Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau hơn 1 tuần tranh tài sôi nổi tại TP. Pleiku, Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 đã khép lại với những dấu ấn đáng nhớ. Những đổi thay về luật thi đấu, độ tuổi, hạng cân, trang phục của vận động viên (VĐV)... được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt để đưa tinh hoa võ Việt vươn xa.

Những đổi thay ý nghĩa

Môn võ cổ truyền đã được đưa vào hệ thống các giải thi đấu quốc gia từ lâu. Tuy nhiên, việc chậm đổi mới về cách thức tổ chức thi đấu so với những môn võ du nhập từ các nước khiến sự phát triển của võ cổ truyền ở nước ta phần nào bị hạn chế. Phải đến Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33-2024, những thay đổi mới được tiến hành một cách mạnh mẽ trên nhiều phương diện.

Theo đó, đây là giải đấu đầu tiên được áp dụng Luật Thi đấu võ cổ truyền số 128/2024/LĐVTCTVN sửa đổi, bổ sung do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ban hành ngày 20-7-2024. Điều này tạo một luồng gió mới cho giải đấu khi có đến 650 VĐV của 32 tỉnh, thành, ngành trong cả nước tham gia.

Các VĐV thi đấu nội dung quyền thuật tại Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33. Ảnh: L.V.N

Các VĐV thi đấu nội dung quyền thuật tại Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33. Ảnh: L.V.N

Bên cạnh sự mở rộng về quy mô, giải năm nay cũng có sự thay đổi về độ tuổi và hạng cân thi đấu của VĐV. Cụ thể, tuổi quy định cho VĐV thi đấu đối kháng được mở rộng từ 17 đến 40 so với trước kia là từ 18 đến 35 tuổi. Đồng thời, số hạng cân thi đấu đối kháng cũng được tăng thêm với sự chênh lệch giữa mỗi hạng cân là 3-5 kg, thay vì 5 kg như trước. Độ tuổi quy định cho VĐV thi đấu quyền thuật được chia thành 3 nhóm: 17-40, 41-50 và 51-60, trong khi quy định cũ là từ 18 tuổi trở lên không giới hạn.

Ngoài ra, trong phần thi quyền thuật, ở các giải đấu trước, tất cả VĐV cùng thi đấu một lượt, sau đó các trọng tài chấm điểm để xếp hạng từ cao đến thấp. Tuy nhiên, với thể thức mới ở giải năm nay, các VĐV ở cùng nội dung được chia cặp thi đấu loại trực tiếp tương tự nội dung đối kháng. Thể thức này tạo sự cạnh tranh quyết liệt hơn trong từng trận đấu.

Giải đấu năm nay cũng là lần đầu tiên các VĐV thống nhất về trang phục thi đấu. Với nội dung quyền thuật, bên cạnh bài quyền quy định, giải có thêm nội dung thi đấu quyền tự chọn, VĐV mặc trang phục đặc trưng theo từng môn phái. Việc đưa thêm quy định này giúp cho các môn phái phát huy được thế mạnh và sự độc đáo của mình để đua tài, làm giàu thêm tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam.

Giải đấu là cơ hội gìn giữ và phát huy nét đẹp của võ cổ truyền. Ảnh: L.V.N

Giải đấu là cơ hội gìn giữ và phát huy nét đẹp của võ cổ truyền. Ảnh: L.V.N

Với nội dung đối kháng, tất cả VĐV mang trang phục áo thun, quần cộc màu đen giúp phân biệt rõ ràng với các môn võ khác. Huấn luyện viên khi chỉ đạo trận đấu cũng phải mặc võ phục. Điều này giúp môn võ cổ truyền tăng khả năng nhận diện hình ảnh, tạo sự nhất quán.

Những thay đổi này đã nhận được sự ủng hộ của các đoàn tham gia. Chuẩn võ sư Cao Đăng Khoa (đoàn Quân đội) cho biết: “Đây là giải đấu mà Ban tổ chức rất cầu thị khi có nhiều đổi mới rất đáng hoan nghênh từ yếu tố chuyên môn cho đến hình ảnh. Nhờ vậy, giải diễn ra với chất lượng chuyên môn rất cao, hấp dẫn trong những màn tranh tài cũng như tạo ra khí thế phấn chấn cho các VĐV tham gia. Tôi tin rằng với những tín hiệu tích cực như vậy, các giải đấu võ cổ truyền sẽ ngày càng khoa học, chuyên nghiệp và thu hút hơn”.

Tiến sĩ Lưu Trọng Tuấn-Phụ trách môn Võ cổ truyền của Cục Thể dục thể thao-cho hay: “Đây là những thay đổi mang ý nghĩa lớn đối với sự phát triển phong trào võ cổ truyền trong cả nước. Từ đó, môn võ này sẽ thu hút được nhiều đối tượng tham gia tập luyện, so tài, tạo sự lan tỏa rộng rãi. Các trận đấu cũng sẽ diễn ra hấp dẫn, kịch tính, công bằng hơn”.

Ban tổ chức trao giải cho các VĐV đạt thành tích cao ở nội dung đối kháng nữ tại Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33. Ảnh: L.V.N

Ban tổ chức trao giải cho các VĐV đạt thành tích cao ở nội dung đối kháng nữ tại Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33. Ảnh: L.V.N

Cũng theo ông Tuấn, thông qua giải đấu năm nay, Cục Thể dục thể thao và Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ chắt lọc tinh túy của các môn phái để từng bước chuẩn hóa, nâng cao kỹ thuật, trình độ chuyên môn, thành tích của môn võ cổ truyền. Đồng thời, phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tiến hành lựa chọn, nghiên cứu, bảo tồn, phát triển các bài quyền, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam và tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách, quảng bá tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Ông Tuấn thông tin thêm: Môn Võ cổ truyền được định hướng mở rộng ra khu vực và thế giới. Ngoài Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc tế được tổ chức 2 năm/lần, môn võ này sẽ được đề xuất đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games. Tại SEA Games 32, các VĐV võ cổ truyền Việt Nam trong lần đầu tiên tham dự môn võ truyền thống của Campuchia có tên Kun Bokator đã giành được 6 huy chương vàng. Môn võ này có nhiều nét tương đồng với võ cổ truyền Việt Nam. Đây là tiền đề để môn võ cổ truyền Việt Nam vươn lên tầm cao mới.

Cơ hội cho võ cổ truyền Gia Lai

Võ sư cao cấp Nguyễn Tấn Đô-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh: “Chúng tôi hy vọng qua giải đấu này, các cấp lãnh đạo và doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn nữa với môn Võ cổ truyền. Cụ thể, đưa môn Võ cổ truyền trở lại đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh như nhiều địa phương trong cả nước. Chỉ khi có hệ thống VĐV kế thừa ở nhiều lứa tuổi được ăn tập bài bản, có chế độ đãi ngộ tốt thì mới có thể đưa võ cổ truyền Gia Lai trở lại thời kỳ đỉnh cao”.

Sau 23 năm, Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia tiếp tục được tổ chức tại Gia Lai. Ở lần tổ chức trước trên sân nhà, võ cổ truyền Gia Lai từng tạo tiếng vang trong làng võ thuật nước nhà với những cái tên lừng danh như: Lê Ngọc Có, Nguyễn Tấn Đô, Trần Bảo Khánh, Trần Bảo Sơn, Phan Văn Hường… Trong đó, nổi bật là VĐV Nguyễn Tấn Đô với 6 chức vô địch quốc gia liên tiếp từ năm 1993 đến 1998 ở hạng 45 kg. Vận động viên này cũng được tham gia SEA Games 18-1995 tại Thái Lan với môn pencak silat.

Tại Gia Lai, võ cổ truyền đã được đầu tư trọng điểm thể thao thành tích cao trong giai đoạn 1992-2010. Các lò võ nổi danh ngày ấy như võ đường Lê Ngọc Có, võ đường Ngọc Phiến, võ đường Hoàng Anh Xuân… thu hút hàng trăm võ sinh tham gia luyện tập.

Tuy nhiên, kể từ sau năm 2010, khi Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh không còn tập trung đào tạo VĐV thể thao thành tích cao, môn Võ cổ truyền đã có dấu hiệu xuống dốc. Trong bản đồ võ cổ truyền quốc gia, Gia Lai không còn là cái tên đáng gờm.

Giải đấu có số lượng VĐV tranh tài đông đảo nhất từ trước đến nay. Ảnh: L.V.N

Giải đấu có số lượng VĐV tranh tài đông đảo nhất từ trước đến nay. Ảnh: L.V.N

Tuy nhiên, những năm gần đây, phong trào tập luyện võ cổ truyền ở Gia Lai đã dần được vực dậy và có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Võ sư cao cấp Nguyễn Tấn Đô-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh-cho hay: “Sau khoảng thời gian trầm lắng, vài năm trở lại đây, việc tập luyện môn Võ cổ truyền đã sôi động trở lại. Hiện toàn tỉnh đã có 21 câu lạc bộ võ cổ truyền, tăng 6 câu lạc bộ so với năm 2023.

Đặc biệt, các giải vô địch võ cổ truyền toàn tỉnh hàng năm nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các doanh nghiệp theo hình thức xã hội hóa đã góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, công tác tổ chức cũng bài bản hơn. Năm 2022, tại Giải Vô địch trẻ Võ cổ truyền toàn quốc, Gia Lai giành được 6 huy chương vàng”.

Ở Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia năm nay, Gia Lai có 17 VĐV tham gia, trong đó, 10 VĐV ở nội dung đối kháng và 7 VĐV ở nội dung quyền thuật. Kết quả, đoàn đã giành được 2 huy chương bạc ở nội dung quyền thuật của VĐV Trần Cúc (lứa tuổi 41-50) và Thái Văn Nhân (lứa tuổi 51-60); 2 tấm huy chương đồng ở nội dung đối kháng thuộc về VĐV Võ Huy Hoàng ở hạng 45-48 kg nam và Ngô Thị Xuân Mai ở hạng 51-54 kg nữ. Đây là thành tích tốt nhất của võ cổ truyền Gia Lai trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Ban tổ chức trao giải toàn đoàn cho các đơn vị giành thứ hạng cao ở nội dung đối kháng. Ảnh: L.V.N

Ban tổ chức trao giải toàn đoàn cho các đơn vị giành thứ hạng cao ở nội dung đối kháng. Ảnh: L.V.N

Đặc biệt, VĐV Võ Huy Hoàng năm nay mới tròn 17 tuổi, được xem là niềm hy vọng của võ cổ truyền Gia Lai trong tương lai. Võ sĩ này từng giành huy chương vàng tại Giải Vô địch trẻ Võ cổ truyền toàn quốc năm 2022.

Hoàng bộc bạch: “Em thường xuyên tập luyện môn Kickboxing và Muay ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Môn Võ cổ truyền tương đồng với Kickboxing và Muay song cũng có nhiều điểm khác biệt về đòn đánh, cách tính điểm. Em thấy môn Võ cổ truyền rất khắc nghiệt nhưng cũng thú vị. Em mong có nhiều cơ hội cọ xát ở môn võ này để học hỏi kinh nghiệm trong thi đấu, cải thiện thành tích của mình”.

Trao đổi với P.V, Võ sư cao cấp Nguyễn Tấn Đô cho biết: Năm nay, giải đấu có nhiều thay đổi với yêu cầu cao hơn rất nhiều nhưng Gia Lai đã tổ chức rất thành công và được Ban tổ chức Trung ương cũng như các đoàn đánh giá cao. Do đó, Gia Lai có thể sẽ tiếp tục giành quyền đăng cai các giải đấu cấp quốc gia và khu vực trong những năm tới.

Có thể bạn quan tâm

Hoàng Anh Gia Lai chia điểm trong trận cầu không bàn thắng

Hoàng Anh Gia Lai chia điểm trong trận cầu không bàn thắng

(GLO)-

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã có một trận cầu đầy tự tin trước đương kim vô địch Thép Xanh Nam Định (TXNĐ) ở vòng 3 V.League 2024-2025 vào chiều 28-9. Song mạch thắng của họ đã dừng lại khi phải chia điểm sau trận hòa không bàn thắng trên sân Pleiku.

Man.City bắt đầu thời kỳ mới

Man City bắt đầu thời kỳ mới

Đây là thời kỳ không có Rodri ở khu giữa sân. Chưa bao giờ Man.City đối diện với hoàn cảnh này: mất một trong những cầu thủ quan trọng nhất trong lối chơi (vì chấn thương), có thể là nguyên mùa bóng! Ảnh hưởng như thế nào?
Bóng chuyền Việt tranh tứ kết Cúp châu Á

Bóng chuyền Việt tranh tứ kết Cúp châu Á

Góp mặt tại giải đấu mà mùa trước tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch, LPBank Ninh Bình và Hóa chất Đức Giang bảo đảm có ít nhất một đại diện bóng chuyền Việt Nam vào đến bán kết AVC Women's Club 2024.