Đi Thái Lan đặt con dấu, nhuộm cho giấy thành cũ để làm giả hơn 200 hồ sơ đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để làm giả hàng trăm hồ sơ đất ở Đà Nẵng, Trần Văn Thôi đã đi Thái Lan để đặt làm con dấu giả mang về sử dụng.

 

 Phiên tòa xét xử vụ án bắt đầu từ sáng 2-6 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Phiên tòa xét xử vụ án bắt đầu từ sáng 2-6 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG



Sáng 2-6, TAND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đưa ra xét xử 4 bị cáo: Trần Văn Thôi (trú Liên Chiểu, Đà Nẵng), Phan Viết Tiến (trú Thanh Khê, Đà Nẵng), Lê Sơn (trú Liên Chiểu, Đà Nẵng) và Trịnh Duy Văn (Liên Chiểu, Đà Nẵng, cựu cán bộ địa chính) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Có 248 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án.

Đi Thái Lan để đặt con dấu giả

Theo cáo trạng, Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng đã điều tra, xác minh việc sử dụng hồ sơ nguồn gốc đất giả để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn quận Liên Chiểu với 560 hồ sơ do Thanh tra TP phát hiện nghi là giả.

Qua đó xác định có 366 hồ sơ nguồn gốc đất loại hồ sơ 2 lá, 3 lá là giả. Trong số này có 238 hồ sơ do Trần Văn Thôi làm giả.

Do biết nhiều người dân ở phường Hòa Khánh Nam có đất nhưng không có hồ sơ nguồn gốc, họ đang cần hồ sơ nguồn gốc đất được UBND phường cũ xác nhận trước năm 2004 để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Thôi nảy sinh ý định làm giả hồ sơ để kiếm tiền tiêu xài.

Biết ở trong nước không thể làm được con dấu khi không có giấy tờ hợp pháp, Thôi đi Thái Lan để đặt làm con dấu giả. Trước khi đi Thái Lan, Thôi tìm một bộ hồ sơ nguồn gốc đất thật có hình dấu tròn của UBND phường, hình dấu chữ nhật Sở địa chính nhà đất, dấu tên của chủ tịch phường. Các con dấu giả do Thôi đặt làm tại Thái Lan gồm dấu tròn của UBND phường, dấu chức danh, dấu tên chủ tịch phường…

Về mẫu phôi của hồ sơ, Thôi tìm một bộ mẫu từ hồ sơ thật. Sử dụng mẫu phôi này xóa hết các thông tin, chỉ để lại các thông tin mặc định, dùng bút kẻ lại các hàng bị xóa. Sau đó, mang đi photo bộ hồ sơ mẫu này ra thành nhiều bộ. Thôi đem bộ mẫu nhúng vào chậu nước lạnh có pha nước cà phê loãng, mang phơi khô để cho hồ sơ có màu đất, giống với hồ sơ cũ và chất liệu tại thời điểm đó.

Sau khi có con dấu, mẫu phôi giả, Thôi làm giả hồ sơ nguồn gốc đất của phường. Đối với trường hợp nhờ làm toàn bộ hồ sơ, mỗi hồ sơ Thôi nhận 1,5 triệu đồng. Với hồ sơ đã có sẵn phôi giấy, hình dấu UBND phường, chữ ký… Thôi chỉ viết các thông tin vào hồ sơ và viết giả nội dung xác nhận của UBND phường thì nhận 200.000-500.000 đồng/bộ.

Khi người có nhu cầu hoàn chỉnh một bộ hồ sơ, Thôi dùng bộ phôi mẫu này, viết các thông tin người xin giao đất, người chuyển nhượng-nhận chuyển nhượng, số thửa đất, tờ bản đồ… ký giả chữ ký của chủ tịch phường, cán bộ địa chính. Sau đó sử dụng con dấu hình chữ nhật Sở địa chính nhà đất để đóng vào hồ sơ… Thôi nhận 1,5 triệu đồng/bộ.


 

 Vụ án này có hàng trăm người có quyền và nghĩa vụ liên quan - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Vụ án này có hàng trăm người có quyền và nghĩa vụ liên quan - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG



Nhiều người tham gia

Từ năm 2008-2017, Thôi cấu kết với nhiều người làm giả 238 hồ sơ đất, thu lợi bất chính 157,4 triệu đồng.

Phan Viết Tiến đã có hành vi tham gia giúp sức cùng Thôi làm giả hồ sơ mang tên B.V.M. Ngoài ra, Tiến còn thừa nhận và đưa cho Thôi làm giả khoảng 2-3 hồ sơ trong tổng số 5 bộ hồ sơ giả Thôi nhận làm cho Tiến. Lê Sơn có hành vi tham gia làm giả hồ sơ đất của ông H.H.B. và bà N.T.N.

Trịnh Duy Văn là cán bộ địa chính phường Hòa Khánh Nam biết các trường hợp ông H.H.B. và bà N.T.N. mua đất vào năm 2008, 2013 là không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã giới thiệu đến gặp Lê Sơn làm giả giấy tờ…

Đối với 129 hồ sơ giả còn lại, chưa điều tra chứng minh được đối tượng liên quan sẽ được tách ra để tiếp tục làm rõ.

Theo ĐOÀN CƯỜNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.