Thưởng Tết cao xấp xỉ 1,29 tỉ đồng tại một doanh nghiệp FDI ở TP. Hồ Chí Minh, thưởng 1,432 tỉ đồng từ một doanh nghiệp dân doanh của Đà Nẵng... là những mức thưởng "khủng" vừa được các địa phương công bố.
Mức thưởng Tết chênh lệch quá lớn
Nhiều Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh công bố về báo cáo thưởng Tết Dương lịch, Tết Âm lịch 2022 của các DN. Một số địa phương chỉ vài chục doanh nghiệp gửi số liệu báo cáo về các Sở.
Tại TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã có 1.012 doanh nghiệp với khoảng gần 175.000 lao động trên địa bàn có kế hoạch thưởng. Song, có đến 508/1.012 doanh nghiệp cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên có gặp khó khăn trong thưởng Tết cho người lao động.
Một số tỉnh như Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Cần Thơ, Quảng Trị, Lào Cai… mới chỉ có khoảng vài chục doanh nghiệp có báo cáo về thưởng Tết.
Song, với những doanh nghiệp đã công bố, thì mức thưởng Tết cao nhất và thấp nhất chênh lệch rõ rệt.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh cho hay, biết mức thưởng Tết Dương lịch 2022 trung bình là 4,09 triệu đồng/người, cao hơn 20,2% so với năm 2021 (3,39 triệu đồng/người). Trong đó mức thưởng cao nhất là 471 triệu đồng.
Còn mức thưởng Tết Âm lịch Nhâm Dần 2022 trung bình là 8,8 triệu đồng/người, tương đương với năm 2021. Nhưng mức thưởng cao nhất là xấp xỉ 1,29 tỉ đồng tại một doanh nghiệp FDI.
Tại Đà Nẵng, về mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đối với các Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, tiền thưởng cao nhất là 50 triệu đồng, thấp nhất là 1,075 triệu đồng.
Đối với các doanh nghiệp dân doanh, tiền thưởng cao nhất là 1,432 tỉ đồng, thấp nhất là 200 nghìn đồng. Như vậy, với loại hình doanh nghiệp này, có sự cách biệt rất lớn giữa mức thưởng thấp nhất và cao nhất.
Đối với tình hình thưởng Tết Nguyên đán, qua khảo sát tại 87 doanh nghiệp tại Quảng Trị có dự kiến thưởng Tết, mức thưởng thấp nhất là 200.000 đồng (tại doanh nghiệp dân doanh), mức thưởng cao nhất khoảng 67,9 triệu đồng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Mức thưởng khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp
Bên cạnh sự cách biệt quá lớn giữa mức thưởng Tết cao nhất và thấp nhất, giữa các loại hình doanh nghiệp cũng có sự chênh nhau nhất định.
Tại Hà Nội, khối doanh nghiệp FDI có mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất. Cụ thể, mức thưởng bình quân là 4,2 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 322 triệu đồng/người, doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 600 nghìn đồng/người.
Trong khi đó cũng tại địa phương này, mức thưởng bình quân của khối công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 3,2 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 23 triệu đồng/người và doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 500 nghìn đồng/người.
Tại Đà Nẵng, đối với các doanh nghiệp dân doanh, tiền thưởng cao nhất là 1,432 tỉ đồng, thấp nhất là 200 nghìn đồng. Đối với nhóm doanh nghiệp FDI, tiền thưởng cao nhất là 150 triệu đồng, thấp nhất là 768 nghìn đồng.
Trong khi đó, tiền thưởng cao nhất các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước là 45 triệu đồng, thấp nhất là 1 triệu đồng.
Ông Nguyễn Huy Hưng - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội – hiện nay, đã có một số địa phương gửi báo cáo thưởng Tết về Bộ, tuy nhiên số lượng còn khá ít.
“Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên nhiều doanh nghiệp khó khăn nên không “hào hứng” gửi báo cáo về Bộ” – ông Hưng nói.
Hiện, Bộ này vẫn đang tổng hợp báo cáo của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về lương, thưởng Tết.
Trước đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường công tác hỗ trợ, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Trong đó, có nội dung thời hạn gửi báo cáo lương, thưởng tết về Bộ ngày 29.12.
Theo ANH THƯ (LĐO)