Điều hành chính sách tiền tệ: Việt Nam đang đi đúng hướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất, thị trường ngoại tệ trong nước không ngừng biến động.

Diễn biến không mong muốn này diễn ra trên toàn cầu và USD được dự báo tiếp tục tăng giá, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn căng thẳng là thách thức không nhỏ đối với việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT).

Lựa chọn cơ chế điều hành

Tại buổi nói chuyện nghiệp vụ về “CSTT của FED và tác động tới các nước”, đại diện NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 chỉ 17%, thấp hơn chỉ tiêu của năm 2017, còn trong 6 tháng đầu năm, tín dụng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (7,88% so với 9,06%).


 

 Giao dịch tiền tệ tại chi nhánh Techcombank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Giao dịch tiền tệ tại chi nhánh Techcombank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh



NHNN vẫn tiếp tục kiên định mục tiêu điều hành CSTT từ đầu năm nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chủ trương của Chính phủ quyết tâm giữ ổn định lãi suất, tỷ giá, hoặc nếu xảy ra biến động thì mức độ điều chỉnh không đáng kể (ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2%), đồng thời áp dụng một số biện pháp kiểm soát lạm phát, đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững trong thời gian tới.

TS Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, sự thận trọng này là hoàn toàn cần thiết xét trong bối cảnh thị trường thế giới đang có nhiều bất định như hiện nay. Không thể phá giá VND bởi nguyên nhân biến động tỷ giá không đến từ nội tại nền kinh tế, chúng ta vẫn kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng hợp lý, thực hiện CSTT, tài chính vừa chặt chẽ vừa linh hoạt.

 

"6 tháng đầu năm 2018, các yếu tố thúc đẩy CPI tăng là do các mặt hàng nhà nước kiểm soát giá (y tế, giáo dục) và giá dầu, loại bỏ 2 yếu tố này lạm phát cơ bản chỉ ở mức 1,35 -1,4%. Quy mô tín dụng/GDP lên 130% là do nội tại năng suất lao động thấp, hệ số ICOR cao có nghĩa DN Việt Nam tiêu rất nhiều vào vốn đầu tư. Nếu cải thiện chỉ số ICOR - tức năng suất lao động tăng lên, hiệu quả sử dụng vốn tăng lên NHNN nên ưu tiên vốn vào sản xuất kinh doanh, tiếp tục thực thi các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo hướng nâng cao chất lượng tín dụng, giám sát chặt chẽ, đảm bảo giá trị tiền đồng, không để nợ xấu. " - TS Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cân nhắc chuyển sang một hình thức khung khổ CSTT theo lạm phát mục tiêu (LPMT) là cần thiết. Cơ chế LPMT là chính sách mà ngân hàng T.Ư đưa ra trong thời gian trung hạn, và được quyền chủ động sử dụng các công cụ, CSTT như nghiệp vụ thị trường mở, công cụ lãi suất, tỷ giá... Và như vậy, thay vì lấy mốc VND (có neo quá cao hay mất giá nhiều so với USD) để điều hành tỷ giá danh nghĩa, thì sử dụng một mức lạm phát đáng tin cậy để điều hành tỷ giá.

GS Andreas Hauskrecht - trường ĐH Indiana Hoa Kỳ, thành viên Nhóm Sáng kiến Việt Nam nhận thấy Việt Nam đang sẵn sàng để chuyển sang mục tiêu điều hành CSTT theo LPMT. “Tất nhiên, để một khung khổ điều hành CSTT theo LPMT hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việt Nam đã ổn định được mặt bằng lãi suất rất tốt trong bối cảnh các nước nâng lãi suất cao, điều hành thị trường ngoại hối cũng tương đối ổn định và phải chống đô la hóa” ông nói.

Kiên định mục tiêu chống đô la hóa

GS Andreas Hauskrecht cho rằng Chính phủ Việt Nam kiên định chính sách chống đô la hóa là đúng đắn. Ông cũng ủng hộ việc Việt Nam duy trì mức lãi suất 0% với đồng USD. Minh chứng cho sự thành công là năm 1998 tỷ lệ USD hóa ở Việt Nam là 47% hiện tại tỷ lệ đô la hóa 8%. Nhu cầu giữ USD của người dân, DN đã giảm nhiều giúp giảm sức ép tỷ giá.

Theo ông Andreas, ở các nước khác cũng vậy, người dân gửi USD lãi suất đều bằng 0. Chống đô la hóa trong những điều kiện cụ thể mang lại một số lợi ích như, tạo điều kiện tăng cung ngoại tệ, giảm bớt rủi ro tỷ giá, giảm chi phí sử dụng vốn… Vì vậy, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới phải thực hiện các giải pháp kiên quyết chống đô la hóa nền kinh tế.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Phạm Chí Quang cho biết, đến nay, tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ đã giảm mạnh từ mức 41,2% trong năm 1992 xuống chỉ còn chiếm 25%. Chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND được duy trì. “Nếu kiểm soát rủi ro tỷ giá tốt, DN sẽ yên tâm và về lâu dài sẽ chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua - bán dễ dàng hơn. Lúc này, các DN cũng sẽ không đặt nặng vấn đề vay ngoại tệ” - ông Quang chia sẻ.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có đủ lực để điều hành tỷ giá. Dự báo, việc cổ phần hóa sẽ tạo nguồn thu 40 - 50 tỷ USD, cán cân vãng lai vẫn thặng dư, du lịch, kiều hối, BĐS cũng là nguồn cung ngoại hối vô cùng quan trọng. Và đặc biệt nguồn vốn USD sẽ tiếp tục được bổ sung từ dòng FDI tiếp tục đổ vào và sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa.

Trâm Anh (kinhtedothi)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.