Điều thú vị về bức ảnh “Bà mẹ Tây Nguyên bắn máy bay Mỹ và con cháu tiếp đạn”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum (nay thuộc Bảo tàng tỉnh), nhiều người đã dừng lại rất lâu trước bức ảnh tư liệu “Bà mẹ Tây Nguyên bắn máy bay Mỹ và con cháu tiếp đạn”.

Bức ảnh lịch sử thể hiện tinh thần chiến tranh nhân dân của Việt Nam: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Tiếc rằng những thông tin liên quan đến người chụp, thời gian chụp và những nhân vật trong ảnh... đều chưa được làm rõ. Đây cũng là điều trăn trở của lãnh đạo cũng như những người làm chuyên môn tại Bảo tàng tỉnh.

anh-tu-lieu.jpg
Bức ảnh “Bà mẹ Tây Nguyên bắn máy bay Mỹ và con cháu tiếp đạn” (ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh).

Trở về sau chuyến công tác dài ngày ở huyện Chư Sê, chúng tôi được Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lê Thanh Tuấn thông báo tin vui đã tìm được nhân chứng biết thông tin về bức ảnh “Bà mẹ Tây Nguyên bắn máy bay Mỹ và con cháu tiếp đạn”. Đó là bà Vi Thị Hồng Sơn (số 66/6 Hùng Vương, phường Hội Thương, TP. Pleiku). Ngay lập tức, chúng tôi đến gặp bà Sơn để xác minh thông tin, làm rõ nội dung bức ảnh.

Bà Sơn năm nay đã ngoài 65 tuổi, là một người phụ nữ khá giản dị, nhanh nhẹn và niềm nở. Khi chúng tôi đưa ra bức ảnh tư liệu của Bảo tàng tỉnh, bà lẳng lặng đi vào buồng lấy ra một chiếc túi nilông nhỏ, trong đó đựng những tấm ảnh đen trắng đã cũ. Bà cẩn thận lấy tấm ảnh có kích thước 6x9 cm, cũng chính là tấm ảnh mà chúng tôi đang cần xác minh thông tin.

vi-thi-hong-son.jpg
Bà Vi Thị Hồng Sơn năm nay đã ngoài 65 tuổi, là một người phụ nữ khá giản dị, nhanh nhẹn và niềm nở. Ảnh: N.A.M

Bà Sơn cho biết: Quê bà ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sau năm 1954, gia đình bà có người đi tập kết nên bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt lên Đức Cơ để làm dinh điền cao su. Do đói kém, chiến tranh loạn lạc nên năm 1965, mẹ bà đã gửi bà đến sống cùng một người họ hàng ở Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang ngày nay).

Cũng từ đây, cô bé nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn Hồng Sơn đã được các cô chú trong Ban Giao bưu để mắt tới và giao phụ giúp những việc lặt vặt trong đơn vị. Năm 1969, mặc dù chỉ mới 10 tuổi nhưng cô bé Sơn đã thành thạo với công việc của một người làm công tác giao nhận tài liệu.

Nói về hoàn cảnh ra đời bức ảnh “Bà mẹ Tây Nguyên bắn máy bay Mỹ và con cháu tiếp đạn”, bà Sơn chậm rãi kể: “Đầu năm 1972, chiến tranh rất ác liệt. Ban ngày, các cô chú lãnh đạo ở Khu 10 tỏa đi công tác ở các khu khác hết, chỉ còn người già và trẻ em ở nhà. Hôm đó, tôi và 3 bà cháu (trong bức ảnh) đang phơi bắp trên rẫy thì chú Thức (công tác tại Ban Tuyên huấn) đi ngang qua và tới xin chụp ảnh mấy bà cháu.

Bà Sum (người phụ nữ trong ảnh) đã cầm lấy khẩu súng bên cạnh giơ lên trong tư thế ngắm bắn, sẵn sàng chiến đấu, 2 cháu bé ngồi nép bên cạnh bà để chú Thức chụp ảnh. Tôi lớn hơn 2 em nên chú Thức không chụp tôi cùng 3 bà cháu. Chú đã chụp riêng cho tôi với 2 em một tấm ảnh khác.

Mấy tháng sau, chú quay lại Khu 10 tặng ảnh cho bà cháu tôi. Mặt sau tấm ảnh chụp tôi với 2 em, chú Thức ghi ngày 12-4-1972. Những tấm ảnh này tôi vẫn còn giữ cẩn thận đến ngày hôm nay”.

Bà Sơn cũng kể tường tận với chúng tôi về những người trong bức ảnh tư liệu. Người bà trong ảnh mọi người thường gọi là bà Sum (bà nội của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch). Người cháu gái trong ảnh là bà Nguyễn Thị Kim Phụng sinh năm 1966, đang sinh sống tại phường An Bình, thị xã An Khê. Người cháu trai trong ảnh là ông Nguyễn Sĩ Tùng (em ruột bà Phụng) sinh năm 1968, hiện đang công tác tại Trung tâm Hạ tầng mạng miền Trung (khu vực An Khê). Bà Phụng và ông Tùng là em kết nghĩa của bà Sơn, chị em vẫn thường gặp nhau mỗi khi gia đình có việc.

Bà Sơn chia sẻ thêm: Trong hoàn cảnh chiến tranh lúc bấy giờ, mọi người Việt Nam đều có thể trở thành chiến sĩ. Ở Khu 10, bà Sum làm công tác hậu cần phục vụ cách mạng nhưng cũng được cấp 1 khẩu súng và luôn mang theo bên mình, sẵn sàng chiến đấu khi gặp địch. Chính vì vậy, chú Thức đặt tên cho bức ảnh là “Giặc tới nhà, trẻ già cũng đánh”.

“Hồi đó, bà Sum như người bà ruột thịt của bọn trẻ chúng tôi. Bà lo cho chúng tôi từng bữa ăn, tắm rửa, giặt giũ... Đêm đến, bà lại kể chuyện về những tấm gương anh hùng như anh Nguyễn Văn Trỗi, chị Trần Thị Lý, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm... cho chúng tôi nghe để giáo dục lòng yêu nước”-bà Sơn kể.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch rất bất ngờ và vui mừng khi biết nhân vật trong ảnh chính là bà nội mình. “Bà nội tôi tên là Nguyễn Thị Sum. Năm 1954, khi ông nội, người cô thứ 6 và người bác thứ 7 tập kết ra miền Bắc thì bà nội tôi cũng tìm cách bắt liên lạc với cách mạng. Nghe ba tôi kể, một buổi trưa, bà giả vờ đi tát nước, cho quần áo vào gàu, cùng ba và bác tôi cõng anh Hào (con người bác thứ 7) chạy vào căn cứ (Khu 10, xã Krong), để lại sau lưng nhà cửa, ruộng vườn. Vào căn cứ, bà nội làm ở Ban Giao bưu (tiền thân của Bưu điện tỉnh Gia Lai). Bà nội tôi mất năm 1979”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.

Trở lại câu chuyện với bà Sơn, khi chúng tôi nhắc đến thời điểm lịch sử giải phóng thị xã Pleiku, bà Sơn bồi hồi nhớ lại: “Đêm 14-3-1975, khi mọi người đang ngủ ngon thì bị cấp trên gọi dậy, truyền lệnh cho 7 anh em chuẩn bị quân-tư trang đi chiến dịch. Chúng tôi ở trong căn cứ không có thông tin nhưng dự đoán rằng cách mạng có sự chuyển biến lớn nên mới phải đi chiến dịch gấp như vậy. Sau 3 ngày hành quân lên đến An Mỹ, chúng tôi được tin Pleiku hoàn toàn giải phóng, anh em ôm nhau vui mừng mà nước mắt chảy dài”.

Những ngày này, TP. Pleiku rợp bóng cờ hoa, hân hoan chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh. Khi viết những dòng này, chúng tôi muốn nhắc nhớ và tri ân những người đã ngã xuống vì mảnh đất Gia Lai thân yêu, trong đó có bà Nguyễn Thị Sum đã âm thầm hy sinh nơi hậu cứ để chồng và các con yên tâm cống hiến cho cách mạng. Hình ảnh bà Sum không những còn lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh mà đã “hóa thân cho dáng hình xứ sở, làm nên đất nước muôn đời”.

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời

Nhạc sĩ Thụy Kha qua đời lúc 10h45 sáng 13/3 tại Hà Nội. Năm cuối đời, ông chống chọi với bệnh ung thư. Vài tháng gần đây, nhiều đồng nghiệp chia sẻ hình ảnh thăm nhạc sĩ Thụy Kha trong bệnh viện. 

Tiết mục múa của đơn vị Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng huyện Ia Grai năm 2025.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang huyện Ia Grai: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng giành giải nhất toàn đoàn

(GLO)- Trong 2 đêm (11 và 12-3), huyện Ia Grai tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang năm 2025. Liên hoan quy tụ 13 đơn vị tham gia. Mỗi đơn vị đăng ký trình diễn từ 3 đến 5 tiết mục ca, múa và diễn tấu các loại nhạc cụ.

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

Thơ Bút Biển: Nắng chưa qua

(GLO)- "Nắng chưa qua" của Bút Biển là một bài thơ đầy hoài niệm. Bằng những câu thơ nhẹ nhàng mà day dứt, tác giả khắc họa nỗi buồn của sự xa cách, khi ký ức vẫn còn đó nhưng hiện tại chỉ còn lại gió lùa, hoa rụng và căn phòng trống,... dường như có ai đang ngóng về một vệt nắng chưa qua.