tế Trung tâm Y tế TP. Pleiku tuyên truyền người dân chủ động phòng-chống sốt xuất huyết mùa cao điểm. Ảnh: Như Nguyện

Nhân viên y tế Trung tâm Y tế TP. Pleiku tuyên truyền người dân chủ động phòng-chống sốt xuất huyết mùa cao điểm. Ảnh: Như Nguyện

Tại TP. Pleiku, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận trên 90 ca mắc sốt xuất huyết, cao nhất toàn tỉnh. Tuy số ca mắc giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng Trung tâm Y tế thành phố luôn quán triệt các trạm y tế xã, phường không chủ quan lơ là trong công tác phòng-chống; tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, địa phương thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan và bùng phát.

Bác sĩ Lê Sỹ Cẩn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku thông tin: Hiện nay, thời tiết và môi trường có những biến động thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm ngày càng gia tăng. Đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và có nguy cơ lan truyền và gây dịch.

Cũng theo bác sĩ Cẩn: Nhằm chủ động công tác phòng-chống, nhất là công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi dịch bệnh gia tăng, Trung tâm Y tế TP. Pleiku chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị, bố trí giường bệnh, nhân lực phù hợp, phương tiện hỗ trợ cho việc chẩn đoán, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp sốt xuất huyết chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt vệ sinh môi trường, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết, phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường; chú trọng công tác tập huấn, đào tạo, tự đào tạo về bệnh sốt xuất huyết cho các nhân viên y tế được phân công khám, điều trị bệnh sốt xuất huyết để kịp thời phát hiện, phân loại, cấp cứu, điều trị, phân tuyến và chuyển viện, thực hiện chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28-12-2015 của Bộ Y tế.

Người bệnh sốt xuất huyết khi có các dấu hiệu cảnh báo như: Sốt cao, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, chảy máu chân răng…nên nhập viện để điều trị kịp thời, tránh biến chứng sốc sốt xuất huyết nguy hiểm. Ảnh: Như Nguyện

Người bệnh sốt xuất huyết khi có các dấu hiệu cảnh báo như: Sốt cao, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, chảy máu chân răng…nên nhập viện để điều trị kịp thời, tránh biến chứng sốc sốt xuất huyết nguy hiểm. Ảnh: Như Nguyện

Về phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đây là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh nên đa số bệnh nhân chuyển đến đều là bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, có dấu hiệu cảnh báo, vì vậy đơn vị liên tục cập nhật về chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị giúp các bác sĩ, nhân viên y tế đảm bảo chuyên môn chăm sóc, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Bác sĩ CKI Cà Bích Hoàng-bác sĩ điều trị Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) cho hay: Hiện tại, số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị không nhiều nhưng thời gian sắp tới Gia Lai bước vào mùa mưa là cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, Khoa Bệnh nhiệt đới nói riêng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói chung chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về thuốc, vật tư y tế…đảm bảo cho công tác thu dung, điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất. “Về phía người bệnh sốt xuất huyết, khi có các dấu hiệu cảnh báo như: Sốt cao, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, chảy máu chân răng…nên nhập viện để điều trị kịp thời, tránh biến chứng sốc sốt xuất huyết nguy hiểm”- bác sĩ Hoàng khuyến cáo.

Phòng-chống sốt xuất huyết hiệu quả nhất khi có sự chung tay của người dân. Qua tuyên truyền, người dân ngày càng nâng cao ý thức và hiểu rõ những nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết nên chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng-chống. Ông Hoàng Văn Chúc (tổ 6, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) cho biết: “Người dân luôn chủ động phòng-chống sốt xuất huyết. Nếu phát hiện ca mắc sốt xuất huyết trong khu vực sẽ báo cáo ngay cho ngành chức năng để kịp thời khống chế, xử lý ổ dịch không để lây lan. Ngoài ra, người dân sẽ phối hợp và chủ động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, thực hiện các biện pháp phòng-chống muỗi đốt để phòng bệnh sốt xuất huyết”.

Dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, tình hình bệnh sốt xuất huyết sẽ gia tăng vì hiện đang bước vào cao điểm của dịch bệnh. Ảnh: Như Nguyện

Dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, tình hình bệnh sốt xuất huyết sẽ gia tăng vì hiện đang bước vào cao điểm của dịch bệnh. Ảnh: Như Nguyện

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, hướng tới Ngày ASEAN phòng-chống sốt xuất huyết lần thứ 14 (ngày 15-6-2024), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có công văn đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các hoạt động trong tháng cao điểm của dịch sốt xuất huyết. “Cụ thể, trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy phòng-chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Các đơn vị tham mưu kế hoạch cho UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai huy động các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân tích cực cùng tham gia phòng-chống sốt xuất huyết. Đặc biệt, công tác tuyên truyền tập trung vào các vùng sốt xuất huyết trọng điểm, từ đó chủ động công tác phòng-chống, nhất là vào các tháng cao điểm của dịch bệnh từ tháng 6 đến tháng 11. Ngoài ra, trung tâm cử cán bộ xuống các điểm nóng về sốt xuất huyết để hỗ trợ địa phương trong công tác phòng-chống dịch. Trong ngày 15-6 sẽ tổ chức xe loa lưu động tuyên truyền về phòng-chống sốt xuất huyết”-ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

(GLO) - Sau 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã trở thành địa chỉ khám-chữa bệnh tin cậy trong khu vực. Trong định hướng phát triển, đơn vị tiếp tục có chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.