(GLO)- Trong những năm qua, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn được Đảng bộ huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) quan tâm. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo những chuyển biến quan trọng, góp phần ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên luôn được Đảng bộ huyện Đức Cơ chú trọng. Từ 17 tổ chức cơ sở Đảng với 225 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện đã có 42 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc (12 Đảng bộ cơ sở, 30 chi bộ cơ sở), 148 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với 2.980 đảng viên; 100% thôn, làng, tổ dân phố có chi bộ; 100% chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy.
Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã nêu cao tinh thần trách nhiệm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; cải tiến lề lối làm việc theo hướng chất lượng, hiệu quả, góp phần ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, vi phạm kỷ luật, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi tổ chức, cá nhân. Từ đó, Đảng bộ từng bước kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kinh tế của huyện tiếp tục có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện hiệu quả; quốc phòng-an ninh được giữ vững ổn định; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn, củng cố, có nhiều chuyển biến tích cực.
Quang cảnh buổi tọa đàm về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ do Huyện ủy Đức Cơ tổ chức. Ảnh: Thanh Tịnh |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn hạn chế; có nơi chỉ quán triệt đến cán bộ, đảng viên, chưa quán triệt sâu rộng đến đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân; một số cán bộ, đảng viên chưa thật sự tự giác trong học tập, nghiên cứu. Công tác nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội có lúc chưa kịp thời. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện dưới dạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, thiếu gương mẫu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn, nhưng việc theo dõi, giáo dục, xử lý chưa được quan tâm đúng mức.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nguyên nhân một số cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực sự nhận thức đầy đủ và sâu sắc về sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, còn thiếu chủ động, chưa thực sự quyết tâm, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Tinh thần tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy còn hạn chế, chưa chủ động phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tình trạng cán bộ, công chức, đảng viên ngại đấu tranh, phê bình, hội họp ít tham gia ý kiến còn khá phổ biến.
Quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Cơ xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, là trách nhiệm chung của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị.
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Cơ xác định một số nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, tiếp tục nhận thức sâu sắc rằng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy và của toàn bộ hệ thống chính trị, của mỗi một cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy Đảng, trực tiếp là người đứng đầu phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng chính trị; thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, triển khai thực hiện và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện học tập, quán triệt nghị quyết, các văn bản của Trung ương, của tỉnh và huyện về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; mỗi cán bộ, đảng viên tích cực tham gia làm công tác tư tưởng.
Hai là, tăng cường đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Báo cáo viên, giảng viên kiêm chức phải thường xuyên đổi mới phương pháp truyền đạt theo hướng nêu rõ những vấn đề cơ bản, cốt lõi về lý luận, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; tăng cường trao đổi, thảo luận giữa báo cáo viên với học viên, giữa học viên với học viên để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn.
Ba là, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, cụ thể, thiết thực, hàng ngày của mỗi tổ chức Đảng, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Bốn là, phải bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và người dân; kịp thời giải đáp những vấn đề về tư tưởng, băn khoăn, bức xúc của người dân, xử lý các tình huống nảy sinh, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội. Đặc biệt, phải quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân, kiên quyết không để xảy ra “điểm nóng”, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội. Đây là chìa khóa để giải quyết các vấn đề tư tưởng, là thực hiện công tác tư tưởng từ gốc rễ.
Tăng cường đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là nhiệm vụ cơ bản, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là công việc tự giác, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet, mạng xã hội, ngăn chặn, xử lý, xóa bỏ những thông tin xấu độc đi đôi với việc tăng cường chia sẻ, đăng tải những thông tin tích cực.
Năm là, cấp ủy, chi bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó coi trọng sinh hoạt tư tưởng, thông tin về tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, dư luận xã hội, những cách làm hay, sáng tạo, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên để học tập, noi theo. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, nêu gương của cán bộ đảng viên.
PHẠM VĂN CƯỜNG
Bí thư Huyện ủy