Duyên nợ với con chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có những mối duyên đến một cách rất tự nhiên, tự nhiên đến nỗi gần như chúng ta không nghĩ đó là duyên nợ. Tôi đã bắt đầu công việc viết lách, đúng hơn là những con chữ đã xuất hiện trong cuộc đời tôi tựa một mối duyên như vậy.
Tôi yêu thích môn văn từ nhỏ và tập tành viết lách khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Đôi ba câu thơ, vài dòng tản mạn ghi lại cảm xúc vu vơ của tuổi mới lớn trong trẻo và giản đơn, chỉ để chia sẻ với bạn bè cùng đọc. Hoàn toàn không nghĩ rằng một ngày, tôi đã nương nhờ những cảm xúc đầu đời ấy và thực sự dấn thân vào nghiệp viết.
Việc viết lách giúp tôi có được những người thầy. Đó là những người đi trước, lớn hơn tôi cả tuổi đời và kinh nghiệm viết. Họ chỉ bảo tận tình, ngợi khen, khích lệ tôi đúng lúc và nhắc nhở những lúc cần. Nhờ họ, tôi thêm trưởng thành. Từ những con chữ, tôi có thêm những bạn viết, những người nhiệt thành và hết lòng với bạn bè. Có lúc, tôi bông đùa rằng, lỡ một lúc nào đó mình cạn túi, xách ba lô đi khắp đất nước này có lẽ cũng không bị đói, bởi gần như đến đâu, tôi cũng có thể được những người bạn viết bảo bọc, dẫu họ chẳng khá giả gì. Chỉ cần báo tin ngày ấy, giờ ấy có mặt, tôi sẽ được họ đón tiếp, dẫu có khi còn chưa biết mặt nhau ngoài đời. Ấy là tấm lòng của những người bạn văn chương dành cho nhau mà tôi khó lòng tìm thấy trong bộn bề cuộc sống này.
Viết lách cũng giúp tôi thấu hiểu và đồng cảm với những người bạn viết của mình, nhất là những người làm ở các tòa soạn báo, tạp chí. Các phóng viên thì phải xông xáo trên mọi “mặt trận”, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, những hiểm nguy rình rập để có thể kịp thời mang lại những tin tức nóng hổi, những bài viết giá trị phục vụ cho bạn đọc. Còn các biên tập viên lại có những nỗi vất vả riêng, họ luôn phải tập trung cao độ để đọc rồi nắn câu sửa chữ, cắt gọt căn chỉnh tin bài sao cho hoàn hảo nhất trước khi đến tay người đọc. Thỉnh thoảng được gặp gỡ những người bạn viết ở một hội nghị hay một trại sáng tác, một buổi tập huấn, hội thảo… có liên quan đến chữ nghĩa, lòng tôi luôn tràn đầy cảm  xúc. Xúc động vì mình được ghi nhận, được nhớ đến với một công việc mà mình dấn thân chỉ vì lòng đam mê. 
Việc chính của tôi là dạy học, và viết lách hỗ trợ tôi rất nhiều trong giảng dạy. Nếu như giảng dạy là việc lặp đi lặp lại những nội dung cũ, việc phải ở một chỗ và tuân thủ rất nhiều quy định khá nghiêm ngặt thì viết lách lại là việc luôn phải sáng tạo ra những cái mới, ít nhất là để không lặp lại chính mình. Viết lách cũng rất cần những chuyến thực tế để khám phá những điều mới mẻ, khiến cảm xúc thăng hoa, khiến con chữ trở nên bay bổng. Những con chữ ấy quay trở về bục giảng, làm cho những lời giảng của tôi như được chắp thêm đôi cánh, tươi mới và phấn khích hơn. Cuộc sống, công việc của tôi, nhờ thế, cũng đỡ bớt phần nhàm chán và tẻ nhạt.
Tôi vẫn đang cần mẫn ngày ngày gõ từng con chữ bằng đôi tay vương đầy phấn trắng. Với tôi, một tiếng chim cất lên giữa ban mai trong trẻo, một chiếc lá rơi xuống chơi vơi trong gió chiều, một đóa hoa dại nở lẻ loi bên đường… đều góp phần làm nên cuộc sống vô cùng thương mến. Và mỗi con chữ tôi viết ra, cũng vẫn chỉ vì nỗi thiết tha với cuộc sống bộn bề này.
 ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.