Gầy dựng lại cuộc sống trên mảnh đất quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi nhận ra việc kiếm tiền nơi xứ người không dễ dàng như lời rủ rê của bạn bè, ông Kpuih Ơ (SN 1972, làng Dơk Klăh, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) tìm mọi cách để trở về quê hương, gầy dựng lại cuộc sống từ đôi bàn tay trắng.
Vất vưởng nơi xứ người 
Một ngày giữa năm 2015, ông Kpuih Ơ bỗng dưng “biến mất”. Chính bà Kpuih H’Phin cũng không rõ chồng mình đi đâu, chỉ biết nhìn 5 đứa con nheo nhóc mà khóc. Dân làng cũng không biết rằng, lúc ấy, ông Kpuih Ơ đang lắc lư trên chuyến xe khách rời quê hương để tìm kiếm một “tương lai tươi đẹp” mà người bạn “vẽ” nên ở xứ người.
“Nó nói theo nó sang Campuchia, Thái Lan thì không phải làm gì cả, được người ta nuôi ăn, ở rồi cho tiền. Nghe vậy nên mình đi theo”-ông Kpuih Ơ kể.
Chuyến xe đưa ông Kpuih Ơ và người bạn đi 3 ngày 2 đêm. Khi dừng lại bên bìa rừng, một người dân Campuchia ra đón, dẫn cả 2 vào tận rừng sâu. “Họ đưa mình vào rừng ở để làm rẫy thuê cho người Campuchia. Làm suốt 7 tháng liền nhưng họ chỉ nuôi ăn ở chứ không trả tiền công. Lúc ấy, mình nhận ra sự thật là ở đây không sung sướng như người bạn từng nói”-ông Kpuih Ơ nhớ lại.
Không chấp nhận sự thật ấy, 7 tháng sau, ông Kpuih Ơ và bạn tìm cách trốn khỏi khu rừng rậm Campuchia lên xe sang Thái Lan tìm kiếm công việc khác. Cũng theo lời dẫn dắt của những người đi trước, cả 2 được nhận vào làm phụ hồ tại các công trình xây dựng. Làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mới được trả công 250 bath/ngày (khoảng 180.000 đồng Việt Nam).
Để có chỗ tá túc, ông Kpuih Ơ cùng 2 người bạn thuê chung 1 căn phòng trọ ọp ẹp rộng khoảng 16 m2 với giá 1.000 bath/tháng. Nhưng khó khăn vẫn chưa dừng ở đó. Ông còn thường xuyên bị lực lượng cảnh sát nước bạn đến kiểm tra, xử phạt rất nhiều tiền. Cho nên dù ông cố gắng tằn tiện, tích cóp từ đồng tiền công ít ỏi song cũng chẳng đáng là bao.  
Ông Kpuih Ơ mua sắm các phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phương Linh
Ông Kpuih Ơ mua sắm các phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phương Linh
Trong suốt những ngày tháng ông Kpuih Ơ bỏ xứ ra đi, ngôi nhà nhỏ đầu làng Dơk Klăh trở nên trống hoác, không điểm tựa. Khi ông đi, đứa con trai út vừa mới được vài ngày tuổi. Khu vườn 400 trụ hồ tiêu đang phát triển xanh tốt thiếu đi đôi bàn tay chăm sóc của người đàn ông nên héo rũ rồi chết hẳn; rẫy cà phê thêm còi cọc; đàn bò cũng thiếu người phụ giúp cắt cỏ, cho ăn.
Một mình bà H’Phin sức yếu không thể cáng đáng hết chừng ấy công việc ruộng rẫy lẫn chăm lo 5 đứa trẻ nheo nhóc. Cả 6 mẹ con cứ thế lay lắt, bấu víu vào nhau, cố gắng duy trì cuộc sống từng ngày. Đưa đôi mắt nhìn xa xăm, bà H’Phin nhớ lại: “Chồng mình đi đâu không nói, sau này mới gọi về nói là đang ở Campuchia. Ở nhà, mình phải làm hết. Sau này thì có đứa con lớn phụ giúp nên cũng đỡ phần nào”.
Suốt 3 năm làm thuê vất vả với tiền công ít ỏi, ông Kpuih Ơ nuôi ý định trở về quê hương, về với vợ con, dòng họ. Bao lần tính toán không thành bởi đường đi không rành, ngôn ngữ bất đồng, số tiền dành dụm lại quá ít. Vì vậy, cuộc trở về bị trì hoãn mãi cho đến khi ông quyết định gọi điện thoại nhờ em trai lên trình bày sự việc với chính quyền địa phương.
“Lúc ấy, mình không biết trở về có bị gì không nên lo lắng lắm, vì mình vượt biên mà. May mắn là các anh Công an cũng như UBND xã tạo điều kiện, hỗ trợ thủ tục để mình được hồi hương”-ông Kpuih Ơ chia sẻ.
Niềm vui ngày đoàn tụ
Ngày trở về, khi bước chân qua cánh cổng thân thuộc, ông Kpuih Ơ xúc động không nói nên lời. Đưa mắt nhìn quanh, ông không nhận ra khoảnh vườn xanh mát năm nào. Khung cảnh xác xơ trước mắt khiến ông hối hận vô cùng vì quyết định sai lầm của mình. Một số đứa con cũng khép nép, lạ lẫm khi thấy bóng dáng cha.
“Thấy cảnh nhà cửa như vậy, mình buồn lắm. Mình nghĩ, nhà ruộng đất nhiều, làm bao nhiêu cũng được, chỉ cần chăm chỉ làm việc rồi cuộc sống sẽ khá giả thì không chọn, lại chọn con đường sai. Từ đó, mình tự hứa sẽ không nghe theo lời dụ dỗ vượt biên thêm lần nào nữa. Nếu biết ai có ý định vượt biên, mình cũng sẽ ngăn lại ngay, khuyên họ chỉ nên ở lại quê hương để làm ăn thôi”-ông Kpuih Ơ tâm sự.
Nén chặt nỗi buồn, ông Kpuih Ơ bắt đầu gầy dựng lại cơ nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Vườn hồ tiêu chết, ông đầu tư trồng thêm điều, chăm bón 700 cây cà phê và ruộng lúa nước, sửa sang lại chuồng bò. Dần dần, tích cóp mỗi năm một ít, ông đầu tư mua máy cày, máy xới, xe công nông để vận chuyển nông sản, phục vụ việc đồng áng, xe máy để đi lại. Bằng sự cần cù lao động, đến nay, gia đình ông đã sở hữu 5 con bò, 700 cây cà phê, 3 ha điều. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập 100-150 triệu đồng. 
6-5 Anh Puih Ơ sau khi vượt biên trở về đã chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình-ảnh P.L
Ông Kpuih Ơ sau khi vượt biên trở về đã chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Phương Linh
Ông Kpuih Đố-Trưởng thôn Dơk Klăh-chia sẻ: “Từ ngày về lại với gia đình, Kpuih Ơ rất chăm chỉ làm ăn, ngày nào cũng lên rẫy, làm việc không ngơi nghỉ. Kinh tế gia đình Kpuih Ơ nhờ vậy mà ngày một ổn định”.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Phạm Xuân Nghiêm-Phó Trưởng Công an xã Ia Dơk-cho biết: “Trên địa bàn xã có một số đối tượng vượt biên trở về. Phần lớn họ đều chăm chỉ làm ăn, có ý chí vươn lên xây dựng đời sống mới, nổi bật là anh Kpuih Ơ. Không chỉ ý thức tự mình quay về sau khi lầm lạc, anh Kpuih Ơ cũng nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, là hộ khá trong làng, nghiêm túc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định khác tại địa phương”.
KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.