Đưa sâm Ngọc Linh về đỉnh Sa Mù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cây sâm Ngọc Linh đã bén rễ dưới lớp mùn núi Sa Mù. Kỳ vọng về một vùng sâm quý ở độ cao gần 1.400 m đang dần hiện ra
Đầu tháng 9-2019, hơn 1.200 cây sâm Ngọc Linh giống được di thực từ tỉnh Quảng Nam về đỉnh Sa Mù (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) - nơi có độ cao gần 1.400 m so với mực nước biển. Kể từ đó, không chỉ các cán bộ làm công tác bảo tồn mà nhiều người cũng dõi theo sự sinh trưởng của loài sâm quý này.

Đường lên khu vực trồng sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sa Mù
Đường lên khu vực trồng sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sa Mù
Nhiều nét tương đồng
Cây sâm Ngọc Linh dù mới được trồng ở đỉnh Sa Mù nhưng thực ra đã "bén rễ" trong suy nghĩ của ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Bắc Hướng Hóa, từ lâu. Đó chính là cái lần ông vào thủ phủ sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) độ dăm năm trước.
Dạo ấy, có dịp tiếp xúc với những người cùng ăn, cùng ngủ với sâm Ngọc Linh nên ông quan sát, tỉ tê rất nhiều, để rồi suốt quãng đường về trong ông đầy ấp ủ, trăn trở.
Cũng dễ hiểu thôi. Với người làm công tác nghiên cứu đa dạng sinh học như ông, sao có thể bàng quan trước sức hút của loài sâm quý này. Loài sâm phát tích ở núi Ngọc Linh, chứa đến 52 hợp chất saponin quý hiếm, có tác dụng tiêu tế bào lạ, tái tạo tế bào lành, phòng chống các mầm mống gây ung thư…
Cuối năm 2018, sau những ấp ủ, ông Hoan mạnh dạn đề xuất thực hiện "Mô hình trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở Sa Mù" với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Võ Văn Hưng (nay là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị). Ông đặt vấn đề rằng Sa Mù quanh năm nhiệt độ ở ngưỡng 20-24 độ C, trên nền khí hậu nhiệt đới gió mùa Tây Trường Sơn pha ôn đới. Ở đây, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và độ cao có nét tương đồng với núi Ngọc Linh. Đặc biệt, kết quả phân tích mùn núi ở Sa Mù từ Trung tâm Nghiên cứu môi trường và chất thải nông nghiệp (Trường ĐH Nông Lâm Huế) cho thấy có nhiều chỉ số tương đồng với mùn núi Ngọc Linh.
"Dẫu biết rõ cây sâm Ngọc Linh cực kỳ khó tính, rất kén độ cao, thổ nhưỡng và khí hậu, nhưng không mạnh dạn làm thì chắc chắn thành công sẽ chẳng bao giờ đến. Tất nhiên, trước khi di thực sâm Ngọc Linh về Sa Mù, KBTTN Bắc Hướng Hóa đã phải trang bị thật tốt kỹ năng trồng và chăm sóc. Chúng tôi xác định rõ phải nỗ lực đến 200% mới hy vọng có chút thành tựu" - ông Hoan nói.
Mô hình này của KBTTN Bắc Hướng Hóa được ông Võ Văn Hưng đồng tình, ủng hộ. Sau đó, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ 500 triệu đồng mua cây giống, mùn núi. KBTTN Bắc Hướng Hóa đối ứng thực hiện mô hình bằng việc tổ chức tập huấn, chăm sóc và xây dựng hàng rào để bảo vệ.
Đầu tháng 9-2019, đoàn công tác của KBTTN Bắc Hướng Hóa do ông Hoan dẫn đầu cùng 2 kỹ sư vượt gần 500 km vào xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. Tại đây, được sự giúp đỡ của Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, đoàn mua hơn 1.200 cây sâm Ngọc Linh giống để di thực về Sa Mù. Ngoài ra, hơn 200 kg mùn núi Ngọc Linh cũng được thu mua để duy trì dinh dưỡng trực tiếp cho cây trong quá trình vận chuyển.
Chăm như con mọn
Xe di chuyển liên tục. Đến quá nửa đêm đoàn mới về tới trụ sở KBTTN Bắc Hướng Hóa đóng ở đèo Sa Mù.
Đêm ở Sa Mù đúng như tên gọi - mờ mịt trong sương núi khí rừng. Tuy trải qua hành trình dài nhưng ai nấy như khỏe hẳn ra khi thấy số sâm giống đưa về không bị ảnh hưởng gì. Đến tảng sáng hôm sau, cán bộ, nhân viên của KBTTN Bắc Hướng Hóa mỗi người một tay di chuyển số cây sâm giống đến vị trí định sẵn để trồng. Ai cũng phấn khởi, cũng muốn tự tay mình trồng thật nhiều cây sâm quý trên vùng đất mới này.

Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa dựng lán che nắng cho cây sâm Ngọc Linh lúc mới di thực về Sa Mù
Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa dựng lán che nắng cho cây sâm Ngọc Linh lúc mới di thực về Sa Mù
Khu vực trồng sâm Ngọc Linh ở Sa Mù có độ cao từ 1.100 - 1.200 m, rộng chừng 1 ha. Để ngăn chuột, bọ, động vật cắn phá, xung quanh được quây kín bằng lưới B.40, cao gần 2 m. Ngoài khu vực này, sâm Ngọc Linh còn được bí mật thả ở các độ cao khác trên đỉnh Sa Mù để thử nghiệm.
Khu vực trồng sâm chỉ có vẻn vẹn một lối vào và một ổ khóa. Chìa khóa được giao cho phó Phòng Khoa học - Kỹ thuật và Hợp tác quốc tế Trần Thị Việt Thư nắm giữ. Chị là người được tập thể đơn vị này tin tưởng, giao phụ trách vườn sâm quý này.
"Từ khi đưa sâm Ngọc Linh về trồng ở đỉnh Sa Mù, mọi người nói đùa như có thêm con mọn. Mà nghiệm đúng như vậy thật. Các loài cây khác nếu trồng cứ thả giữa rừng nhưng cây sâm thì phải chăm, phải theo dõi sít sao dù ngày mưa hay ngày nắng" - chị Thư tâm sự.
Lứa sâm trồng năm 2019 ở Sa Mù có tỉ lệ nảy mầm 35%. Vì mưa lớn kéo dài, nhiều cây bị cuốn trôi, sạt lở vùi lấp. Không ít cây phát triển tốt nhưng bị côn trùng, chuột núi cắn phá.
"Anh em đi kiểm tra nhìn thấy vậy ai cũng xót, bởi công sức, tâm huyết bỏ ra rất nhiều. Trước khi di thực sâm Ngọc Linh về Sa Mù, mọi người đều xác định rõ mục đích trồng không phải hướng tới thành công để báo cáo thành tích, mà là làm thế nào để nắm chắc trong tay kinh nghiệm trồng, chăm sóc phù hợp với điều kiện nơi này" - chị Thư bộc bạch.

Cán bộ kỹ thuật của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa chăm sóc sâm Ngọc Linh ở Sa Mù
Cán bộ kỹ thuật của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa chăm sóc sâm Ngọc Linh ở Sa Mù
Ông Hà Văn Hoan thì khẳng định càng gần gũi vườn sâm Ngọc Linh bao nhiêu, khả năng thành công sẽ càng cao. Khi đó, mọi tác động, sự cố xảy ra đều được sớm phát hiện, khắc phục. Theo ông, đặc thù của sâm Ngọc Linh là nằm dưới lớp mùn núi nhưng trên lớp đất. Vào tháng 12, cây rụng lá ngủ đông, đến tháng 3-4 thì nảy mầm. Có những cây "ngủ say" năm này không nảy mầm nhưng năm sau lại nảy. Vì thế, khó thống kê cụ thể được cây sống, chết bao nhiêu phần trăm.
Trong năm 2020, KBTTN Bắc Hướng Hóa đã trồng dặm thêm 330 cây sâm Ngọc Linh 2 năm tuổi. Lần trồng dặm này có sự giúp đỡ, hỗ trợ của cán bộ Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu tỉnh Quảng Nam. Qua theo dõi, số sâm trồng dặm có tỉ lệ sống cao và sinh trưởng, phát triển tốt.
"Trong quá trình thực hiện mô hình, gặp khó khăn chỗ nào thì chúng tôi cố gắng khắc phục ngay chỗ đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. KBTTN Bắc Hướng Hóa sẽ cố gắng làm mọi cách, quyết tâm thực hiện thành công mô hình này" - ông Hoan khẳng định.
Giấc mơ dần hiện thực
Ông Hoan cho biết đơn vị thực hiện mô hình trồng sâm Ngọc Linh với mục đích chính là chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc KBTTN Bắc Hướng Hóa theo dõi quá trình sinh trưởng của sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sa Mù
Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc KBTTN Bắc Hướng Hóa theo dõi quá trình sinh trưởng của sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sa Mù
Bởi thế, quá trình thực hiện, có nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số ở các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) tham gia xuyên suốt từ khâu chăm sóc cho đến bảo vệ. "Việc cùng làm như vậy đến khi chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, người dân sẽ không bỡ ngỡ" - ông Hoan tính xa.
Ở đỉnh Sa Mù, ngoài sâm Ngọc Linh, KBTTN Bắc Hướng Hóa đã và đang triển khai trồng thử nghiệm các loài dược liệu quý khác như đẳng sâm, sa nhân tím, thất diệp nhất chi hoa, ba kích tím... Theo ông Hoan, qua tìm hiểu, những dược liệu này trên thị trường đang ưa chuộng, tiêu thụ tốt. Sau khi các mô hình thực hiện thành công, KBTTN Bắc Hướng Hóa sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc để người dân trồng dưới tán rừng. Không chỉ người dân mà ngay cả các doanh nghiệp có nhu cầu cũng được hỗ trợ.
"Tôi nghĩ một ngày không xa, trên đỉnh Sa Mù sẽ hình thành vùng dược liệu quý có thể kết nối, cung cấp cho thị trường. Khi đó, không những thu nhập của người dân tăng cao mà việc bảo vệ rừng sẽ được bền vững. Bởi những dược liệu này đều nằm dưới tán rừng, phá rừng thì đồng nghĩa với việc phá mất sinh kế của chính mình" - ông Hoan nhận định.
Trong khi đó, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay đã yêu cầu KBTTN Bắc Hướng Hóa thực hiện mô hình một cách thận trọng và có những đánh giá cụ thể. Theo ông, qua theo dõi đến hôm nay có tín hiệu khả quan là cây sâm Ngọc Linh đã sống, phát triển trên đất Sa Mù của Quảng Trị.
"Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, trong đó có cây sâm Ngọc Linh, là một trong những hướng đi mới của tỉnh Quảng Trị với mục đích cuối cùng là tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân địa phương" - ông Hưng khẳng định.
Mong được tiếp tục hỗ trợ
Ông Hà Văn Hoan cho biết đơn vị đang đề xuất tiếp tục thực hiện chăm sóc cây sâm Ngọc Linh năm thứ 3 ở Sa Mù. Thời gian qua, trong quá trình thực hiện mô hình, có sự tham gia, hỗ trợ của các đơn vị, ban ngành, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam. KBTTN Bắc Hướng Hóa rất mong trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ này để phát triển mô hình thành công như kỳ vọng.
Bài và ảnh: ĐỨC NGHĨA (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.