Gia Lai có khoảng 106.400 ha cà phê, tập trung ở các xã phía Tây của tỉnh, sản lượng cà phê nhân đạt khoảng 312 nghìn tấn/năm. Mỗi năm, Gia Lai xuất khẩu bình quân 240 nghìn tấn cà phê nhân xanh, chiếm gần 77% sản lượng; còn lại (23%) là chế biến tại địa phương, với gần 100 cơ sở sản xuất, chế biến, tổng công suất khoảng 12.000 tấn/năm.

Phát triển cà phê đặc sản thay vì chỉ xuất thô
Với giá nguyên liệu cà phê nhân xanh hiện ở mức khoảng 95.000 đồng/kg, khi qua chế biến sâu như rang xay, hòa tan, đặc sản…, giá trị sản phẩm có thể tăng từ 1,5-2 lần, thậm chí cao hơn nếu xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản… Thêm vào đó, việc chế biến sâu không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn giữ lại phần lớn lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN) địa phương thay vì phụ thuộc vào giá sàn và DN thu mua trung gian.
Nhận thấy nhu cầu cà phê thành phẩm lớn, nhiều DN tại Gia Lai bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào chế biến sâu. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (phường An Phú) là một trong những DN tiên phong với sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê rang xay xuất sang thị trường châu Âu.
Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam-cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2025, Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu đạt khoảng 550 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến đến cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 750-800 triệu USD. Kết quả này chủ yếu nhờ vào giá cà phê ở mức cao, đặc biệt là sự đóng góp lớn từ nhóm sản phẩm chế biến sâu mang thương hiệu L’amant Cafe đã mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho Vĩnh Hiệp.
Theo ông Hiệp, sản phẩm cà phê vào thị trường Nhật Bản, châu Âu không chỉ bằng chất lượng mà còn bằng câu chuyện trách nhiệm, minh bạch và niềm tin. Do đó, các DN phải chủ động liên kết với hợp tác xã, vùng nguyên liệu để ổn định chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đầu tư nâng cấp nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn hàng xuất khẩu từng thị trường.

Hiện nay, nhiều DN vừa và nhỏ như Cà phê Tam Ba, Cà phê Thùy Dung, Cà phê BaKa… đang chú trọng đi theo hướng này, mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến sâu, tập trung vào các dòng cà phê đặc sản, cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê phin giấy, cà phê túi lọc…
Chia sẻ về định hướng xuất khẩu cà phê chế biến, ông Lưu Vinh Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Tam Ba (phường Diên Hồng), cho hay: “Dù đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng thế giới chỉ biết Việt Nam làm cà phê nguyên liệu. Vì vậy, chỉ có chế biến sâu mới nâng tầm giá trị cho hạt cà phê. Từ nguồn nguyên liệu hữu cơ 200 ha, Công ty chế biến các dòng cà phê thành phẩm, riêng cà phê rang xay đã xuất khẩu sang Mỹ. Việc đi vào chế biến sâu là xu thế tất yếu, giúp nâng cao giá trị, giảm rủi ro về giá khi thị trường cà phê nhân biến động, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai trên thị trường quốc tế”.
Gia tăng giá trị từ chế biến sâu
6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã xuất khẩu 136.200 tấn cà phê, đạt kim ngạch 758 triệu USD. Trong đó, sản lượng cà phê chế biến sâu bắt đầu tăng, cho thấy sự chuyển hướng của các DN.
Tiềm năng chế biến sâu của cà phê Gia Lai là rất lớn, dựa trên vùng nguyên liệu sẵn có, song thực tế phát triển chưa tương xứng.

Nguyên nhân đầu tiên là nguồn lực đầu tư và công nghệ của DN còn hạn chế. Hệ thống dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan, rang xay đạt chuẩn quốc tế đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi phần lớn DN có quy mô vừa và nhỏ, khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao về rang xay, chế biến các sản phẩm cà phê còn thiếu, khiến DN gặp khó khi đầu tư phát triển phân khúc chế biến sâu.
Để hỗ trợ phát triển ngành hàng cà phê chế biến, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ như tập trung rà soát, quy hoạch lại vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy; hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay ưu đãi, vốn chương trình khuyến công để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối DN chế biến với hệ thống phân phối trong nước và xuất khẩu, nhất là những thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…
Ông Phan Bá Kiên-Giám đốc Công ty TNHH BaKa (xã Ia Hrung) chia sẻ: Muốn tạo ra nhiều dòng sản phẩm cà phê chất lượng cao có giá trị gia tăng thì việc đầu tư trang-thiết bị, công nghệ cực kỳ quan trọng. Để có sản phẩm cà phê chế biến đạt chất lượng cao, người sản xuất phải đi từ khâu chọn lựa giống, chăm sóc, thu hoạch đảm bảo tỷ lệ cà phê chín đạt cao, cho đến công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến ra thành phẩm. Từ thành công với các dòng sản phẩm hiện có như cà phê rang hạt, cà phê bột, cà phê phin tiện lợi, 2 năm nay Công ty tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín để cho ra các sản phẩm cà phê hòa tan.
Theo ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, việc gia tăng giá trị từ cà phê chế biến không còn là lựa chọn mà trở thành xu thế tất yếu trong chuỗi giá trị cà phê Việt Nam. Việc các nhà sản xuất chú trọng đầu tư máy móc để chế biến các sản phẩm như cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê đặc sản đã giúp nâng cao giá trị gấp 1,5-2 lần so với bán nguyên liệu thô. Điều này không chỉ gia tăng thu nhập cho người trồng, giúp DN mở rộng biên lợi nhuận mà còn tạo điều kiện để cà phê Gia Lai vươn ra những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, khẳng định vị thế cà phê Gia Lai trên thị trường thế giới.